Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tiền khắc phục hậu quả của quan chỉ là của nổi trên tảng băng của chìm…
Thực hiện nhiều phi vụ trục lợi, tham ô, tham nhũng khác trót lọt rồi, vì vậy “của ăn, của để thừa thãi”. Đến khi bị phát hiện ở một vụ án này thì việc huy động một vài tỷ hay vài chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả sẽ rất nhanh chóng (?!).
Gần đây thấy cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nộp khắc phục 2,25 triệu USD; cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nộp khắc phục 4,6 tỷ đồng; cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng nộp 45 tỷ đồng khắc phục sau khi bị khởi tố; Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nộp ngay 4,2 tỷ sau khi bị bắt một ngày; vợ ông Lưu Bình Nhưỡng đã nộp 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng sau khi bị khởi tố…
Vụ bị khui nào đó có thể chỉ là tài sản nổi trên tảng băng chìm, vì trên thực tế do hành vi đưa hối lộ cũng là tội phạm nên hiếm có trường hợp người chủ động hối lộ tố cáo hay khai báo. Như trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt vi-rút trị giá 30.000 USD; cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát. Tuy nhiên, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… và không nhận tiền.
Những cựu quan chức kể trên, tin rằng họ hiểu rất rõ rằng mặc dù ai cũng có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản vượt trội của họ thời gian giữ trọng trách quản lý nào đó, nhưng ở góc độ pháp luật, không thể nhìn nhận tài sản, thu nhập về sự giàu có đó là bất hợp pháp – mặc dù họ đã không kê khai đầy đủ cho việc xác lập thuế thu nhập cá nhân.
Ở đây, chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ có được là bất hợp pháp, thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả trường hợp họ không giải trình được nguồn gốc tài sản cũng chưa thể thu hồi được, bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội.
Lập luận trên gần đây đã không hẳn còn đúng như với trường hợp của những cựu quan chức xướng danh ở phần đầu bài viết này, khi mà họ sẵn sàng “khắc phục hậu quả” ngay khi chưa có bản án tuyên nào hiệu lực thi hành cả. Cách lý giải theo nghĩa ‘tự sướng’, thì “Đó là kết quả nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng khác.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách pháp luật đã đạt được hiệu quả tốt hơn. Các chính sách khoan hồng, nhân đạo cùng với sự nhận thức rõ của các bị can, bị cáo nên đã tích cực động viên gia đình và người thân khắc phục hậu quả, nộp tiền”.
Tính đến hiện tại thì có thể tạm kết về góc nhìn của “nộp tiền khắc phục” khi cán bộ bị nghi vấn “nhúng chàm”, đó là phương cách sử dụng thuật ngữ “Ảo tưởng tảng băng trôi” trong ngành tài chính – tức chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ của một vấn đề lớn kiểu phần nổi của tảng băng vỡ. Phần thể tích còn lại của tảng băng nằm ẩn dưới mặt nước tạo ra một mối đe dọa vô hình đối với các tàu thuyền đi qua – tức niềm tin của công chúng ngày càng tụt giảm vào sự liêm chính của những quan chức chế độ cộng sản đang độc quyền cai trị.