Hoài Nguyễn
(VNTB) – Quyết định đưa vụ án ra xét xử nói rõ: “Vụ án được xét xử công khai”.
Phiên toà phúc thẩm vụ án bà Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra lúc 8g00 sáng ngày 25-8. Địa điểm mở phiên toà: Phòng xét xử số VI – Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, số 1 Phạm Văn Bạch.
Theo từ điển Luật học thì “xét xử là hoạt động đặc trưng, là chức năng nhiệm vụ của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất của một nước đảm nhiệm chức năng xét xử, không ai có thể buộc tội mà không qua xét xử của Tòa án và kết quả xét xử phải được công bố bằng bản án”.
Vì xét xử là hoạt động của Tòa án, một hoạt động đặc trưng của việc thực hiện chức năng tư pháp của Nhà nước, nên hoạt động này được tiến hành theo cách thức hay thủ tục nhất định dựa trên những nguyên tắc tố tụng hết sức nghiêm ngặt. Bởi vì kết quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan.
Trong từ điển tiếng Việt “công khai” được giải thích như sau: “Công khai là việc không giữ kín mà để cho mọi người đều có thể biết”.Tính công khai trong công tác xét xử được hiểu là việc xét xử các vụ án được tiến hành một cách công khai, mọi người đều có thể tham dự và theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử.
Thông qua Hiến pháp – đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất cùng với các văn bản pháp luật chuyên ngành đều quy định việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi công dân từ đủ 16 tuổi trở lên đều có thể tham dự và Tòa án phải công bố tất cả các quyết định được thông qua trong quá trình xét xử của vụ án.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp 2013 quy định như sau: “3. Tòa án nhân dân xét xử công khai….”. Do vậy, nguyên tắc này được triển khai thực hiện ở các phiên tòa; trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, như hình sự, dân sự, hành chính, lao động,..
Bắt nguồn từ nguyên tắc về quyền con người, ai cũng có quyền bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng, công khai bởi tòa án. Điều này nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của họ; cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Thêm nữa, với vai trò nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, thực thi pháp luật, các phiên tòa được hiến định rằng phải được tổ chức công khai để mọi người dân có nhu cầu thì đều có thể tham gia; đều có thể được biết thông tin về vụ việc được xét xử.
Thông qua đó thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động xét xử vụ án. Ngoài ra, việc xét xử công khai phát huy được tính giáo dục chính trị – pháp lý; tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình; đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.
Về lý thuyết thì nguyên tắc xét xử công khai là sự thể hiện cụ thể của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Thế nhưng vấn đề nhân quyền luôn là điểm nóng ở các bản án liên quan đến quyền biểu đạt chính trị tại Việt Nam thì nguyên tắc xét xử công khai chịu nhiều giới hạn về quyền dự khán của người dân tìm đến theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử.
Pháp luật cũng có quy định về những vụ án được xét xử kín thì không công bố nội dung vụ án, diễn biến của phiên tòa nhưng vẫn phải tuyên án công khai với sự tham dự tự do của người dân quan tâm đến vụ án này. Theo đó, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.
Lưu ý, nguyên tắc xét xử công khai chỉ áp dụng đối với thủ tục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, không áp dụng đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.
Với những tóm tắt pháp lý như trên cho thấy ở phiên toà phúc thẩm vụ án bà Phạm Đoan Trang sắp tới đây, nếu đã thông báo rõ là “xét xử công khai”, thì mọi người dân quan tâm đến vụ án này đều được quyền tiếp cận, tìm hiểu về tình tiết, nội dung xét xử mà không bị lực lượng cảnh sát tư pháp lẫn an ninh thường phục cản trở, hạn chế bằng cách này hay cách khác vốn vẫn thường thấy trong các bản án liên quan đến quyền biểu đạt về chính kiến thể chế.