Anh Văn (VNTB) Mối quan hệ giữa các nhà nước không chỉ đó được dựa trên ý thức hệ chính trị mà còn là phương hướng, cách thức điều hành nhà nước – xã hội.
Việt Nam nếu so ý thức hệ thì có thể giống một phần Trung Quốc, một phần Triều Tiên, một phần Cuba. Nhưng nếu so về cái đường hướng, cách thức điều hành thì giống Thái Lan, hoặc xa hơn là Ai Cập.
Đó là những “nhà nước tốt đẹp nhất”
Nhận định này dựa trên sự tương đồng trong mối quan hệ mà hai bên cùng “chia sẻ”. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã khẳng định quan hệ Thái -Việt đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử, đồng thời đề nghị hai nước tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao.
Vậy xem thử, dưới thời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, Thái Lan có gì để khẳng định như vậy!
Về mặt chính trị, sau cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền quân sự Thái Lan tiếp tục mở rộng quyền hạn của mình, hạn chế không gian cho những người bất đồng chính kiến độc lập và hoạt động xã hội dân sự. Chính quyền quân sự, thông qua Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) duy trì quyền lực tuyệt đối ở Thái Lan theo Điều 44. Điều này tương tự Việt Nam, sau năm 1980, Hiến Pháp ghi nhận Điều 4 theo đó tuyệt đối hóa vai trò của ĐCSVN trong hệ thống chính trị – xã hội Việt Nam. Tám năm sau (1988), trước áp lực “tan rã” từ Liên Xô và Đông Âu, đã ép Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân Chủ Việt Nam (đều thành lập trong giai đoạn 1944-1945) phải “tự giải tán”.
Quay trở lại Thái Lan, một cuộc trưng cầu hiến pháp vào năm 2016 đã củng cố quyền lực của quân đội thông qua một cuộc trưng cầu bị lu mờ bởi cuộc đàn áp tự do ngôn luận và phản đối chính trị. Thậm chí, Hiến pháp tạm thời được các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 soạn thảo còn trơ trẽn đến mức, chính phủ quân sự sẽ tiếp tục nắm quyền bất kể kết quả trưng cầu dân ý. Điều này không khác gì lắm, khi mà vào năm 2013 nhà nước Việt Nam kêu gọi người dân góp ý, tuy nhiên, khi họ góp ý một cách sâu sắc và toàn diện bản Hiến Pháp theo xu hướng dân chủ và gần hơn với bản Hiến pháp 1946, thì lập tức bộ máy báo chí – tuyên truyền liền phê phán, chụp mũ, cáo buộc “đa số tên người dân ký vào kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 trên một số trang mạng là giả mạo”. Riêng ông Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đăng đàn khẳng định rằngm nhiều đóng góp sửa đổi Hiến pháp của dân là ‘suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức’.
Tiếp đó, sau khi “trưng cầu Hiến Pháp”, chính quyền quân sự Thái Lan đã nhanh chóng có thái độ ngày càng hung hăng đối với tự do dân sự bằng cách khai thác sự thiếu hụt một cơ quan tư pháp độc lập để tự do quấy rối hoặc bỏ tù các nhà hoạt động và nhà báo quan trọng. Các nhà bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị bức hại vì lên án các hành vi lạm dụng do chính phủ gây ra. Việt Nam cũng không khác gì mấy, chỉ chưa đầy ½ năm 2017, đã có gần 10 người bị bắt giam, truy nã vì lên tiếng bất đồng của họ.
Rõ ràng, quan hệ “nhà nước tốt đẹp” Việt – Thái là dựa trên những sự tương đồng về củng cố quyền lực độc tài và làm thu hẹp không gian xã hội dân sự lại. Cả hai nước “trao đổi đoàn cấp cao”, không chỉ dừng ở mức thương mại, mà có thể là ở cách vận dụng chính trị và bạo lực để từng bước xóa bỏ yếu tố nhân quyền ra khỏi quốc gia.
Trong mối quan hệ đặc trưng kiểu này, không thể không nhắc đến Ai Cập – quốc gia từng đưa người sang Việt Nam để học tập “chống tham nhũng”.
Ai Cập, tương tự như Thái Lan lẫn Việt Nam. Tại đây, các nhà báo và các nhà bảo vệ nhân quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận thường xuyên rơi vào tình trạng bị sách nhiễu, giam giữ, truy tố và bị bỏ tù như là một phần của cuộc trấn áp có hệ thống đối với bất đồng chính kiến. Các tổ chức xã hội dân sự, các nhà báo và các nhà nghiên cứu là đối tượng “yêu thích” của chính quyền độc tài Ai Cập, họ phải đối diện với lệnh phong tỏa tài sản và lệnh cấm đi lại. Quyền tự do hội họp tiếp tục bị hạn chế, vũ lực quá mức và bắt giữ tùy tiện tiếp tục được sử dụng để giải tán và xóa bỏ các cuộc biểu tình ôn hòa. Gần đây nhất, có vẻ học Việt Nam, Ai Cập thông qua một Luật quản lý NGO, theo đó bắt các tổ chức phi chính phủ phải nộp phí và sẵn sàng chụp mũ họ là phản loạn khi nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài.
Ai Cập – Thái Lan – Việt Nam tuy ba mà là một, thể chế khác nhau, nhưng cách thức vận dụng chính trị là giống nhau theo hướng độc tôn quyền lực, tôn sùng bạo lực, xóa bỏ sự đa chiều – đa nguyên. Do đó, quan hệ 3 nước có thể khẳng định chắc chắn rằng: vừa là Đối tác Chiến lược, vừa có thể ví như anh em.
Vâng! Một lần nữa, đó là những nhà nước tốt đẹp nhất!