Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sài gòn “phong toả”, có khi chết đói trước khi chết dịch …

 

Diễm My

 

*** Đính chính: Do có sự nhầm lẫn, VNTB đã xin đính chính từ “Phong toả” trong bài viết bên dưới bằng cụm từ: “bán mang đi, không bán ngồi lại:. Xin thành thật cáo lỗi quý vị độc giả.

 

(VNTB) – Nghe đâu bên tây họ có an sinh xã hội, thất nghiệp còn có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội để đủ sống. Bên Mỹ ông Trump cho mỗi người ngàn bạc. Còn dân tình mình,… đúng là có khi chắc chết đói trước khi chết vì dịch(!?)

 

Vậy là Sài Gòn đã chỉ cho ‘bán mang đi, không bán ngồi lại’ kể từ ngày 28/3(*). Nhưng mà trước đó phố phường đã “vắng hoe” do người ta ở trong nhà trốn dịch. Chính phủ hi vọng sẽ dập được dịch trong vòng 2 tuần nữa và hạn chế số người nhiễm ở mức 1.000 người.

 

Người dân cũng được khuyến cáo không ra khỏi nhà để tránh lây lan dịch bệnh. Những mảnh đời nhỏ vụn trong xóm tưởng chừng như càng lúc càng xám xịt.

 

Cái xóm nhỏ toàn dân lao động nghèo. Ba chục nhà thì hết 25 nhà bán đồ ăn, nhà bán bánh mỳ, nhà bán xôi, nhà thì bánh bao, bún, mỳ. Sáng sớm là nghe tiếng người ta đẩy xe ra phía bên kia đường bán cho học trò. Còn khu hẻm trước đình cũng có tới 4 -5 quán vừa mỳ, vừa bún bán ăn sáng hay ăn xế. Mấy người bán cho học trò là đã ế luôn từ Tết tới giờ.

 

Hai vợ chồng ông Xình ở sát vách đình. Hai ông bà cũng hơn 60 tuổi rồi. Ban ngày bà vợ bán bánh mỳ, ông chồng phụ vợ chạy ra chạy vô. Giờ không bán được nữa vì học trò nghỉ học cả mấy tháng này. Hai vợ chồng cùng thất nghiệp vì hẻm đình có người bán bánh mỳ xưa giờ, không chen ngang vô được.

 

Ngày còn bán được, chiều tối chuẩn bị xong đồ ngày mai bán thì bà ngủ bên trong, ông kê cái ghế bố nằm ngoài hẻm. Cái nhà nhỏ có đúng một cái cửa ra vô. Gọi là nhà cho nó sang, chớ thiệt ra hai ông bà ở trong một cái chái trải vừa đủ một cái chiếu 1,2m. Sát hết ba bức vách là thùng, hộp chồng chất lên nhau. Cái xe bánh mỳ để ngoài sân có xích sắt móc vô của sổ.

 

Giờ phải ở trong nhà, nóng nực như thiêu, thu nhập không có. “Chắc chết thôi cô ơi, dịch lâu vợ chồng tui ăn thâm hết vô vốn. Mà cô coi cái nhà tui có chừng này, hai vợ chồng ngồi ngó nhau vầy chịu sao thấu? Đi ra ngoài thì sợ dịch, lây bịnh thì khổ lắm.”

 

Hai vợ chồng ôn Xình còn đỡ hơn mấy nhà có con nít. Xóm lao động nghèo mà con nít đông. Tụi nhỏ nghỉ học từ tết tới giờ. Thêm cái lệnh phong toả, ‘phải ở trong nhà’, cả xóm lúc nào cũng nghe tiếng cha mẹ la con, rồi tiếng con nít đánh nhau, la khóc vì nóng, ngộp.

 

Nhà trong hẻm nhỏ đi vừa lọt cái xe ba gác. Giờ bắt cách nhau 2m thì chỗ đâu mà cách?

 

Cái quán nhậu đầu hẻm cũng không khá hơn. Chủ mới sang quán trước Noel năm rồi. Bỏ vô một mớ tiền xây dựng, mua sắm để làm quán nhậu vỉa hè. Mới mở ra được tuần lễ thì dính vô trận “thổi đo nồng độ cồn”. Khách vắng hoe, chỉ cầu cho ngày có chừng hai ba bàn để cho đủ tiền sở hụi. Hai vợ chồng phải gởi con về quê, thay phiên nhau vừa làm bếp vừa chạy bàn, dọn dẹp lấy công làm lời.

 

Rồi đùng cái có dịch corona. Khách đã vắng lại càng vắng hơn. Hôm cầm cái giấy phường yêu cầu đóng cửa mà hai vợ chồng muốn khóc nhưng nghĩ thời buổi này làm gì mà có tới 30 khách một lần vô quán đâu. Thôi kệ thì cứ liều bán thêm ít bữa gỡ lại chút vốn mấy món đồ tươi đã lỡ mua vô.

 

Tối hôm kia, chị vợ hớt hải báo tin: “Quán em bị bên liên ngành lập biên bản rồi chị ơi. Họ nói quy mô quán em có trên 30 chỗ ngồi nên không được mở cửa. Nhưng mà em cũng liều mở cửa bán tới cuối tháng coi sao, chớ giờ vốn liếng em nằm trong mớ đồ ăn tươi này nè.”

 

Chiều nay đi ngang qua, thấy cô vợ đang lúi hụi dọn dẹp. “Chị ơi tụi em đóng cửa về quê liền đây. Hồi sáng em ráng mở cửa bán môt chút mà mấy ông trên phường ào tới lập biên bản bắt em đóng cửa liền không thì phải nộp phạt.” Ông chồng thì trệu trạo, “Tiền thuê chỗ bà chủ giảm cho tụi em được một phần, mà đóng cửa không buôn bán gì được tiền đâu mà trả tiền nhà giờ. Nếu sang tháng mà vẫn căng vầy thì tụi em chết. Tiền vay mượn mở quán chớ em đâu có nhiều đâu.”

 

Đối diện nhà tôi là nhà của một chị giám đốc công ty tư nhân. Chị nói từ tết tới giờ việc không nhiều. Thu không đủ bù chi vì tiền lương công nhân vẫn phải trả đều đều. Tiền mặt hết rồi, việc thì không có.

 

Chị nói lương công nhân thì phải trả cho hết tháng này, ai muốn về quê thì về chớ ngồi đây cũng chơi không. Qua tuần thì phải hỏi bên bảo hiểm xã hội coi là có chắc dừng đóng bảo hiểm hay không (**). Rủi mà vẫn đóng thì chắc phải cho công nhân nghỉ việc luôn chớ giờ không còn tiền đâu nữa mà đóng cho họ.

 

Tiền thuê xưởng cũng hơn 50 triệu một tháng mà chủ nhà nhất định không chịu bớt. Coi như từ tết tới giờ mấy mẹ con em làm không lương bị phải để tiền trả cho thợ. Giờ thêmnửa tháng chờ qua đỉnh dịch mà không cho thợ nghỉ thì em chết chắc chị ơi. Có hết dịch em cũng không biết làm gì nữa, mà bỏ nghề mình theo mấy chục năm nay không đành.”

 

Ông Tư bán vé số đi ngang qua chép miệng: “Dịch dọt vậy tui đói thôi cô Hai ơi. Vé số bán không ai mua. Mấy kỳ có ế vé số, tui còn ghé quán cơm từ thiện ăn được. Lỡ mấy bữa nữa bắt đóng cửa tiệm ăn hết chắc tui chưa chết vì con cô vít thì tui chết đói trước rồi cô!”

 

Nghĩ thiệt là ác. Cái con siêu vi không ai thấy nó ở đâu, mà nó làm cho bao nhiêu người điêu đứng. 

 

Nghe đâu bên tây họ có an sinh xã hội, thất nghiệp còn có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội để đủ sống. Bên Mỹ ông Trump cho mỗi người ngàn bạc. Còn dân tình mình,… đúng là có khi chết đói trước khi chết vì dịch.

 

(*) https://tuoitre.vn/ca-phe-sinh-to-quan-an-o-tp-hcm-ngung-ban-hang-tai-cho-chi-ban-mang-di-20200328080910879.htm

(**)https://nld.com.vn/cong-doan/tam-dung-dong-bhxh-mien-dong-bao-hiem-that-nghiep-den-thang-12-2020-do-covid-19-20200320165923969.htm

Tin bài liên quan:

VNTB – Sao không cho thành phố giữ lại ngân sách để chống dịch?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lỡ nhập nhiều rồi thì phải xét nghiệm cho hết

Phan Thanh Hung

VNTB – Ca nhiễm Covid sau 99 ngày sóng yên gió lặng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.