VNTB – Nhập gia tuỳ tục

VNTB – Nhập gia tuỳ tục

Út Sài Gòn

(VNTB) – Đòi hỏi là quyền của anh nhưng cái gì cũng phải chính đáng và xem xét có đúng thực tế hay không

Nhập gia tuỳ tục có nghĩa là khi đến một nơi nào đó, có thể là một gia đình, một khu vực hay một quốc gia nào đó, chúng ta cần thuận theo phong tục tập quán văn hóa của con người nơi đó mà cư xử, sinh sống.

Có thể nói đây không phải là một lời răn mới nhưng ý nghĩa của nó thì không bao giờ là cũ. Kể cả trong xã hội hiện đại như ngày nay, lời răn ấy vẫn giữ nguyên giá trị.

– Cái ông tác giả này này nói đúng ghê.

– Ồ, lần đầu tiên mới thấy anh Út nhà mình vừa coi điện thoại, tâm đắc một vấn đề mà cảm thán. Lúc trước toàn đi “rình mò” người ta coi tin tức không à.

– Làm gì mà dùng từ “rình mò” nghe thấy ghê vậy ông nội? Nhiều chuyện một chút thôi. Mà thật ra tất cả cũng chỉ là vô tình.

– Có vô tình hay hữu ý, thì cũng chẳng biết. Nhưng mà có chuyện gì mà anh có vẻ tâm đắc vậy?

– Thì tui mới đọc được một bài viết của một bạn đọc trên Việt Nam Thời Báo nè, thấy bạn đó nói đúng, nên cảm thán thôi.

– Đúng? Là sao?

– Đại ý bài đó nói về những người gọi là “biên tập viên từ trên trời rơi xuống” rồi tự huyễn hoặc ảo tưởng về sức mạnh cũng như khả năng của mình, buộc phóng viên phải làm này làm nọ, yêu cầu này yêu cầu nọ.

– Ôi, nói thiệt, mấy người đó, nói nhẹ nhàng là ngốc nghếch, nói nặng hơn là chẳng còn từ nào để miêu tả. Ở Việt Nam, truyền thông phát triển mạnh nhưng điều đó không đồng nghĩa với phóng viên được tự do.

Kềm kẹp đủ thứ, anh muốn nói cũng không được, anh muốn viết cũng không xong. Biết bao nhiêu phóng viên không bị này cũng bị kia rồi. Chỉ vì phản ứng trước một hai câu nói là bị “cho bay ghế” liền. Rồi bao nhiêu tờ tạm đóng cửa một thời gian? Bao nhiêu tờ đình bản vĩnh viễn? Cái bộ 4T phải công nhận cũng ăn ở không, săm soi, vạch lá tìm sâu để phạt này phạt nọ.

– Thì đó, trời ơi, không ở Việt Nam, muốn nói gì thì nói, muốn phát ngôn sao phát ngôn à.

– Mà nói thiệt, Tám tui cảm nhận một điều thế này, mấy cái người đòi hỏi này đòi hỏi nọ, thử về làm xem sao. Lúc trước, tui có biết một trường hợp, một người về Việt Nam đi ghi nhận tin tức, thời sự này nọ. Mà chủ trương cũng ta đây, cũng cực đoan. Cuối cùng có làm được cái gì đâu! Nhờ vả người ta làm giùm mà nói chuyện ông nội bà ngoại, rồi kêu người ta phải “xông pha” này nọ. Y như một người không bình thường.

– Ừ, đúng là cần một sự chỉnh chu nhưng chỉn chu không đồng nghĩa với hoàn hảo, không tỳ vết.

– Thật ra cái bài anh nói, tui cũng có đọc rồi. Cái ông tác giả đó nói không sai nhưng không đủ. Ổng không đề cập đến vấn đề luận điểm chính nữa. Lấy ví dụ cho dễ hiểu, giờ phóng viên mà đi làm đề tài “đời sống người dân trước tình trạng thất nghiệp”.

Ủa, với cái chủ đề đưa ra như vậy, cứ bám sát vào dân mà làm, chủ yếu làm sao xoáy vào cuộc sống khó khăn thế nào, khó khăn ra sao… chứ đâu phải đi làm chủ đề “chủ doanh nghiệp nói gì trước tin sa thải hàng loạt công nhân” đâu mà đòi đi phỏng vấn chủ doanh nghiệp?

– Theo Út tui thấy, trường hợp viện dẫn trong bài viết của tác giả, thì hành vi làm khó cậu phóng viên chẳng khác gì người chủ cố tình “vạch lá tìm sâu” để bóc lột, đàn áp công nhân. Mà có khi nào là do xa xứ lâu quá nên không nhớ rõ tiếng Việt cũng không rõ tình hình Việt Nam ra sao?

– Đồng ý, dù nó vẫn kỳ kỳ. Nhưng thấy nó không ổn chút nào, anh ghi nhận mà anh không hiểu thì anh ghi cái gì và nhận cái gì? Còn nếu không rõ, khiêm cung chút đi, đòi hỏi là quyền của anh nhưng cái gì cũng phải chính đáng và xem xét nó có đúng thực tế hay không?

Đó là chưa kể với cái mác phóng viên, biên tập viên về nội dung tin tức Việt Nam, anh phải rõ tiếng Việt chứ. Không thể đổ thừa tại, bị này kia được. Thế giới phẳng này, anh có thể học được mà. Cái quan trọng là anh có muốn học hay không, hay tự cho rằng mình quá “perfect” nên không thèm nghe ý kiến của ai. Vậy thì có khác gì bá đạo đâu?

– Bởi, vậy mới nói… thiệt là chán quá đi à…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)