VNTB – Nông nghiệp miền Tây sẽ theo hướng “thuận thiên” như trước 1975

VNTB – Nông nghiệp miền Tây sẽ theo hướng “thuận thiên” như trước 1975

Hùng – Sơn

 

(VNTB) –  “Sống chung” hạn, mặn, chuyển đổi sản xuất theo mùa, thuận theo tự nhiên sẽ phù hợp và bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long

 

Thay vì tìm đủ cách ngăn xâm nhập mặn vào mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi vùng nước ngọt, sẽ phù hợp và bền vững hơn bằng giải pháp “sống chung” hạn, mặn, chuyển đổi sản xuất theo mùa, thuận theo tự nhiên trong vùng hệt như miền Nam trước tháng 4-1975.

Thuận thiên là cả quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái…

Triển khai cam kết về biến đổi khí hậu

Ngày 21-3, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên. Hội nghị thu hút khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, Chính phủ song phương, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng…

Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Tham luận trình bày tại hội nghị nhìn nhận đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Các nhà khoa học cảnh báo, miền Tây Nam bộ của Việt Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Nếu tiếp tục phát triển mà không có giải pháp bền vững sẽ khiến 90% diện tích của vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp này của Việt Nam bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

 

Thuận thiên không phải thả nổi, không làm gì

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên, như việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Thông tin về các mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thay mặt chính quyền 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, cần có hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ mới mong sản xuất thuận thiên thành công, cũng như cần có sự liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong chia sẻ nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu liên vùng.

“Bài học cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất nông nghiệp thuận thiên là không thể chia cắt không gian kinh tế”, ông Lê Văn Sử đúc kết, đồng thời kiến nghị không thực hiện cơ chế vay lại trong triển khai các giải pháp công trình ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết qua làm việc với các quỹ đầu tư, đối tác hỗ trợ không hoàn lại khoảng 600 triệu USD dành cho nông nghiệp thuận thiên đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn kinh phí dành cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cần cơ chế “hết sức đặc thù” cho miền Tây Nam bộ

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư thông qua các dự án tại đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp; hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua hội nghị lần này, các đối tác quốc tế như: EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Các bên liên quan cũng đề xuất nhiều giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng sông Mê Kông cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

 


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)