(VNTB) – Ngày 30 tháng 5/ 2020, ông Vũ Mão qua đời. Trước khi nhắm mắt, ông không thể chấp nhận nỗi oan mang nặng 18 năm trường (2002- 2020), bèn để lại bài thơ “Phủi tay” cho bạn hữu thân công bố.
***
1. Ôn cố tri tân
Cuối thời Đông Chu liệt quốc, cuộc tranh giành lãnh thổ và trả thù cũ của hai lãnh chúa đã đưa hai nước Ngô quốc và Việt quốc vào thế giằng co, khi hòa khi chiến. Hai nước đều đau thương tang tóc. Hai đất nước đều lụn bại. Cuối cùng dồn một cho nhà Việt quốc.
Năm 473 TCN, Việt vương Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai, nước Ngô bị nước Việt tiêu diệt.
Hai tướng công thần hạng nhất của lão Việt vương Câu Tiễn là Phạm Lãi và Văn Chủng góp công chủ yếu nay sắp bị “sờ gáy”. Văn Chủng rất hay góp ý với Câu Tiễn về kế sách hậu chiến và tái thiết đất nước, Câu Tiễn bực tức không nghe…Phạm Lãi có tầm nhìn xa, cùng nàng Tây Thi bỏ đi giang hồ. Đại thần Văn Chủng ngu trung ở lại bị bức hại phải tự sát.
Ngẫm lịch sử phong kiến có quy luật bất biến đến tận thời nay.
Thời đại xã hội chủ nghĩa cũng chưa ra ngoài phạm trù lịch sử ấy.
Đại thần trung tướng nhà văn Trần Độ văn võ song toàn, trải qua các chức vụ khá cao: Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, thứ trưởng Bộ văn hóa, Phó chủ tịch quốc hội. Khi Trần Độ chủ trương soạn Nghị quyết BCT.05 “cởi trói văn nghệ” (đưa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký) tạo cột mốc đổi mới văn nghệ và cơn bão lũ bừng dậy, ông lại nhiệt tình góp ý với Bộ Chính Trị. Đảng đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, quyết liệt đến cùng. Bị “ê kíp đồng chí” phản đối quyết liệt đến mức khai trừ ông ra khỏi Đảng…
Năm 2002 Trần Độ qua đời, tưởng khép lại được “bi kịch nỗi đau Văn Chủng”. Văn phòng quốc hộ chủ trì lễ tang. Bộ sậu lãnh đạo quyết “đánh” đồng chí Trần Độ cú đá hậu cuối cùng, khi nắp quan tài đã đóng. Và người được/ bị phân công “thi hành án” là Vũ Mão, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội (2 chủ tịch QH Nguyễn Văn An và Nông Đức Mạnh đều né trách nhiệm, cổ nhân gọi là “Ném đá giấu tay”, ép Vũ Mão đứng ra hạ thủ đòn cuối cùng.
Vũ Mão trưởng ban lễ tang đọc Điếu văn, sau khi kể công, đoạn kết dành kể tội hương hồn Trần Độ. Gia đình tang chủ nổi giận phản đối ngay tại chỗ, tuyên bố không chấp nhận Điếu văn, con trai trưởng cầm micro nói “Công tội của cha tôi sẽ do lịch sử phán xét”… Bao năm qua, đồng chí và đồng nghiệp oán trách ông Vũ Mão là người cạn tàu ráo máng, chẳng biết câu “nghĩa tử nghĩa tận” (cái nghĩa cuối cùng). Vũ Mão đành cắn răng chịu đựng.
Tuy nhiên, mới cách đây hơn chục ngày – ngày 30 tháng 5/ 2020, ông Vũ Mão qua đời (theo gót tướng quân Trần Độ). Trước khi nhắm mắt, ông không thể chấp nhận nỗi oan mang nặng 18 năm trường (2002- 2020), bèn để lại bài thơ “Phủi tay” cho bạn hữu thân công bố.
Để hiểu rõ hơn nội tình đám tang tướng Trần Độ và “Nỗi oan Vũ Mão”, mời đọc bài viết của nhà thơ Lưu Trọng Văn trên Facebook của ông. Ông Lưu Trọng Văn là một trong số những người bạn tâm giao của Vũ Mão.
2. “Nỗi oan của ông Vũ Mão”
Lâu không thấy ông vào bình luận hoặc like những bài viết của gã như mọi khi, nghĩ, ông muốn né ai đó “kiên định lập trường” chọc ngoáy ông- một lãnh đạo của đảng lại vào hùa cùng bọn “gây rối” như gã.
Nhưng rồi cũng ngày này năm ngoái nhạc sĩ Phó Đức Phương từ Hà Nội vào Sài Gòn bàn với gã việc lấy chữ ký của văn nghệ sĩ Sài Gòn kiến nghị không cho Trung Quốc đầu tư và tổng thầu dự án cao tốc Bắc – Nam. Phó Đức Phương nói: Bản kiến nghị này được ông Vũ Mão đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và bày cách làm sao tác động tới chính phủ và Bộ Chính Trị. Gã nghĩ ông Vũ Mão chả sợ gì sất đâu, chắc vì sức khoẻ thôi.
Và đột ngột nhận tin ông ra đi.
Buồn!
Thương!
Tiếc!
Điều tai tiếng duy nhất mà ông vướng phải và đau lòng cho đến khi giã biệt cõi đời là lễ tang Trần Độ, ông là trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn. Gã chứng kiến lễ tang ấy và là người đứng cạnh ông khi ông bị các lão thành cách mạng công kích việc đọc cả thiếu sót của người quá cố. Gã chứng kiến ông đau khổ thế nào, mồ hôi vã đầm đìa. Gã hỏi, anh viết điếu văn đó à? Ông lắc đầu bảo Ban Tư tưởng văn hoá viết. Gã hỏi ai chỉ đạo? Ông chỉ ngón tay trỏ lên cao quá đầu.
Sau lễ tang, gã lên Na Rì, Bắc Cạn với GS Nguyễn Lân Dũng gặp nhà văn Trịnh Đình Khôi chuyên viên Ban Thông Tin Văn Hoá, gã hù Khôi: Hà Nội đồn rầm lên là ông viết điếu văn ông Trần Độ đấy. Khôi tái mặt kéo gã ra một góc nói thầm: đúng là tôi được phân công viết, nhưng tôi thề, đoạn nói về thiếu sót sai lầm của ông Trần Độ tôi không viết.
– Vậy ai viết?
– Ông đi mà hỏi mấy bố lãnh đạo ấy!
– Phải chăng ông Vũ Mão thêm vào?
– Không! Ông Vũ Mão còn không chịu làm trưởng ban lễ tang cơ mà. Ông ấy bị ép. Tôi biết chắc chắn người chỉ đạo việc viết thêm “sai lầm của ông Trần Độ” là cấp trên của ông Vũ Mão.
Trước khi ra đi ông Vũ Mão đã kịp viết lại sự thật về đám tang Trần Độ và nhờ Phạm Đức Bảo một người bạn của ông công bố trên mạng.
Việc lực lượng an ninh dưới sự chỉ huy của đại tá Trần Đại Quang phó tổng cục trưởng an ninh đại diện của bộ CA trong ban lễ tang được lệnh từ hai lãnh đạo cao nhất của đảng là không để bất cứ băng rôn nào có chữ “thương tiếc” và cấp bậc của Trần Độ vào viếng. Và đó là lý do mà vòng hoa của tướng Võ Nguyên Giáp, của gia đình tướng Lê Trọng Tấn và nhiều tướng lĩnh khác bị ách lại, bắt viết lại.
Cũng trong bản công bố này, ông Vũ Mão đã nói thẳng người ép mình làm trưởng ban tang lễ mà ông một mực từ chối là Nguyễn Văn An lúc đó là chủ tịch QH. Và hai lãnh đạo cao nhất của đảng đã chỉ đạo tang lễ cũng như ép phải có phần kể tội Trần Độ là Nông Đức Mạnh và Phan Diễn.
Ông Vũ Mão đau xót với những gì mình vướng phải vì ông là người luôn kính trọng Trần Độ. Ông cũng thẳng thắn phê phán ông Mạnh là “phủi tay” để mình ông lãnh đủ làn sóng phẫn nộ của dư luận.
Gã viết những dòng này để mong bạn đọc gần xa chia sẻ phần nào nỗi lòng của ông Vũ Mão và cầu mong hương hồn của ông được thanh thản về cõi vĩnh hằng”.
3. “Phủi tay”
– bài thơ Vũ Mão
Mậu Tuất 2018 ông Vũ Mão nhận thấy sức khoẻ có vấn đề do bước qua tuổi 80 thay vì làm thơ vịnh xuân như mọi năm ông viết bài thơ “Phủi tay” để giãi bày nỗi lòng của mình về một trang đau buồn, áy náy nhất đời ông là tiếng xấu trong lễ tang Trần Độ.
Bài thơ cũng nói rõ sự thật về ông Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm là thủ phạm chính việc gây tiếng xấu đối nhân xử thế trong đám tang Trần Độ nhưng lại “phủi tay” để mình ông Vũ Mão lãnh đủ. Trong chính trường Việt Nam hiếm có một lãnh đạo cao cấp của đảng vạch mặt các vua quan thiên đình như thế này.
Phải nói rằng đây là hành động dũng cảm của ông Vũ Mão và trước khi lìa đời ông muốn để lại bài học cay đắng cho bao vị quan công quyền khác: Hãy dũng cảm ngăn chặn điều xấu xa, thất đức, vi phạm pháp luật của bất cứ ai, đừng ngu xuẩn như ông để kẻ ăn ốc kẻ bỏ vỏ mang tiếng xấu xuống mồ.
Vụ Đồng Tâm cũng vậy. Kẻ nào bắn chết cụ Lê Đình Kình sẽ đền tội và bị muôn đời lên án. Nhưng thực ra kẻ ăn ốc, kẻ chủ mưu ra lệnh thì vẫn yên vị và phủi tay…
PHỦI TAY
Nhức nhối trở trăn tháng năm dài
Đã từng có chuyện một – không- hai
Lễ tang ngày ấy gây căng thẳng
Thiên hạ tiếu đàm quá mỉa mai.
Chỉ đạo “tận tình” ông M… ấy
ĐM … ông “cố” quá chi li
“Vô cùng thương tiếc” không cho để
Quyết đoán vội vàng hóa sầu bi
Kỳ cục Điếu văn chưa từng có
Trước sau ngụy biện: phải công bằng?!
Hành văn bắt buộc nêu ưu- khuyết.
Cạn tình vơi nghĩa gây thế căng
“Sáng kiến” việc này ông D… đấy
Ông Đ… trực tiếp soạn Điếu văn
Gia đình xin sửa, không cho sửa
Lệ khúc để đời nỗi trở trăn.
Còn đó, tâm tôi buồn đau thắt
Trưởng ban tang lễ buộc phải làm
Xua tay tôi cự – không chấp nhận
Họ nói: “Anh đừng ngựa bất kham”!
Thượng cấp tái bàn thêm lần chót
Mọi người phát biểu vẻ nghiêm trang
Dặn dò khi đọc diễn trầm bổng:
Cao giọng “công lao”; “khuyết” nhẹ nhàng
Chuyện ấy ngẫm sâu sao hài hước
Việc làm không sạch muốn che đi
Đang thời đổi mới sao làm thế?
Bia miệng để đời mãi tạc ghi.
Tôn kính tướng quân giàu bản lĩnh
Lòng tôi đau quặn những hao gầy
“Công lao” – giọng đọc dâng hào khí
“Khuyết điểm”… đau lòng đàn đứt dây
Giây phút lắng trầm bỗng căng thẳng
Gia đình tỏ rõ không đồng tình
Điếu văn như thế không chấp nhận
Chuyện trái lẽ đời ắt phát sinh.
Hệ lụy lễ tang gây bức xúc
Ai người chỉ đạo phủi liên quan
Tâm xà che đậy, giương khẩu phật
Ném đá giấu tay – xin miễn bàn…
Quyền chức lạm sang điều thất đức
Điếu văn chê trách thật lầm sai!
Muôn đời nghĩa tử là nghĩa tận
Nhân quả khôn lường chuốc mỉa mai
An giấc ngàn thu hồn thanh thoát
Vĩnh hằng ghi khắc bậc tướng quân
Dương gian hậu thế rèn nhân đức
Non nước nghĩa tình thắm vạn xuân
Mậu Tuất 2018
Vũ Mão
_________________
Chú thích:
ông D là Phan Diễn, ông Đ là Nguyễn Khoa Điềm, (thực ra người chấp bút cho ông Điềm viết điếu văn là Trinh Đình Khôi ). M… là Nông Đức Mạnh, ĐM… là Đỗ Mười.
Theo ông Phạm Đức Bảo thì khi làm xong bài thơ này ông Vũ Mão đã trao tận tay cho người bạn thân của mình là ông Đoàn Duy Thành và gửi nhiều bản cho bạn bè, người thân như ông Nguyễn Sĩ Dũng, ông Phạm Đức Bảo.
*Tựa đề: mô phỏng thơ Nguyễn Đình Thi (bài Đất Nước)
nguồn : Facebook nhà thơ Lưu Trọng Văn
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2669729576685596&id=100009457401127
1 comment
Lãnh đạo cao cấp cộng sản Vietnam luôn thừa ý thức lưu manh. Công trạng phục vụ đảng tận tụy suốt một đời ngồi trên đầu cổ nhân dân, tác oai tác quái bán nước buôn dân, tai ác, tàn bạo mọi việc đều không chừa, đều sẵn sàng thực hiện để bước lên các nấc thang quyền lực, hòng vơ vét tài sản quốc gia vào túi riêng cốt vinh thân phì gia truyền đời cho con cháu của nó. NHƯNG, lịch sử thì luôn vận động và bọn họ cũng hiểu được không biết ” ngày sau sẽ ra sao ” nên đều thủ cho nó một đường binh thứ hai mang bộ vỏ gọi là ” nỗi lòng ” hay ” tâm tư sâu kín để lại cho đời ” trước khi ra nghĩa trang Mai Dich. Từ loại làng nhàng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…..đến hạng có số má như Tố Hữu, Vũ Mão…. đều là một giuộc như nhau, đều là một bọn đểu giả vô liêm sĩ luôn đi hai hàng và cửa nào cũng muốn có ” chế độ ưu đải “.