Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Tâm thư – giáo dục đối lập và vô vọng

Liên Sơn

(VNTB) – Nhân dịp chuẩn bị đến ngày toàn dân đưa trẻ đến trường (khai trường), lại để ý nhiều tâm thư của nhiều em học sinh gửi đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Gần đây nhất là tâm thư của một học sinh lớp 12 gửi ông phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó em có đề cập đến vấn đề đổi mới kỳ thi là “nhiệm vụ trong rất nhiều nhiệm vụ cần làm”[1] Em đặt niềm tin vào “quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể thầy cô và tin trong vài năm nữa, nền giáo dục nước nhà sẽ được chấn hưng mạnh mẽ, cách mạng triệt để”.

Phan Hưng Duy, cậu học trò lớp 12, tác giả của bức tâm thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Tôi nghĩ, mình cũng nên chia sẻ với em một chút sự thật về nền giáo dục nước ta. Mà phần nhiều là bức tranh về cấp ĐH-CĐ, vốn được coi là chất lượng hơn, ít tiêu cực hơn so với ba cấp còn lại.

Đối lập những con số

Hiện nay, nước ta có hơn 1,5 triệu người trí thức, trong đó số sinh viên trong năm 2014 là 1.662.665 người, 1.569 giáo sư và 8.884 phó giáo sư, 24.300 tiến sỹ.

Thế nhưng, “trong tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế (khoảng 2300 bài), các đại học đóng góp chưa đến 50%. […] trong số 200 đại học, chỉ có khoảng 20 đại học là có đóng góp vào công bố quốc tế, và cũng chỉ tập trung các trường lớn” [2]

Số lượng Đại học – Cao đẳng (ĐH-CĐ) trên cả nước là 433 trường, trong đó 247 trường công lập, 176 trường ngoài công lập. Đây là con số rất lớn so với 63 tỉnh thành phố trên cả nước. Biến cả nước trở thành cỗ máy phổ cập hệ đại học – cao đẳng.

Thế nhưng ông Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thì thừa nhận thực tế đào tạo ở các trường ĐH – CĐ hiện nay: “Chất lượng chưa tương xứng với văn bằng”. Do vậy, đến nay, chỉ có 3 trường lọt vào top 300 trường ĐH thế giới do QS Asia xếp hạng năm 2014 với vị thứ 169 (ĐHQG Hà Nội), 200 (ĐHQG HCM), 266 (ĐHBK HN). Còn ngoài ra, không thấy góp mặt trong top 800 trường ĐH thế giới của QS World năm 2013; top 500 trường ĐH thế giới của ARWU năm 2014; top 400 trường ĐH thế giới của THE năm 2013/2014.

Trường đại trà, chất lượng đào tạo kém, đã dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp liên tục tăng. Năm 2013 có 72.000 cử nhân thất nghiệp, thì theo số liệu mới đây của Bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố (01/07/2014) thì đã có 162.400 người có trình độ đại học bị thất nghiệp, tăng 4.300 người so với quý IV/2013 và tăng 39.400 người so với cùng kỳ năm ngoái (123.000 người).

Trong khi đó, cuộc cải cách SGK ở ba cấp không làm cho nội dung trở nên khoa học, nhân văn hơn mà ngược lại chỉ mang lại sự nặng nề và hàn lâm như học sinh buộc phải thừa nhận là “chính Bộ giáo dục đã độc quyền Sách giáo khoa, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với ba điều khó: khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế.” Nó cho thấy các cuộc cải cách giáo dục từ SGK cho đến chương trình học không khiến chất lượng tăng lên mà ngược lại kinh phí giáo dục ngày càng đè nặng vào xã hội.

Tình trạng đạo đức cũng chẳng khá hơn. Trong một nghiên cứu xã hội học mang tên: Hệ giá trị của thanh niên Việt Nam (System wartosci mlodych Wietnamczykow) của đại học tổng hợp Warszawa [3], trước câu hỏi về tầm quan trọng của “tính lương thiện”, thì 53,9% thanh niên không coi đây là một giá trị quan trọng. Và chỉ có 32% cho rằng tinh thần trách nhiệm với người khác là quan trọng, còn tới 68% cho đó là chuyện không có ý nghĩa. Trong khi đó, gian lận thi cử, đổi tình lấy điểm… diễn ra càng nhiều. Tình trạng học sinh lớp 5 vẫn chưa biết đọc, viết không còn hiếm, ngay trong buổi chất vấn của ĐBQH (11/06/2014), Bộ trưởng GD-ĐT cũng thừa nhận lý do là liên quan đến bệnh thành tích.

Về cảnh chung, nền giáo dục Việt Nam vẫn xoay quanh chữ “thi cử”, từ thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh ĐH-CĐ…, và đang trong cơn túng quẫn cải cách giáo dục/ chấn hưng giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT).

“Đi đúng hướng” và bệnh lên đồng

Trước thực trạng nền giáo dục như vậy, đặc biệt là giáo dục ĐH ngày càng tụt lùi, nhưng khi tham dự Hội thảo cải cách giáo dục ĐH Việt Nam năm 2014 (31/07) do Nhóm đối thoại giáo dục phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM), đại diện Bộ GD-ĐT là ông Thứ trưởng Bùi Văn Ga vẫn cho rằng: Đổi mới giáo dục ĐH là nhiệm vụ cấp bách, những thành tựu của cải cách giáo dục ĐH còn khiêm tốn nhưng cho thấy sự đi đúng hướng.

Rõ ràng, các quan chức Bộ GD-ĐT đã không dám thừa nhận sự thất bại và bế tắc trong nền giáo dục ĐH nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung hiện nay. Trong khi mục đích cuối cùng của giáo dục là đào tạo những con người hữu ích cho xã hội, phải có kiến thức kỹ năng sáng tạo phù hợp với kỷ nguyên phát triển hội nhập, nhưng đồng thời cũng phải có ý thức dân tộc phục vụ cống hiến cho xã hội…, thì bấy lâu nay Bộ đã và đang làm được những gì?

Bộ chỉ mải mê với việc in ấn SGK cải cách, ban hành các văn bản ngớ ngẩn như: Cấm thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào” (vi phạm Luật Tố cáo); Cộng 2 điểm ưu tiên cho bà mẹ VNAH, người hoạt động cách mạng (HĐCM) trước ngày 1/1/1945; Cộng điểm ưu tiên cho con người HĐCM trước ngày 01/01/1945 khi thi vào THPT…

Bộ thích đưa ra các dự án, đề án trên trời như kẻ lên đồng. Như vào tháng 06/2011, dự thảo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông từ năm 2011 có kinh phí dự kiến là 70.000 tỷ đồng, dư luận phản ứng nên Bộ GD-ĐT rút xuống còn 960 tỷ đồng. Tháng 04/2014, dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong 10 năm với kinh phí dự kiến là 34.275 tỷ đồng, riêng viết SGK đã là 5.000 tỷ đồng. Dư luận phản ứng, Bộ (đại diện là ông Bộ trưởng) lại chống chế: “Do lúc dự hội nghị trang nghiêm, có lẽ hơi bị “khớp” nên đồng chí thứ trưởng chưa kịp trao đổi kỹ về con số đó” và đây là “lỗi kỹ thuật”.

Còn bản thân ông Bộ trưởng cũng như kẻ mộng du, coi việc: “Không bắt buộc thi ngoại ngữ là khâu đột phá trong cải cách giáo dục”.

Sự thờ ơ, bàng quan, quên cả mục đích – trách nhiệm đào tạo nên một con người của Bộ cũng khiến các Sở không chịu thua, thay vì chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, các Sở lại dành thời gian ra để vẽ các dự án/ đề án chấm mút. Từ nhà vệ sinh 700 triệu đồng chất lượng siêu kém của Sở GD-ĐT Quảng Ngãi đến “Đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014 – 2015” của Sở GD-ĐT Hồ Chí Minh với mức kinh phí 4.000 tỷ đồng trong đó trang bị máy tính bảng cho 327.127 học sinh và 10.398 giáo viên với giá khoảng 5 triệu một máy. Trong khi vấn đề độ tuổi ham chơi của các em chưa tính đến, rồi giá tiền mua máy bỏ quên học sinh nghèo/ hoàn cảnh…

Thế nên, con tàu giáo dục dù được đặt lên đường ray (quốc sách), được cung cấp nguồn năng lượng (20% ngân sách dành cho giáo dục) nhưng vẫn ì ạch là vì vậy.

Nguồn cơn: giáo dục từ trên ép xuống

Thập niên 70, có “hai tiến sĩ học đầu tiên, được đào tạo từ Liên Xô trở về là Hồ Ngọc Đại và Phạm Minh Hạc” (nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam từ 2/1987 đến 3/1990, và nguyên là Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam).

Trong khi TS Hồ Ngọc Đại chủ trương vi mô, đi từ dưới lên trong đó tập trung dạy trẻ em lớp 1 vì “phải bắt đầu từ sự hiểu biết đứa nhỏ thì mới dạy chúng được”, thì TS Phạm Minh Hạc lại muốn đưa nền giáo dục theo kiểu từ trên xuống để tạo ra sự thống nhất [4].

Lúc đầu, mô hình giáo dục của Hồ Ngọc Đại có sự thắng thế khi đào tạo nên “con người, trong đó ý thức dân chủ là rộng rãi nhất, tức là đầu óc dân chủ, đầu óc tự do đầu óc cởi mở, đầu óc không bè phái, đó là cái lớn nhất” nhưng sau đó, nhanh chóng bị “bọn bảo thủ chống lại, bị cô lập. Tức là nó không sử dụng, không tuyên truyền, hạn chế, xuyên tạc …”.

Đến năm 1990, mô hình bị buộc dừng lại sau 5 năm thực hiện thành công (1985-1990). Từ thời điểm đó, đã đưa đến việc nguyên lý giáo dục từ trên xuống của Phạm Minh Hạc bao trùm lên cả nước. Từ đó đến nay, cơ chế giáo dục này tước bỏ sự tôn trọng trong học thuật bao gồm cả sự tự do học thuật. Thay vào đó là sự định hướng và áp đặt một cách cứng nhắc. Chỉ chú trọng đào tạo con người biết phục tùng dưới ngọn cờ của Đảng, biết đọc-chép-ghi-nhớ những gì giáo viên, quan chức giáo dục truyền tải mà thiếu tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập. Quyền lợi, tiếng nói của học sinh đều ít được đếm xỉa đến trong mọi quyết định giáo dục từ trên xuống. Trong khi, vấn đề lũng đoạn giáo dục để trục lợi diễn ra ngày một trầm trọng ở cấp bộ, sở, phòng.

Chính sự thắng thế cưỡng bức của nguyên lý giáo dục từ trên xuống đó đã khiến nền giáo dục bao năm qua càng “chấn hưng” càng bế tắc. Bởi nó thay đổi mang tính bên ngoài (nhiệm vụ), trong khi cốt lõi (hệ thống) lại không hề đụng đến. Nền giáo dục hiện nay giống như đang ở trong một khuôn tròn, và cứ chạy mãi. Càng chạy thì càng mòn, chứ không thoát ra được.

Điều đó giải thích tại sao ông Nguyễn Thiện Nhân, người đã mở màn nhiệm kỳ trong vai trò Bộ trưởng Bộ GD-ĐT của mình bằng phong trào hai không (“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”) trong năm học 2006 – 2007 khiến tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT cả nước rơi từ 92% xuống còn 67,5%. Nhưng sau đó, phong trào này nhanh chóng phá sản khi con số đậu tốt nghiệp lại nhích lên lại 99-100%. Các năm học tiếp theo, ông đưa tiếp khẩu hiệu “Đổi mới giáo dục”, trong đó có 5 không (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc “ngồi nhầm lớp” (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp) và (dành cho các bậc đào tạo sau trung học) đào tạo không theo nhu cầu xã hội).

Kết quả, hiện nay (2014), “5 không” đó đã trở thành “5 có” trong nền giáo dục ở tất cả các cấp học.
Từ 92% rớt xuống 67,5 rồi tăng lên lại 99-100% là hình ảnh rõ nét nhất cho việc không thể chấn hưng được chừng nào giáo dục vẫn còn nằm trong cái khuôn đó. Cái “khuôn” đó là quan điểm/ nguyên lý/ triết lý giáo dục được định hình từ năm 1986 thông qua Đảng hóa tri thức/ trí thức, mà nhà văn Nguyên Ngọc từng chỉ ra mục đích của nền giáo dục hiện tại: “Chúng ta tin rằng làm được như vậy thì sẽ có được một xã hội hoàn toàn thống nhất, tạo nên sức mạnh của một sự thống nhất tuyệt đối, không còn có kẻ hở nào hết… gọi một cách nôm na là nhồi sọ”.

Niềm tin vô vọng

Cái khuôn bị hỏng (lỗi hệ thống đó đi từ trên xuống) nên dù có 10 ông Nguyễn Thiện Nhân hay 100 ông Bộ trưởng GD-ĐT Vũ Đức Đam đi nữa thì cũng không thay đổi được gì ở nền giáo dục này. Và mọi cuộc cải cách, đổi mới (nếu có) chỉ xoay quanh việc bòn rút được bao nhiêu ngân sách; giáo trình nặng nề lên bao nhiêu; và giáo viên – học sinh bị biến thành chuột bạch cho các dự án/đề án giáo dục thử nghiệm như thế nào? Lỗi đó cũng khiến cho ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát ngôn những câu ngớ ngẩn, phi giáo dục. Học sinh – sinh viên được đào tạo thiếu cả đầu óc tư duy độc lập, tự chủ, chỉ theo một chiều sách vở.

Chính vì vậy, niềm tin của em học sinh 12 kia không khác gì niềm tin của ông đại biểu trong Hội nghị về giáo dục vừa qua (15/08) cả: “Chúng ta phải có niềm tin. […] Sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo và sự nghiệp đổi mới mà Đảng đã khởi xướng từ năm 1986 là sự nghiệp của nhân dân, sự nghiệp của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.” [5]

Đó là niềm tin…vô vọng! Cho đến khi nào, hệ thống giáo dục hiện tại được thay thế bằng một hệ thống khác. Nhân văn hơn, khoa học hơn.

Tư liệu tham khảo:
[1]giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lo-lang-hoc-thi-mot-hoc-tro-gui-tam-thu-toi-pho-thu-tuong-vu-duc-dam-post148872.gd
[2]anhbasam.wordpress.com/2014/08/06/2835-su-that-bai-cua-giao-duc-dai-hoc-viet-nam/
[3]bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2004/06/040608_vietnamyouth.shtml
[4] diendan.org/viet-nam/loi-he-thong/
[5]dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-truong-gddt-pham-vu-luan-ta-phai-co-long-tin-vao-nhau-tin-vao-doi-ngu-931257.htm

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Dư âm Phạm Quang Nghị: Không nói gì là một nửa của nghệ thuật ngoại giao

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Bi kịch trí thức – Bi kịch dân tộc (Phần 2)

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Thư gửi ngài Bộ trưởng Bộ GD và ĐT

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo