Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tranh tụng vẫn còn là điều xa xỉ!

Thuận An

 

(VNTB) – Trong các vụ án liên quan đến cáo buộc “An ninh quốc gia”, tại phiên tòa, các luật sư vẫn chưa được quyền tranh tụng, mà vẫn là mô hình tố tụng thẩm vấn.

 

Vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” vừa xong phiên hình sự sơ thẩm hôm 5-1-2021, là minh thị cho mô hình tố tụng thẩm vấn.

Mô hình tố tụng hình sự truyền thống của Việt Nam là mô hình tố tụng thẩm vấn, đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bao gồm vấn đề tính công bằng của phiên tòa và quyền con người. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một số yếu tố tranh tụng nhằm khắc phục các khiếm khuyết trên.

Nhằm khắc phục những vấn đề liên quan tính công bằng và quyền con người trong mô hình tố tụng thẩm vấn truyền thống, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường yếu tố tranh tụng trong tố tụng hình sự.

Các yếu tố tranh tụng tiêu biểu đó bao gồm (1) quyền thu thập và trình bày chứng cứ của người bào chữa, (2) nguyên tắc tranh tụng và kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa, và (3) quyền im lặng của người bị buộc tội.

Thứ nhất, về quyền thu thập và trình bày chứng cứ của người bào chữa.

Chất lượng tranh tụng của một mô hình tố tụng phụ thuộc rất nhiều vào quyền của cả phía công tố và phía bào chữa trong việc bình đẳng với nhau khi thu thập, trình bày và kiểm tra chứng cứ.

Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ghi nhận kiểm sát viên và người bào chữa có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ. Đồng thời, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bào chữa có quyền thu thập và trình bày chứng cứ, tài liệu, đồ vật, và yêu cầu.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, khi người bào chữa thu thập chứng cứ họ phải nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong giai đoạn đó. Nếu Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được quyền quyết định đưa chứng cứ do người bào chữa giao nộp vào hồ sơ vụ án hay không, thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 buộc các cơ quan này có nghĩa vụ phải đưa các chứng cứ này vào hồ sơ vụ án.

Ở phiên tòa hôm 5-1-2021, khi các luật sư tranh tụng và người bị buộc tội yêu cầu được chứng minh về các hành vi phạm tội trong các bài báo của 3 tác giả Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, thì hội đồng xét xử lại… từ chối. Điều này có nghĩa người bào chữa bị cản trở về quyền thu thập và trình bày chứng cứ, tài liệu, đồ vật, và yêu cầu liên quan.

Thứ hai, về nguyên tắc tranh tụng và việc trình bày, kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa. Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ghi nhận mọi chứng cứ… có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Đồng thời, mọi bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy, tại phiên tòa, thẩm phán không thể chỉ dựa vào chứng cứ trong hồ sơ vụ án để làm căn cứ phán quyết vụ án, mà phải đặt nhiều trọng tâm hơn vào diễn biến tại phiên tòa.

Về lý thuyết, căn cứ theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, mọi chứng cứ có trong hồ sơ vụ án phải được trình bày và kiểm tra tại phiên tòa. Bất kỳ chứng cứ nào không được trình bày tại phiên tòa thì không thể được xem là căn cứ để giải quyết vụ án.

Quy định này được cho là sẽ giúp xây dựng một phiên tòa công bằng hơn bằng việc trao cho người bào chữa cơ hội kiểm tra chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Từ đó, thẩm phán sẽ có cơ hội nhìn nhận những chứng cứ đó từ góc nhìn của người bào chữa và giảm thiểu khả năng thiên kiến buộc tội của thẩm phán.

Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, cả 25 bài báo của tác giả Phạm Chí Dũng, 6 bài báo được cho là của tác giả Lê Hữu Minh Tuấn, và 5 bài viết của tác giả Nguyễn Tường Thụy đều không được mang ra tranh tụng tại phiên xét xử. Điều này gián tiếp củng cố thêm thiên kiến buộc tội của vị thẩm phán chủ tọa cùng hai hội thẩm.

Thứ ba, quyền im lặng vốn được xem là một trụ cột cần thiết (essential mainstay) của tố tụng tranh tụng.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên ghi nhận trực tiếp quyền im lặng của người bị buộc tội. Theo đó, người bị buộc tội có quyền không bị buộc phải cho lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Nếu mục đích chính của hai yếu tố tranh tụng phía trên nhằm thiết lập nên tính công bằng của phiên tòa, thì sự ghi nhận quyền im lặng lại nhằm mục đích chống lại tình trạng sử dụng nhục hình trong điều tra, từ đó bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội tốt hơn. Đồng thời, pháp luật cũng ghi nhận các biện pháp đảm bảo thực thi quyền im lặng.

Các đảm bảo pháp lý đó bao gồm: (1) Quyền được thông báo quyền của người bị buộc tội. Mục đích của biện pháp này là đảm bảo người bị buộc tội biết và hiểu rõ quyền của mình, bao gồm quyền im lặng, và từ đó có thể quyết định đưa ra sự lựa chọn sử dụng quyền im lặng hay không.

(2) Ghi âm, ghi hình bắt buộc trong mọi cuộc hỏi cung diễn ra trong cơ sở tạm giữ hoặc tại trụ sở của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình này không chỉ nhằm bảo vệ quyền của bị can, mà còn bảo vệ phía cơ quan điều tra trước các khiếu nại, tố cáo.

(3) Tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của lời khai. Theo đó, mọi chứng cứ, bao gồm lời khai, nếu không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đều không được xem là chứng cứ. Nói cách khác, tính hợp pháp phải được đảm bảo bằng sự tuân thủ trình tự, thủ tục theo luật định.

Trở lại với vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Khi ông Phạm Chí Dũng sử dụng quyền im lặng, thì lại được phía buộc tội cho rằng “cố tình không khai báo”, “khai báo nhỏ giọt”… và xem đây là tình tiết tăng nặng cho buộc tội.

Trong vấn đề thứ ba này, xin dẫn chứng một vụ án khác qua lời kể của luật sư Đặng Đình Mạnh (trích):

Ba ngày sau ngày xét xử vụ án đối với Hội Nhà báo độc lập, thì ngày 08/01/2021, một vụ án chính trị khác của nhóm Hiến pháp cũng đưa ra xét xử bởi Tòa án Cấp cao tại TP.HCM theo thủ tục hình sự phúc thẩm, với các ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Lê Quý Lộc, Hồ Đình Cương và Ngô Văn Dũng. Họ là bốn trong số tám người thuộc nhóm Hiến pháp có kháng cáo bản án sơ thẩm mà Tòa án TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vào hạ tuần tháng 07/2020.

Nhóm Hiến pháp bị cáo buộc với tội danh “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ Luật Hình sự. Đây là tội danh nằm trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Trong phiên tòa, cả bốn người đều chọn kháng cáo theo hướng vô tội. Rằng, họ chỉ thực hiện quyền tự do biểu tình của mình theo Hiến pháp quy định để biểu đạt ý chí về hai vấn đề: Phản đối Luật Đặc khu và đường lưỡi bò của Trung Quốc áp đặt lên biển Đông.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc khi trong sự chuẩn bị biểu tình của họ lại bao gồm cả việc chuẩn bị hung khí, gồm vài chiến nhẫn tự chế có mũi nhọn kim loại và một số đèn pin (cũng tự chế) có khả năng phóng điện do một người ‘gợi ý’ và gởi họ lưu giữ. Sau phần tranh luận đầu của hai luật sư, thì một thẩm phán thuộc thành viên hội đồng xét xử chợt lên tiếng ưu ái, lưu ý vị công tố về điểm mâu thuẫn trong quan điểm bào chữa giữa hai luật sư để tranh luận.

Đến quá trưa, sau phần nghị án, hội đồng xét xử bước ra tuyên đọc bản án, trong đó, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo vô tội của cả bốn người, giữ nguyên phần hình phạt như phiên sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm tuyên xong có hiệu lực thi hành ngay. Vụ án khép lại, nhưng xem ra, công lý xứ này vẫn còn nợ ông Ngô Văn Dũng câu chất vấn trong lời nói sau cùng: “Tôi không quan tâm đến mức án bao nhiêu năm? Tôi chỉ muốn biết, mình đã làm gì để phải chịu mức án đó?”.

Xem ra, ông Ngô Văn Dũng có cơ sở để chất vấn điều đó, bởi lẽ, với tư cách nhà báo độc lập, ông chỉ là người quay phim, chụp ảnh cuộc biểu tình khi nó xảy ra. Nhưng thực tế, đã không hề có một cuộc biểu tình nào đã diễn ra, vì tất cả đều bị bắt giữ trước đó!?”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Những con người can đảm đang trả  nợ cho quê hương…

Phan Thanh Hung

VNTB – Tại sao họ làm vậy?

Do Van Tien

VNTB – Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Khu vực phía Bắc họp đầu xuân

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.