Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phục hồi điều tra về tố giác cụ Lê Tùng Vân loạn luân và lừa đảo?

Cát Tường

 

(VNTB) – Hai nội dung tố giác liên quan Tịnh thất Bồng Lai sắp được cơ quan tố tụng tỉnh Long An phục hồi điều tra là loạn luân và lừa đảo.

 

Tờ Zing đưa tin, chiều 26-7, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết đơn vị chuẩn bị phục hồi điều tra 2 nội dung tố giác tội phạm từng bị tạm đình chỉ liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và loạn luân (1)

Trong khi đó thì tờ Dân Việt (2) cho biết: “Chiều 26-7, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết, Cơ quan ANĐT (An ninh điều tra) tỉnh quyết định tạm đình chỉ điều tra về 2 hành vi “loạn luân” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố giác tội phạm của nhiều tổ chức, cá nhân đã xảy ra tại căn nhà của bị cáo Cao Thị Cúc (62 tuổi tọa lạc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa). Căn nhà này được bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) đổi tên từ Tịnh thất Bồng Lai thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”.

Theo báo Dân Việt, về 2 hành vi “loạn luân” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai, Công an tỉnh Long An cho biết hiện đang chờ một số kết quả về xét nghiệm, phân tích di truyền học từ cơ quan chuyên môn. Khi có kết quả, khẳng định đúng trong đơn tố giác trước đó, phù hợp chứng cứ thu thập quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ phục hồi điều tra.

“Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đang chờ thêm một số kết quả về xét nghiệm, phân tích gen di truyền học từ cơ quan chuyên môn về y tế. Khi có kết quả khẳng định đúng như nội dung tố giác, kết hợp với các chứng cứ cụ thể thu thập được trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra sẽ phục hồi điều tra tiếp tục và chuyển tiếp giai đoạn điều tra. Trong trường hợp không có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành” – báo Thanh Niên đưa tin (3).

Thắc mắc: kết quả xét nghiệm, phân tích gen di truyền học để xác định trong một vụ nghi án loạn luận, thông thường mất thời gian bao lâu?

Tài liệu y khoa viết: Xét nghiệm huyết thống, tên gọi khác là xét nghiệm ADN nhằm kiểm tra quan hệ huyết thống giữa những người khác nhau, dựa trên phân tích gen di truyền. Với sự phát triển của y học hiện nay, xét nghiệm huyết thống có độ chính xác lên tới 99%.

Ở Việt Nam, giá của một lần xét nghiệm ADN có thể dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng tuỳ thuộc vào số lượng gen và bao nhiêu biến thể (thay đổi) di truyền muốn phân tích, và sẽ tốn nhiều hơn – khoảng 1.000 Mỹ kim nếu giải mã toàn bộ hệ gen, tuỳ thuộc vào từng đơn vị xét nghiệm, bệnh viện và nhiều yếu tố khác.

Tùy vào từng bệnh viện, trung tâm xét nghiệm khác nhau mà thời gian nhận được kết quả xét nghiệm cũng không giống nhau. Thông thường, thời gian trả kết quả xét nghiệm gen sẽ dao động từ 5 đến 7 ngày làm việc (không bao gồm ngày nghỉ và ngày nhận mẫu). Một vài nơi có thể lâu hơn, dao động từ 1 tuần đến 2 tháng.

Như vậy vấn đề thời gian cho xét nghiệm ADN ở vụ án Tịnh thất Bồng Lai cho thấy đã “rất nhiều 2 tháng” đi qua…

Tuy nhiên vấn đề không chỉ là xét nghiệm ADN.

Theo quy định tại Điều 184 của Bộ luật hình sự thì “Loạn luân là (hành vi) giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha”.

Trong pháp luật hình sự Việt Nam, hành vi loạn luân là hành vi bị nghiêm cấm và không những được quy định thành tội danh độc lập ở Điều 184, mà còn được quy định là tình tiết định khung tăng nặng ở một số tội danh như: Tội hiếp dâm, Tội cưỡng dâm…

Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP có hướng dẫn “Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ là giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại. Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là giữa những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.

Đối với tình tiết định khung “có tính chất loạn luân”, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01-10-2019 của Hội đồng thẩm phán quy định các trường hợp được coi là có tính chất loạn luân bao gồm: Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Như vậy, so sánh hai quy định trên, có thể thấy sự khác nhau trong xác định hành vi loạn luân và hành vi có tính chất loạn luân. Trong đó, hành vi có tính chất loạn luân sẽ bao hàm các trường hợp được xác định là hành vi loạn luân.

Như vậy, để xác định hành vi của một người phạm tội loạn luân theo quy định tại Điều 184 thì phải xác định có hành vi giao cấu thuận tình giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, hoặc giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Để xác định chủ thể phải chịu tình tiết tăng nặng “có tính chất loạn luân” ở một số tội danh khác thì phải xem xét cấu thành tội phạm của tội đó và quan hệ của những người này có thỏa mãn một trong số các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hay không?.

Tuy nhiên, đối với những người tuy có quan hệ giữa cha, mẹ đối với các con; giữa ông bà với cháu nội, cháu ngoại, nhưng đó không phải là người có dòng máu trực hệ thì cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội loạn luân, như: Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa bố chồng với con dâu; giữa mẹ vợ với con rể; giữa bố dượng với con riêng của vợ; giữa mẹ kế với con riêng của chồng.

Với hàng loạt yêu cầu như trên trong điều tra cho thấy ở đây ngay từ ban đầu phía cơ quan hữu trách đã quá vội vã trong đưa ra các cáo buộc, mà qua đó người ta có thể thấy rõ rằng vấn đề tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam luôn là tùy nghi vào ý kiến chủ quan trong từng giai đoạn từ những người nhân danh quyền lực nhà nước.

+ Chú thích:

(1) https://zingnews.vn/sap-phuc-hoi-dieu-tra-tin-to-giac-loan-luan-lien-quan-tinh-that-bong-lai-post1339448.html

(2) https://danviet.vn/vu-tinh-that-bong-lai-toi-loan-luan-lua-dao-tai-sao-tam-hoan-dieu-tra-20220726171850167.htm

(3) https://thanhnien.vn/vu-tinh-that-bong-lai-tam-dinh-chi-dieu-tra-2-noi-dung-to-giac-loan-luan-va-lua-dao-post1482020.html


Tin bài liên quan:

RFA – Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng đã tới Mỹ

Do Van Tien

VNTB – Thế nào là “thờ tự bất hợp pháp”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện bên lề về Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ  thăm một số tổ chức tôn giáo tại Việt Nam

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.