Diệp Chi
(VNTB) – Xứ người, người ta chích, người ta mở cửa, người dân được tự do tham gia các hoạt động. Xứ mình thì không.
Vậy là đã hơn 1 tuần Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trong trạng thái bình thường mới. Người dân với những hoạt động nhanh chóng bắt nhịp lại với cuộc sống, với sống chung với dịch.
Các chốt nội ô đa số đã được tháo dỡ, người dân được lưu thông dễ dàng hơn, không còn bị siết chặt quy định ra đường với ý kiến thực hiện chỉ thị 16 mà xe cộ vẫn chạy ầm ầm đến từ phó thủ tướng Vũ Đức Đam nữa. Tuy nhiên, việc đi lại liên tỉnh thì vẫn còn khó khăn với quy định oái ăm là giấy xét nghiệm âm tính.
“Thế thì có gì khác với thời gian đầu tiên, chuẩn bị bùng dịch? Lúc đó chưa chích vắc xin được nhiều, đưa ra quy định giấy xét nghiệm âm tính đã gây biết bao nhiêu là khó khăn, người dân bị tước đi quyền tự do đi lại, hàng hóa đứt gãy. Giờ đây, khi đã chích nhiều rồi, vẫn còn đưa ra quy định đó, vậy thì chích để làm gì?
Nếu nói chích vẫn nhiễm, đồng ý, nhưng lấy lý do đó để sử dụng giấy âm tính thì không hợp lý, vậy thì không cần chích, chỉ cần xét nghiệm thôi là đủ, cần gì người dân đứng chầu chực chờ chích để chi? Nếu nói chích để không chết, xin đưa số liệu cụ thể rõ ràng nhất, những ca mất do Covid có đúng là do không chích hết không? Và trong số những người chích Vero Cell, có ai chết không?
Trên hết, nước ngoài người ta chích, người ta mở cửa, người dân được tự do tham gia các hoạt động, có nơi không đeo khẩu trang luôn. Nhiễm không? Vẫn nhiễm. Người ta có đóng cửa, ngăn sông cấm chợ không? Khoa học là sự tiến bộ. Có những bệnh cần vào sự tiến bộ của y tế. Nếu ông Bộ trưởng Bộ y tế không thể tiếp nhận cái mới của khoa học, cái tiến bộ của nhân loại, xin ông tự trọng, từ chức đi”, một người dân bức xúc.
“Quy định xét nghiệm âm tính là một quy định vô cùng làm khó cho người dân. Giống như trường hợp của tui, làm việc ở Sài Gòn, gia đình ở Bình Dương. Sáng đi chiều về cho đỡ tốn kém chi phí nhà ở, sinh hoạt, thì với việc xét nghiệm âm tính là một thủ tục rất chi là rườm rà, nhất là đối với người đã chích hai mũi như tôi.
Đúng là tôi có thể không như nhiều vị, chích Moderna hay Pfizer, nhưng tôi cũng được chích AstraZeneca, là một vắc xin mà WHO cũng như Việt Nam công nhận, tức là có một hiệu quả nhất định. Vậy thì tại sao cần quy định xét nghiệm? Xét nghiệm đâu có nhanh, rất mất thời gian, đó là chưa kể đến vấn đề tiền bạc. Rồi còn là câu chuyện sức khỏe lỗ mũi nữa”, một người dân ở Bình Dương ý kiến.
“Đã nói mở cửa rồi, giờ nhà nước hạn chế để mà lây lan dịch đó, chỉ là hạn chế thôi, chứ mà lúc trước cũng đâu có hạn chế được đâu. Nói hạn chế là tập trung phong tỏa chỗ này, chỗ kia cũng đâu có hạn chế được đâu. Thì bây giờ mở cửa thì cho mở cửa luôn đi, cho người ta đi đâu người ta đi. Ai người ta cũng sợ bệnh hết. Khỏi cần test, ai bệnh thì chịu thôi. Chứ giờ cứ bệnh người dân test hoài thì tiền đâu người dân test nỗi. Đi tới đi lui hoài, phải làm ăn chứ”, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét.
“Câu chuyện giấy âm tính là hoàn toàn không mới. Chuyên gia góp ý, tài xế từng lên tiếng, người dân ca thán, vậy sao vẫn còn tồn tại? Lại được áp dụng ở các cửa ngõ? Ông Nguyễn Thanh Long hay ông Vũ Đức Đam biết không? Tôi nghĩ là phải có. Nếu không biết, tức là hai ông không lắng nghe người ta góp ý càng không đọc báo, xem tin tức? Nếu như vậy chẳng khác nào chống dịch một cách duy ý chí, không tiếp thu lắng nghe đồng bào cũng như ý kiến chuyên gia và những bài học kinh nghiệm mà nước người ta đã rút ra khi đeo đuổi “zero covid”?
Thật sự việc thay Trưởng ban, tôi rất vui. Vì hy vọng sẽ đem một sinh khí mới, một cái nhìn mới cũng như hành động mới, tốt cho đời sống người dân. Cũng mong ông Thủ tướng kiêm Trưởng ban ngó xuống, để thấy người dân đã quá mệt mỏi với tờ giấy xét nghiệm âm tính như thế nào?”, một người dân ở Sài Gòn mong mỏi.
Theo truyền thông đại chúng, kể từ khi thay Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, rõ ràng, có nhiều tín hiệu tích cực, vừa có thể kiểm soát dịch ở nơi là vùng đỏ lớn nhất quốc gia. Giờ cư dân nơi này có thể tự do đi lại, người nghèo cũng có thể tự do đi kiếm miếng cơm, thì cũng mong rằng ông Thủ tướng ngó xuống, lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn từ tờ giấy xét nghiệm âm tính mà người dân buộc phải móc hầu bao ra chi như thứ thủ tục hành chánh. Thời gian qua, dân đã cơ cực lắm rồi…
Nếu đã lỡ mua kit test quá nhiều, không thể không sử dụng, thiết nghĩ, chuyện đó cũng hoàn toàn không khó với những người ‘khoái đi’ như quý ông Vũ Đức Đam hay ngài Nguyễn Xuân Phúc. Một chuyến đi là một lần test cho cả đoàn luôn. Rồi mấy ngày sau lại xoay vòng lần nữa, theo như quy định cách ly – xét nghiệm mà ông Bộ Y tế vẫn đang ‘kiên trì’ đưa ra. Rồi sẽ nhanh hết kit ngay ấy mà…