Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sao lại bắt Lê Hữu Minh Tuấn?

Lê Hữu Minh Tuấn

Quang Thành

 

(VNTB) – Lê Hữu Minh Tuấn  có tham gia Hội Nhà báo Độc lập hồi năm 2015, nhưng tham gia để chống phá nhà nước thì cả hàng chục ông nhà báo chỉ biết cầm bút làm sao mà đấu lại một lực lượng vũ trang hùng hậu được ngân sách chi cho hàng tỷ đô la một năm?

 

Chưa bao giờ đối kháng

 

Giấy triệu tập đầu tiên được gửi tới cho Tuấn ngay sau khi nhà nước tuyên bố hết hạn cách ly toàn xã hội để phòng chống lây lan dịch cúm corona. Sau lần triệu tập đầu tiên, Tuấn cũng chấp hành nghiêm chỉnh lệnh không rời khỏi địa phương của an ninh.

Sau hai lần triệu tập, cơ quan an ninh Quảng Nam đã đồng ý cho Tuấn rời khỏi địa phương, quay trở ra Hà Nội để tiếp tục theo học tại Đại Học Luật Hà Nội. Mới ra tới nơi được vài bữa, thì lại nhận được giấy triệu tập lần thứ ba. Vậy là Tuấn phải quay trở ngược về quê.

Sau buổi làm việc chóng vánh trong ngày 02/06/2020 chưa đầy hai tiếng đồng hồ hồi đầu tháng Sáu khi mọi câu hỏi chỉ xoay quanh ông Nguyễn Tường Thuỵ, người mà Tuấn chỉ gặp một lần vào năm 2015, Tuấn lại được cho đi về.

Lần này “khôn” hơn, Tuấn hỏi điều tra viên là liệu họ có cho triệu tập lần nữa hay không thì Tuấn sẽ ở nhà mà không đi ra Hà Nội nữa, không thì vừa tốn kém thêm tiền tàu xe lại vừa tốn công đi lại xa xôi.

Ngay trong tuần đầu tiên của tháng Sáu thì Tuấn được báo tin không được đi khỏi địa phương vì sẽ được cơ quan điều tra triệu tập lần nữa. Ngày 08/06/2020 Tuấn nhận giấy triệu tập lần thứ tư yêu cầu có mặt tại cơ quan điều tra tỉnh Quảng Nam lúc 8 giờ sáng ngày 12/06/2020.

Giấy triệu tập được ký vào ngày 8/6/2020 cũng là ngày cơ quan an ninh Tp. Hồ Chí Minh ký ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Lê Hữu Minh Tuấn

Ngày được yêu cầu triệu tập lần thứ tư, Tuấn rời nhà đi từ sớm, bắt xe buýt đi vô Tam Kỳ để làm việc với cơ quan an ninh.

 

Bị bắt

 

Người nhà Tuấn vẫn tiếp tục sinh hoạt thường nhật, mở quán bán cà phê cho khách quen trong vùng. Mới sáng sớm mở hàng, mà không hiểu sao mấy chục khách lạ từ đâu tới vô ngồi kín hết chỗ tới độ khách quen có ghé vô muốn ngồi cũng không có chỗ.

Chừng hai tiếng sau, khách lạ đột ngột đứng lên, trùm bao nilon đen lên máy camera an ninh lắp trong quán, cắt wifi và kéo dập cửa sắt, đóng luôn quán lại. Khách lạ đọc lệnh khám xét nhà.

Người nhà nói: “ Nhưng mà Tuấn đi vô Tam Kỳ rồi!”

Vừa dứt lời, thì lại thấy họ dẫn Tuấn đi vô.

Tuấn vẫn điềm tĩnh không nói gì. Gia đình phụ nữ, trẻ nhỏ, người già lại nhớn nhác không biết vì sao lại có thêm cả chục công an mặc sắc phục đi vào nhà.

Công an và những khách lạ bắt đầu lục lọi khắp nơi, cuối cùng thì họ lấy đi của Tuấn 3 quyển sách, một cái điện thoại cục gạch mà Tuấn thường dùng, kèm theo một cái điện thoại Samsung J7 của má Tuấn, và một cái thẻ kim loại màu vàng khắc chữ Tuấn/me.

Họ đọc lệnh bắt, vẫn chưa hết cơn sốc, người nhà cũng không nhớ được họ nói gì, đọc gì. Xong rồi thì công an yêu cầu gia đình xếp vài bộ quần áo vô trong ba lô cho Tuấn mang theo. Những tờ lệnh khám xét, lệnh bắt -khởi tố, biên bản khám xét họ nhét hết vô trong ba lô mà không giao cho gia đình giữ bất kỳ thứ giấy tờ nào.

“Giấy liên quan tới anh Tuấn thì phải bỏ vô ba lô cho ảnh để mang theo chớ!” nhân viên an ninh nói.

Họ còn yêu cầu Tuấn ký tên vô một số tài liệu họ in sẵn nhưng Tuấn từ chối ký.

Vậy là họ dẫn Tuấn đi. Trước khi đi, Tuấn còn dặn má, dặn cô giúp việc ở nhà mạnh khoẻ.

Tất cả diễn ra không một chút ồn ào hay có sự phản kháng nào từ Tuấn hay phía gia đình.

 

Mạng Xã Hội và Đài nước ngoài nhanh tay

 

Rồi vài tiếng đồng hồ sau đó, trên mạng xã hội lan truyền tin Tuấn bị bắt với thông tin là người của Hội Nhà báo  Độc lập, là nhận thức được bất công trong xã hội từ rất sớm, hay theo dõi sát sao tình hình chính trị cũng như phong trào dân chủ Việt Nam, rồi lại còn có ao ước viết sách. Tin tức tương tự được đưa lên VOA, RFA gần như ngay lập tức sau đó.

Người trong giới hoạt động xã hội dân sự hỏi nhau: “Lê Tuấn là ai mà sao lại bị bắt?”

Những hội viên Hội Nhà báo Độc Lập hỏi nhau: “ Lê Tuấn là hội viên của Hội à? Thế nó viết bài nào? Mặt mũi nó ra sao? Có bao giờ thấy nó lên tiếng hay hội họp gì đâu?”

Người biết hơn chút thì cười khùng khục: “ Ối nó chỉ chuyên máy tính, có viết lách bao giờ đâu.”

Người tò mò, muốn lục tìm bài với bút danh Lê Tuấn thì đã được khuyên chân thành: “Ôi giời, muốn bút danh nào mà chả được? Chả nhẽ trang web Nguyễn Tấn Dũng thì phải có bài của ông Ba X viết à?” 

“Không phải cứ thấy đỏ mà tưởng là chín nhé! Bài phát biểu ông Trọng đọc cũng có phải của ông ấy soạn đâu?”

Hàng xóm ngơ ngác: “ Tuấn nó hiền khô, sống tình cảm lắm, làng trên xóm dưới ai nó cùng giúp. Sao mà lại bị bắt đi, có lầm không?”

Bạn bè xót xa: “ Tuấn sống hết lòng vì mọi người, bạn bè. Có chết cũng sẽ còn muốn giúp người khác nữa. Tuấn đã có làm thẻ hiến tạng rồi đó.”

 

Báo chính thống được mở miệng

 

Hôm sau báo chính thống trong nước đồng loạt lên tiếng về vụ bắt giữ Lê Hữu Minh Tuấn.

Chỉ qua một đêm Tuấn đã trở thành một đồng phạm trong một án “nguy hiểm cấp nhà nước.”

Việc bắt giữ Tuấn được biết là nhằm để phục vụ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Phạm Chí Dũng cùng đồng phạm thực hiện.

Báo nhà nước còn nói rằng cơ quan điều tra “thu giữ được nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan hành vi phạm tội.”

Chẳng có máy vi tính, đĩa cứng hay đĩa mềm, đĩa di động, hay là thẻ nhớ, hoặc bất kỳ giấy tờ gì khác để thu giữ làm bằng chứng. Nên thôi thì với 3 quyển sách và cái điện thoại cục gạch cộng điện thoại thông minh của một bà già 70 tuổi đã được cơ quan an ninh biến thành “nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan hành vi phạm tội.”

Đến đây thì đã rõ tại sao cơ quan điều tra lúc đó không giao cho người nhà biên bản khám xét. Như với ông Thuỵ hay ông Phạm Chí Dũng, giấy biên bản khám xét thu giữ tang vậy được giao cho người nhà đã đưa lên mạng rõ mười mươi.

Lần này cơ quan điều tra mà vẫn cứ giao biên bản khám xét thu giữ cho gia đình như cho gia đình hai ông nhà báo kia, thì làm sao mà nói được là có thu giữ được nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan hành vi phạm tội?

Tuấn có tham gia Hội Nhà báo Độc lập từ năm 2015, nhưng mà nói tham gia để chống nhà nước thì cả hàng chục ông nhà báo chỉ biết cầm bút làm sao mà đội đá vá trời được để có thể chống lại một lực lượng vũ trang hùng hậu được ngân sách chi cho hàng tỷ đô la một năm?

Còn nói hoạt động để kiếm cái vé đi Mỹ thì Tuấn cũng chẳng tội gì phải nhọc thân, trước sau gì cũng đi Mỹ đường đường chính chính bằng hồ sơ thân nhân bảo lãnh?

Còn vài tháng nữa là tới kỳ đại hội Đảng 13, tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam lại càng đông đặc. Hàng loạt Facebookers bị bắt, vụ Hồ Duy Hải rồi vụ Đồng Tâm cũng được đem ra xử rồi bàn tới bàn lui.

Có lẽ … đang có chỉ định cần lập công lớn.

 

Tin bài liên quan:

CNN: Vietnam court jails journalists critical of state for spreading ‘propaganda’

Phan Thanh Hung

VNTB – Thấy gì trong bài phỏng vấn “nhân quyền’ trên TTXVN?

Phan Thanh Hung

VNTB – Giang hồ hiểm ác*

Phan Thanh Hung

5 comments

Anonymous 22.06.2020 7:28 at 07:28

Yêu nước là có tội, bày tỏ chính kiến công khai là có tội, làm người tốt cũng có tội. Cứ làm quan tham lại giàu có mấy họ, sống nhăn răng không ai bắt bớ. Nếu có bị bắt, tài sản để lại cho đời con đời cháu cũng còn lời chán.

Reply
Anonymous 22.06.2020 7:29 at 07:29

Vậy mà báo nói là thu giữ nhiều tài liệu vật chứng. Vu oan cho người ta mà không chớp mắt, thiệt bái phục

Reply
Anonymous 22.06.2020 1:33 at 13:33

Nhà nước công an trị, muốn bắt ai mà không được, muốn ghép ai tội gì mà không được?

Reply
Anonymous 22.06.2020 3:49 at 15:49

Những người trẻ, đầy nhiệt huyết thì bắt nhốt, để lại một mớ ăn nhậu, đập phá hút chích để xây dựng đất nước hùng cường.

Reply
Hoangtung Vo 23.06.2020 4:56 at 04:56

Phận “con” dân trong một xh thiếu nghiêm minh của Luật pháp và Hiến pháp .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.