Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm méo mó thị trường?

Hàn Lam

(VNTB) – Nên gọi Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ gây bất ổn xăng dầu thì đúng hơn, vì nguyên tắc hoạt động quỹ không đảm bảo bình ổn giá xăng dầu…

 

Theo thuyết minh của Bộ Công thương, mục tiêu của Quỹ bình ổn là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý.

Bộ Công thương tin rằng nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hóa khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá khác không giảm theo. Vậy là cơ quan Nhà nước này kỳ vọng rằng Quỹ bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Đây là mong muốn nghe khá hợp lý.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của ông Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, thì việc điều hành Quỹ thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ.

Cụ thể cách tính toán cho so sánh này như sau: Kết quả tính toán hệ số biến thiên (coefficient of variation), một thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cho thấy sau khi sử dụng quỹ, hệ số biến thiên của xăng E5RON92 là 0.2296; xăng RON95 là 0.2310; dầu Diesel là 0.2494; dầu hỏa là 0.2840; dầu mazut là 0.2204.

Nếu không sử dụng quỹ, hệ số biến thiên tương ứng của các loại xăng dầu kể trên lần lượt là: 0.2230; 0.2379; 0.2735; 0.3017; 0.2200. Như vậy, việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON95, dầu diesel, và dầu hỏa, nhưng lại làm tăng biến động giá E5RON92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ.

Lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, ông Phạm Thế Anh cho rằng nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai.

Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả Quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó.

Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả Quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả Quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả Quỹ đúng đắn.

Vẫn theo ông Phạm Thế Anh, thì qua khảo sát của khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, trong 3 năm gần đây cho thấy, mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.

Còn đối với vấn đề tái phân phối thu nhập, giá xăng E5RON92 có số lần chi quỹ nhiều hơn hẳn so với số lần trích lập, cụ thể có 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập.  Dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập. Xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập. Dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.

“Qua thống kê này cho thấy, vấn đề tái phân phối thu nhập trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm gia tăng bất bình đẳng, khi người sử dụng dầu đang phải ‘trợ giá’ cho những người dùng xăng”, ông Anh nói.

Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, cần thiết chấm dứt việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lại bán tháo diện rộng

Phan Thanh Hung

VNTB – Người miền Tây méo mặt chuyện giá dầu tăng quá cao

Do Van Tien

VNTB – Bộ nào cũng ngại quản lý xăng dầu?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo