Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những ‘cơn dịch’ gần đây ở Việt Nam

Nguyễn Nam


(VNTB) – Tháng 7-2011, một bác sĩ ở bệnh viện Nhi Đồng 1 của Sài Gòn cảnh báo “phải tính đến kịch bản xấu nhất”, nếu không hành động kịp thì “ngành y tế chỉ có nước tung cờ trắng”.

Bốn tháng sau đó, cả nước có gần 90.000 ca bệnh tay chân miệng, 147 ca tử vong, chưa năm nào Việt Nam bị “te tua” vì tay chân miệng như năm 2011. Vị bác sĩ cảnh báo ban đầu nhưng không được sự lưu ý đúng mực của ngành y tế, chính là bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I, Sài Gòn.

Trước đó, năm 2003, dịch SARS tại Việt Nam đã khiến 66 người nhiễm bệnh, trong đó, có hơn 40 y tá, bác sĩ của bệnh viện Việt – Pháp; 5 y tá, bác sĩ của bệnh viện (trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân) và bác sĩ Carlo Urbani (chuyên gia truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới được mời đến bệnh viện Việt – Pháp khám cho bệnh nhân viêm phổi) tử vong.

Bác sĩ Carlo Urbani là người đầu tiên nhận diện Hội chứng hô hấp cấp nặng và cảnh báo WHO. Lời cảnh báo của bác sĩ Carlo Urbani khiến cho thế giới lâm vào hoảng sợ, nhưng nhờ đó, mọi người đã nhận thức đúng mức độ nguy hiểm và dồn lực để thực hiện đúng biện pháp chống lại dịch SARS.

Trước khi bác sĩ Carlo Urbani qua đời, ông đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để làm tiêu bản nghiên cứu. Sau khi bác sĩ Carlo Urbani mất 2 tuần, nhờ lá phổi của ông, coronavirus đã được chỉ mặt vạch tên và đại dịch SARS được khống chế.

Như vậy, tính từ thời điểm xuất hiện bệnh nhân gốc Hoa đầu tiên phát bệnh, chỉ sau 45 ngày chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam đã được WHO ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Năm 2009, Việt Nam là quốc gia thứ 23 có người nhiễm cúm A/H1N1. Theo Bộ Y tế, tới 30-9-2009, gần 10.000 người mắc cúm A/H1N1, có 22 ca tử vong. Mười năm sau, tháng 12-2019, Tổng cục Thống kê công bố có 409.800 trường hợp mắc cúm A/H1N1 trên cả nước; trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam cũng gây tử vong cao. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2019, thành phố đã ghi nhận 12.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đáng nói, căn bệnh này có sự gia tăng gấp gần 3 lần so với năm 2018. Trong 10 tháng đầu năm 2019, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước lên đến 200.000 người. Số người tử vong là 50 người và chưa dừng lại ở đó, sốt xuất huyết vẫn gia tăng ở khắp nơi…

Ngoài ra, theo số liệu tình hình dịch bệnh của Tổng cục Thống kê công bố về các trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus thì đến tháng 12-2019, cả nước ghi nhận 578 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus và có 14 trường hợp tử vong.

Tình hình trên cho thấy đề xuất về miễn dịch cộng đồng đang rộ lên ở Anh là một giải pháp hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam.

Có lẽ cũng cần nói thêm, mặc dù đưa ra đề xuất về miễn dịch cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock ngày 15-3 đã xác nhận kế hoạch cách ly người trên 70 tuổi tối đa 4 tháng. Đến ngày 15-3, Anh có 1.140 ca nhiễm SARS-CoV-2, số ca mới được ghi nhận tính đến hết ngày 14-3 là 343 ca, tổng số trường hợp tử vong là 21.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chống giặc từ xa – chuyện năm Tý

Phan Thanh Hung

VNTB – “Quyền” của người bệnh ở Việt Nam!?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Nội các mới” của Đảng có cuộc họp đầu tiên với Tổng bí thư 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo