Nguyễn Huyền
(VNTB) – Nếu Tập Cận Bình từ chức như kêu gọi của những người biểu tình ở Trung Quốc, vậy thì hóa ra Nguyễn Phú Trọng đã sai lầm trong tụng ca ở chuyến “thăm chính thức” Trung Quốc hôm cuối tháng 11-2022.
“Liên Hiệp Quốc, Anh, Mỹ lên tiếng về biểu tình chống biện pháp phòng dịch ở Trung Quốc” là tựa của bài viết phát hành trên tờ Tuổi Trẻ lúc 23g10 ngày 28-11-2022 hiện đã bị “lỗi 404”, đưa tin:
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền (Trung Quốc) phản ứng với các cuộc biểu tình theo cách phù hợp với những tiêu chuẩn và luật pháp về nhân quyền quốc tế. Không nên có ai bị giam giữ tùy tiện chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”, Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Jeremy Laurence hôm 28-11.
Trong thời gian qua, tình hình ca mắc COVID-19 của Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bên cạnh chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tuân thủ quy định phòng chống.
Tuy vậy, việc chính phủ kiên quyết với chiến lược ngăn chặn hoàn toàn COVID-19 (zero-COVID), bao gồm triển khai xét nghiệm và phong tỏa, đã kéo theo một số vụ biểu tình.
Nổi bật nhất trong làn sóng phản ứng của người dân là vụ biểu tình ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất Trung Quốc tại thành phố Trịnh Châu. Theo truyền thông phương Tây, một số cuộc biểu tình ở các thành phố khác như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng được ghi nhận.
Cũng trong ngày 28-11, Ngoại trưởng Anh James Cleverly kêu gọi chính phủ Trung Quốc “lưu ý” về các cuộc biểu tình chống chính sách zero-COVID.
Ông nói: “Biểu tình chống chính phủ Trung Quốc rất hiếm, và khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ thế giới nên lưu ý, nhưng theo tôi thì chính phủ Trung Quốc cũng nên lưu ý”.
Tương tự, một người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng đưa ra tuyên bố liên quan tới tình hình biểu tình và zero-COVID của Trung Quốc.
“Lâu nay chúng tôi đã nói mọi người đều có quyền biểu tình ôn hòa, ngay ở nước Mỹ này cũng như trên thế giới. Điều này cũng bao gồm ở Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn cản virus thông qua chiến lược zero-COVID”, vị này nói.
Ngày 28-11, Trung Quốc báo cáo có 40.347 ca mắc COVID-19 mới tính tới cuối ngày 27-11, cao hơn so với 39.791 ca của một ngày trước đó. Truyền thông Trung Quốc khẳng định tình hình hiện nay đang tạo áp lực lớn và Trung Quốc luôn ưu tiên cứu lấy tính mạng người dân”.
Bản tin trên khác hẳn với hầu hết các nội dung tương tự trên các kênh truyền thông quốc tế cho đến mạng xã hội: người dân công khai đòi ông Tập Cận Bình, người vừa “đăng quang” nhiệm kỳ ba sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản từ chức – một chỉ dấu việc người dân Trung Quốc “không thể chịu nổi nữa”, sau ba năm chống dịch theo kiểu của đảng cộng sản ở quốc gia này.
Người dân Trung Quốc cho rằng họ bị đối xử bất công chỉ vì đảng cộng sản “mắc bệnh sĩ diện”, cố chứng minh cách chống dịch “đặc sắc Trung Hoa là đúng”, khiến tâm lý xã hội bùng nổ.
Ở Việt Nam giờ không khó khăn gì khi đọc trực tiếp báo chí nước ngoài, và với giới làm ăn của Việt Nam đang kinh doanh liên quan đến đối tác Trung Quốc, họ càng phải chú ý hơn những chuyện xuống đường biểu tình này.
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm 28-11 chạy tựa “Covid: Phẫn nộ dâng cao ở Trung Quốc”, tương tự với Libération “Trung Quốc, một sự phẫn nộ dễ lây lan” …
Les Echos cho biết, đã nghe thấy tiếng hô “Tập Cận Bình, từ chức!”, “Đả đảo đảng Cộng sản!” – điều hiếm thấy kể từ khi ông Tập lên ngôi, và có thể nói kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989.
Một người biểu tình hô vang: “Tập Cận Bình!”.
Và hàng trăm người đáp tiếp: “Hãy từ chức đi!”.
Tiếp tục lặp lại: “Tập Cận Bình! Hãy từ chức đi! Tập Cận Bình! Hãy từ chức đi!”. Tiếng hô vang tiếp tục: “Đảng Cộng sản Trung Quốc! Hãy từ chức! Đảng Cộng sản Trung Quốc! Hãy từ chức!”.
Theo Libération, để bóp nghẹt biểu tình, với Covid, đơn giản là dùng một ứng dụng y tế. Nếu là màu xanh, có thể di chuyển, màu vàng phải ở nhà, màu đỏ thì bị đưa đi cách ly. Tuần trước, khi người dân Chiết Giang bắt đầu nổi dậy, chính quyền đã “hóa phép” cho ứng dụng của họ thành màu đỏ, và yên tĩnh đã trở lại.
La Croix cho rằng dù phong trào phản kháng hãy còn là thiểu số, nhưng đây là thách thức chưa từng thấy cho “hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình, vốn đã thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói khác biệt ngay từ khi lên ngôi.
Tuy nhiên dù có tồi tệ hơn đi nữa thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam vẫn vững niềm tin là không thể có chuyện đồng chí Tập Cận Bình từ chức theo yêu cầu của dân chúng chỉ vì lý do zero-COVID.
Bởi trong ý thức hệ của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, thì nói như ở Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc công bố hôm đầu tháng 11 này, thì Tập Cận Bình luôn là hạt nhân mà ngay cả Đảng cộng sản Việt Nam cũng phải luôn học hỏi theo (trích):
“Tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ tiếp tục mở rộng và làm phong phú con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, thúc đẩy mạnh mẽ công trình vĩ đại mới về xây dựng Đảng, hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.
Lẽ ra ở lúc này, đội ngũ trợ lý báo chí của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nên soạn một lá thư để ông Trọng chia sẻ với người đồng cấp thông qua con đường ngoại giao, đó là “Việt Nam tiêm chủng muộn nhưng đã bắt kịp tốc độ nhanh chóng vào mùa thu năm ngoái, từ đó cho phép đất nước mở cửa hoàn toàn với thế giới vào giữa tháng Ba năm nay. Kính mong đồng chí Tập Cận Bình tham khảo…”.
1 comment
vé chỉ 1 chiểu xanh(QH) vàng(TW) đỏ(ĐCS)30 chưa là tết vé chỉ 1 chiều đổi màu hạ nhiệt xuống