Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quy hoạch cán bộ và tham vọng quyền lực

Nguyễn Phú Trọng 01/02/2021

Nguyễn Huyền

(VNTB) – Người được quy hoạch thường lại là những người có tham vọng quyền lực, ít nghĩ đến cống hiến

Mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 cán bộ; một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh cung cấp; không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…

Nhóm quyền lực trong Đảng là ai trong trò sắp cuộc cờ này?

Tuần lễ đầu năm mới 2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ, với nội dung tóm lược như sau:

Chức danh quy hoạch là các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, bao gồm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương; các chức danh thuộc diện các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.

Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý đối với nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (không bao gồm nhân sự quy định Bộ Chính trị phê duyệt) và các chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

Về phương pháp quy hoạch, Quy định 50-QĐ/TW quy định xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai nhiệm kỳ hiện tại của đại hội đảng bộ các cấp, đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch từ 1 đến 2 lần cho cả quy hoạch nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp.

Nhân danh “quy hoạch”, nhóm quyền lực sẽ củng cố thêm vây cánh?

Tiêu chuẩn đối với cán bộ quy hoạch, cơ bản thực hiện như tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh theo quy định hiện hành. Tại thời điểm quy hoạch, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với những cán bộ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm theo quy định.

Về độ tuổi, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn 1 nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.

Thời điểm tính tuổi quy hoạch đối với quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp: Chức danh cấp ủy, lãnh đạo cấp ủy, các ban, cơ quan của Đảng, ủy ban kiểm tra là thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan nhà nước là thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội là thời điểm đại hội các cấp của mỗi tổ chức.

Đối với rà soát, bổ sung quy hoạch: Là thời điểm cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ có thẩm quyền (Ban Tổ chức Trung ương đối với trường hợp các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý; ban tổ chức cấp ủy các cấp đối với trường hợp khác) nhận được tờ trình và hồ sơ nhân sự theo quy định.

Hệ số quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp từ 1,0 – 1,5 lần so với số lượng theo quy định. Mỗi chức danh quy hoạch không quá ba cán bộ và một cán bộ quy hoạch không quá ba chức danh ở cùng cấp.

Theo Quy định này, phấn đấu cơ cấu, tỉ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng: Cán bộ trẻ (dưới 45 tuổi đối với Trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 15% trở lên, cán bộ nữ từ 25% trở lên; tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực; cấp huyện và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý.

Quy trình quy hoạch gồm xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp từ nguồn nhân sự tại chỗ; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc từ nguồn nhân sự ở nơi khác.

Cán bộ quá tuổi quy hoạch hoặc bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên (đối với cá nhân) hoặc kết luận không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch thì đương nhiên ra khỏi quy hoạch.

Cả bình và rượu đều như ‘vắc-xin tự gia hạn’!

Một bác sĩ nghỉ hưu từng là “Thầy thuốc nhân dân”, chua chát nhận xét rằng bao nhiêu năm qua , chúng ta bổ nhiệm cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo, theo quy trình. Một trong những quy trình đó là cán bộ muốn bổ nhiệm vào chức vụ nào, phải trong diện được quy hoạch vào vị trí đó.

Và mỗi năm cứ đến dịp họp về quy hoạch, các cơ quan cứ loạn cả lên. Người ta vận động trên, vận động dưới, vận động xung quanh để chạy vào quy hoạch. Thường những người được đưa vào quy hoạch ít khi là những người giỏi, có tâm mà do cánh hẩu đưa nhau vào. Mất đoàn kết cũng từ đây mà ra.

Sau khi vào quy hoạch, ông trưởng nghi ông phó muốn tìm cách đẩy mình đi sớm, ông phó mà có tham vọng thì lúc này ít lo làm việc mà chỉ chăm chút vào các mối quan hệ. Đi nhẹ, nói khẽ cười duyên để lấy lòng từ trên xuống dưới. Chỉ mong ông trưởng sơ hở để giành ghế, hoặc đi chỗ khác. Đi đâu không cần biết, miễn là đi!

Tham vọng cũng từ đây mà ra, chạy chọt cũng từ đây mà ra, tiêu cực và mất đoàn kết cũng từ đây mà ra. Người được quy hoạch thường lại là những người có tham vọng quyền lực, ít nghĩ đến cống hiến. Có người chạy chức, lo quan hệ, chờ đợi đến cả chục năm để lên ghế thì còn tâm sức đâu mà làm việc. Tệ chạy chức chạy quyền, tham nhũng quyền lực cũng từ đây mà ra.

Những người có tài năng, nhân cách thì không quan tâm đến chức vụ, không chạy chọt quan hệ, khó được đề bạt. Hậu quả là càng quy hoạch, cán bộ được bổ nhiệm càng yếu kém cả về năng lực lẫn tư cách. Hậu quả là có nhiều người mới được bổ nhiệm đã bị kỷ luật hoặc vào lò.

“Vì vậy theo tôi ta không nên quy hoạch các chức danh lãnh đạo như cũ nữa. Mà hãy đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể, người nào đủ tiêu chuẩn thì tổ chức thi vào chức danh đó. Ai điểm cao nhất thì bổ nhiệm. Như vậy ta vừa chọn được người có năng lực thực sự, vừa loại bỏ được những kẻ cơ hội bất tài.

Điều  quan trọng là hạn chế được tiêu cực, chạy chọt, tham nhũng quyền lực” – vị bác sĩ từng có hàm quan tước tương đương Vụ trưởng, đã đề nghị ‘phác đồ’ như vậy thay cho chuyện ‘tự gia hạn vắc-xin’ kiểu Quy định 50-QĐ/TW mà Thường trực Ban Bí thư ký ban hành hôm 2-1-2022.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nguyễn Phú Trọng đang tham vọng là lãnh tụ của Đảng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nước không lối thoát bởi quá tham lam

Do Van Tien

VNTB – Vì sao tôi ý kiến?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo