Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quốc hội Việt Nam chưa xem xét đến việc bỏ quy hoạch điện hạt nhân

 

Hồng Dân

 

(VNTB) – Rất có thể dự án điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận sẽ tái khởi động vì Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

 

Phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu?

Trong một trao đổi với giới truyền thông tại bên lề cuộc họp Quốc hội hồi đầu tháng 6-2022, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho hay, để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, cần xem xét nhiều yếu tố và phải phù hợp với lộ trình phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Để phù hợp với lộ trình này, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, hiện Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Nhưng các loại năng lượng mới này có một vấn đề là giá cao, phải bỏ ra ngân sách rất lớn để đầu tư hệ thống truyền tải.

Ở góc độ ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ về việc cần thiết phải phát triển điện hạt nhân. Bởi lẽ, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, các quốc gia cam kết về việc phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió). Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn điện nền ổn định.

“Điện nền hiện nay chỉ có nhiệt điện than hoặc thuỷ điện. Nhưng điện than chúng ta đã không còn điều kiện để phát triển và thủy điện cũng đã hết dư địa. Trong khi đó, chúng ta cần phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP26 và phát triển điện hạt nhân cũng là xu hướng tất yếu các quốc gia trên thế giới đang thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết 3 năm trước, Hoa Kỳ và Đức là hai quốc gia giảm đã giảm điện hạt nhân nhưng đến nay đã phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn loại hình này, làm cơ sở khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

Do vậy, bộ công thương đã phải “kiên trì” kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân ở Ninh Thuận, chờ đến khi cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục hay không tiếp tục… “Không có địa điểm nào phù hợp hơn phát triển ở đây”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Dừng dự án điện hạt nhân vì dự án nhiệt điện than của Trung Quốc?

Hồ sơ vụ việc cho biết, tờ trình về việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lần đầu trình bày trước Quốc hội hôm 10-11-2016, sau thời gian dài Bộ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị thực hiện dự án này.

Lý giải đề xuất trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ông Dương Quang Thành cho hay một trong những lý do là “thời điểm hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế”.

Theo một số đại biểu Quốc hội ở kỳ họp tháng 11-2016, thì bối cảnh năm 2009, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 9 – 10%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện từ 17 – 20%. Khi đó Chính phủ lấy phương án 22% để điều hành, nhằm đảm bảo nhu cầu điện của đất nước. Nhưng đến quý 4-2016 cho thấy tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn nhiều, khoảng 6 – 7% một năm, nên tốc độ tăng trưởng điện năng được cho rằng cũng thấp hơn, khoảng 11% trong 5 năm tới và 7 – 8% sau 10 – 20 năm nữa.

Một lý do được đặc biệt nhắc đến lúc đưa ra quyết định dừng triển khai dự án điện hạt nhân là nợ công đã sát trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa.

Trước đó chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng được Quốc hội đồng thuận với tỷ lệ hơn 77% (382 phiếu) hồi tháng 11-2009. Vốn đầu tư dự kiến là 200.000 tỷ đồng, sau tăng lên 400.000 tỷ. Dự án gồm hai nhà máy với công suất tổng khoảng 4.000 MW, được kỳ vọng đóng góp khoảng 3,6% về công suất và 5,7% về sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia vào năm 2030.

Một số bước chuẩn bị cho dự án đã hoàn thành như báo cáo nghiên cứu khả thi; hệ thống cấp điện và hạ tầng phục vụ thi công; khảo sát thiết kế di dân tái định cư; đào tạo nguồn nhân lực; thỏa thuận vay vốn và chọn đối tác triển khai…

Giờ là năm 2022, mọi chuyện cho thấy không như tính toán hồi tháng 11-2016.

Trong báo cáo giám sát về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận trình bày tại kỳ họp Quốc hội hiện tại, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26.

Do đó để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính với quốc tế, cho thấy ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo, thì điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

Nôm na, Việt Nam cần giảm thiểu đến mức tối đa việc phụ thuộc vào năng lượng từ nhiệt điện than mà Trung Quốc đã và đang đầu tư ở Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

Mặt khác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, quan hệ với các nước đối tác.

Phát triển điện hạt nhân để hiện thực hóa cam kết “net zero”

Gần đây, kiến nghị khởi động lại điện hạt nhân được giới chuyên gia, nhà khoa học nêu tại nhiều diễn đàn về năng lượng. Theo họ, nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030 mới có thể hiện thực hoá mục tiêu “net zero” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26.

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử nói tại diễn đàn năng lượng hồi tháng 4 vừa qua, rằng việc quay lại phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam “phải bắt đầu sớm”. Không nên bỏ quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân đã có trước đây ở Ninh Thuận, do “chúng ta đã bỏ ra khá nhiều vốn đầu tư vào đây, và không phải vị trí nào cũng thuận lợi, được chọn để phát triển điện hạt nhân”.

Tháng 4-2022, Việt Nam chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch Điều phối viên quốc gia Hiệp định hợp tác vùng châu Á Thái Bình Dương (RCA) về nghiên cứu, phát triển đào tạo khoa học công nghệ hạt nhân.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bản án của nhà hoạt động Nguỵ Thị Khanh ảnh hưởng gì đến các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam

Trương Thế Tử

VNTB – Dừng dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: dân vẫn tiếp tục chịu khổ

Phan Thanh Hung

VNTB – Phản biện đấu giá Thủ Thiêm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo