Tô Lịch
(VNTB) – Trước hôm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII, và cả dịp chuẩn bị đón Tết Tân Sửu, người ta vẫn không thấy ông Tổng Bí thư vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 29-8-1975, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và tổ chức đón tiếp đồng bào, khách quốc tế vào viếng Bác. Cũng từ đây, nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền được tổ chức thực hiện thống nhất, chặt chẽ, chu đáo.
Các sinh hoạt chính trị tại Lăng Bác cũng đa dạng, giàu ý nghĩa, như: Lễ báo công, lễ xuất quân, rước đuốc, gặp mặt, giáo dục truyền thống, lễ khai giảng, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, ký kết giao ước thi đua…
“Tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước vào các dịp kỷ niệm: Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/2, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9” – Trích Điều 4.2, Quy định “Tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ”, ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-BQLL ngày 08/3/2018 của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có lẽ đến lúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã không vào viếng lăng Bác trong tất cả các sự kiện chính trị từ tháng tư, 2019 cho tới tận hôm nay. Báo chí không cho biết vì sao ông Tổng Bí thư lại từ chối các sự kiện chính trị có nghi thức ‘viếng lăng Bác’.
Phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng không bảo đảm sức khỏe nên không thể làm trưởng đoàn của Đảng và Nhà nước ở mỗi lần viếng lăng Bác? Câu trả lời là “không”. Bởi một khi ông tái cử và đắc cử thêm nhiệm kỳ thứ 3 trong vị trí Tổng Bí thư, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng bảo đảm từ sức khỏe vận động cho đến sức khỏe tâm thần. Bởi tiêu chuẩn sức khỏe lãnh đạo Đảng lâu nay là một quy định mang tính bắt buộc.
Vậy thì vì đâu ông Tổng Bí thư đã không tham gia các sự kiện chính trị viếng lăng Bác?
“Nhịp chân khi xếp hàng chờ được vào viếng Bác càng nóng lòng và hối hả bao nhiêu, thì khi đứng bên Người càng chậm rãi bấy nhiêu. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhón nhẹ bước chân như muốn Người được yên nghỉ an lành. Khuôn mặt Người vẫn rạng ngời niềm vui như ngày toàn thắng, niềm vui của một tấm lòng yêu Nhân dân và đất nước đến tột cùng…” – phải chăng kiểu đoạn văn tường thuật này sẽ là phiếm chỉ, bởi không thể nhắc đến tên của Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng?
Có lẽ nếu Tổng Bí thư khóa XIII cùng góp mặt trong đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Tân Sửu, thì trong nghi thức ‘báo công’ trình lên Người, sẽ lại nghe những mẫu câu quen thuộc của tôn vinh trong diễn văn soạn cho vị trưởng đoàn Nguyễn Phú Trọng:
“Trong những ngày qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sự kiện lịch sử trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thành công rất tốt đẹp.
Đại hội XIII có trách nhiệm lịch sử to lớn, định hướng tương lai của cả dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, với những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước”.
Tiếc là trong dịp đón Tết Tân Sửu, ông Nguyễn Phú Trọng đã không vào lăng viếng Bác Hồ, cũng như ông không đến đặt vòng hoa, dâng hương kính viếng các vị tiền bối cách mạng và các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội.
Vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại không viếng lăng Bác, cần có câu trả lời minh thị trước quốc dân, và với tất cả những ai tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.