Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguyễn Công Khế: người tù hai chế độ

VNTB

 

(VNTB) – Chỉ có hòa bình mới đưa con về với mẹ

 

Lời tòa soạn: Nhà báo Nguyễn Công Khế từng là “Việt Cộng nằm vùng”. Ông từng bị tù tội dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Qua bài viết được trích hồi ký (chưa phát hành) của chính nhà báo Nguyễn Công Khế, cho thấy trong môi trường độc Đảng toàn trị đã đẩy ông xa rời lý tưởng hồi nào…

 

Vào năm 1973, lúc ở trong nhà tù Chí Hòa, tôi viết thư về cho mẹ tôi, có đoạn: “Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, ở trong này con vẫn khỏe và chỉ có hòa bình mới đưa con về với mẹ, con nghĩ ngày ấy sẽ không còn xa”. Bức thư đó đến nay, luật sư Đỗ Pháp nguyên là Phó Chủ tịch Nội vụ Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng cất giữ.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký gồm bốn bên: Hoa Kỳ; Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa.

Tuy Hiệp định hòa bình đã được ký kết bao gồm lệnh ngưng bắn và thả tù chính trị nhưng với một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt ở miền Nam Việt Nam lúc đó, những léo lắt và trì hoãn trong việc thi hành Hiệp định Paris của Chính phủ Sài Gòn cũ, những người tù chính trị sinh viên – học sinh chúng tôi thời đó cũng không có mấy hy vọng sẽ được ra tù sớm. Tuổi trẻ của các lực lượng đấu tranh đô thị miền Nam lúc bấy giờ mục tiêu chính là đấu tranh cho hòa bình, chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Paris, đa số tù chính trị ở Chí Hòa được chuyển ra Côn Đảo và phân tán về các nhà tù ở tỉnh lẻ trước sự tố cáo của Chính phủ Cách mạng lâm thời là Chính quyền Sài Gòn đang giam giữ trên 200 ngàn tù chính trị và đòi phải trao trả gấp. Những người đấu tranh ở đô thị được đòi phải trả tự do về với gia đình. Việc phân tán tù chính trị vào thời điểm đó, Chính quyền Sài Gòn ngầm không công nhận con số tù nhân bị giam giữ trong các nhà tù miền Nam do phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra.

Tôi cũng được chuyển về lại nhà tù Đà Nẵng cùng với một tù nhân khác là Bùi Xuân Khả quê ở Huế. Sau đó, trước ngày 29/3, tức ngày quân giải phóng vào Đà Nẵng, trong cảnh hỗn loạn, cảnh sát chế độ cũ đã thả tôi về với gia đình. Tôi về nhà ở Thăng Bình thăm mẹ tôi được một ngày rồi quay ra Đà Nẵng để tìm đường lên chiến khu. Vừa vào tới ngã ba Năm Phước tôi được ở trên báo là quay về lại Đà Nẵng để phụ trách lực lượng thanh niên-sinh viên-học sinh bảo vệ Đà Nẵng. Lúc đó ngày giải phóng Đà Nẵng đã cận kề.

Đà Nẵng là nơi tôi học tập suốt thời niên thiếu ở ngôi trường mang tên Phan Chu Trinh nổi tiếng. Tôi đã từng làm Bí thư Chi đoàn của trường và là Ủy viên Ban Chấp hành Quận Đoàn Quận 1. Tôi nhớ lại cuộc chống bầu cử Tổng thống độc diễn của ông Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1971. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từ Sài Gòn bay ra Đà Nẵng để cùng tổng đoàn học sinh Đà Nẵng làm lễ tang cho thương phế binh Nguyễn Minh Đăng tự thiêu để chống cuộc bầu cử độc diễn lúc bấy giờ.

Ngày 31/10/1971, cả Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các đô thị miền Nam hừng hực trong lửa đấu tranh. Tất cả các thùng phiếu ở Đà Nẵng gần như bị đốt hoặc bị dân chúng tẩy chay. Những chiếc vỏ xe hơi cũ được chúng tôi đốt lên thành những áng mây đen kịt cả bầu trời thành phố Đà Nẵng. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm – Tư lệnh Quân Đoàn 1 đã ngồi trên trực thăng suốt ngày hôm đó thị sát tình hình để chỉ huy vãn hồi an ninh trật tự.

Báo Bút Thép và nhiều tờ báo ở Sài Gòn chạy tít lớn: “Đà Nẵng chìm trong khói lửa, hàng nghìn người chết và bị thương trong cuộc biểu tình chống bầu cử độc diễn”; “Đà Nẵng nhất nước”. Trong số người chết đó có 2 học sinh Nguyễn Bá Tần và Nguyễn Tam Vàng. Chúng tôi đã tổ chức đưa thi hài của hai học sinh này vào chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng để nhân dân đến viếng và tổ chức lễ truy điệu trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn người dân Đà Nẵng tại ngã ba Cai Lang.

Tôi được giao nhiệm vụ viết điếu văn cho lễ an táng hai học sinh này. Lúc đó tôi chưa có khái niệm về điếu văn, tôi đến hỏi giáo sư Trần Thông dạy Việt Văn của tôi tại Trường Phan Chu Trinh về nội dung của một điếu văn.

Ông bảo ngắn gọn: “Mình viết những gì cảm xúc nhất về cái chết của hai học sinh trước họng súng bạo quyền là đủ”. Tôi về chùa Tỉnh Hội bỏ ra một tiếng đồng hồ để viết hai trang giấy học trò trước cảm xúc về hai cái chết của Nguyễn Bá Tần và Nguyễn Tam Vàng, sau đó đưa cho Đỗ Pháp thay mặt Tổng Đoàn học sinh và nhân dân Đà Nẵng, đứng trên mui trần của chiếc xe lam cũ kỹ, trên ngã ba Cai Lang, trước một rừng người và được bao bọc bởi nhiều sư đoàn lính dù và biệt động quân được chính quyền điều về để giữ an ninh trật tự và chuẩn bị dập tắt bạo loạn. Cả một rừng người rơi nước mắt trước bài điếu văn cảm động và hùng hồn đó. (Bài điếu văn đó được Đỗ Pháp giữ và đã giao cho bảo tàng Đà Nẵng bằng chính chữ viết tay của tôi). Năm đó tôi 17 tuổi.

Đài BBC London, một đài được nhiều người nghe nhất lúc bấy giờ đã phát tin tức liên tục về cuộc chống bầu cử độc diễn ở các đô thị miền Nam Việt Nam, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng. Trước đó, chúng tôi nhận được chỉ thị từ ông Hồ Nghinh – Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà là phải tổ chức phản kháng cuộc bầu cử độc diễn đó, phải được đài BBC Tiếng Việt phát lên sóng ít nhất là một bản tin.

Ngày 15/5/1972, 32 giáo sư, sinh viên, học sinh Đà Nẵng bị bắt cùng một lúc, trong đó có những giáo sư nổi tiếng như Vĩnh Linh, Đăng Linh, Nguyễn Khắc Ủy, Huỳnh Sơn Cương và các lãnh đạo phong trào thanh niên như Đặng Thanh Tịnh, Đặng Thái, Ngô Minh Hải, Nguyễn Công Khế, Lương Thanh Liêm, Đỗ Pháp, Phạm Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Thọ, Lê Thị Quỳnh Dung, Phan Quý, Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Hòe…

Tất cả 32 người trong chúng tôi đều nếm trải qua nhiều nhà tù ở miền Nam, nhiều người đã bị giam ở Chí Hòa, nhà lao Kho Đạn – Đà Nẵng, nhà tù Côn Đảo. Nhiều người ở tù cho đến tận ngày 30/4/1975.

Tôi nhớ lại một chi tiết thú vị đối với cá nhân tôi. Ngày tôi được đưa trở lại nhà giam Đà Nẵng, tôi đã bị một giám thị nhà tù tên là T. đánh tôi trong một trận đòn chí tử. Với lòng căm giận của tuổi trẻ lúc đó, tôi định bụng phải trả thù tay này nếu tôi ra khỏi tù. Nhưng lúc tôi gặp T. ở bến xe Đà Nẵng, anh ta rất sợ.

Với bản năng thường tình của một con người sống trong thời điểm đã chấm dứt chiến tranh, tôi nói với anh ta: “Tôi còn nhớ những trận đòn anh xử tôi mới ngày hôm qua, nhưng tôi đã cố gắng quên, tôi mong anh về quê làm ăn nuôi vợ con và được sống trong cảnh hòa bình của đất nước”.

Trong các nhà tù miền Nam, tôi được sống trong tình cảm bè bạn cùng với rất nhiều bạn tù sinh viên học sinh khắp cả nước. Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Duy Thông, Đoàn Khắc Xuyên, Lê Đại Nghiệp, Nguyễn Huy Diễm, Lương Đình Mai, luật sư Nguyễn Long của Sài Gòn… với Bửu Chỉ, Lê Nhược Thủy, Nguyễn Hoàng Thọ, Phước Á, Lê Quang Nguyện của thành phố Huế.

(…) Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình không riêng ai cả, không riêng của người Cộng sản, không riêng của bất kỳ một tôn giáo, phe phái nào. Nếu chúng ta xác định được như thế thì hoàn toàn có thể hòa giải với nhau được. Nếu chúng ta biết quý trọng nhau vì đất nước, vì dân tộc thì tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn hòa hợp, hòa giải với nhau được để cùng xây dựng và phát triển đất nước, làm cho đất nước giàu mạnh, đuổi kịp các nước phát triển trong vùng và trên thế giới”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sự Thật ( Phần 2): Nền giáo dục và y tế ưu việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tôi Không Bao Giờ Xin Đặc Xá!

Trương Thế Tử

VNTB – Vụ án Vân Đồn như tui biết

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo