TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Các bằng chứng khoa học nhất quán chỉ ra rằng tự do báo chí có thể làm giảm tham nhũng
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định ngày 9/12/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo, do một đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ thuộc các cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Ban Chỉ đạo chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ. [1]
Khi nào thì ông Khái hoàn thành nhiệm vụ? Nếu các ông không thể giải thích các hành vi “… ăn của dân không từ một cái gì” [2], thì các ông có một vấn đề rất lớn về trách nhiệm giải trình.
Để xem thử ông Chính nói giỡn hay nói thiệt, tôi tò mò muốn tìm hiểu dân ở quê tôi Đà Nẵng bị ảnh hưởng từ tham nhũng ra sao và để thử nghiệm khi nào thì ông Khái có thể “về hưu”.
Cuối năm 2022, phát hiện 500 triệu đồng trong vụ cựu chủ tịch quận ở Đà Nẵng nhận hối lộ. Ông Đàm Quang Hưng – cựu chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) – nhận hối lộ 500 triệu đồng. [3]
Năm 2022, Ông Võ Thiên Sinh, cựu phó chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), và thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi nhận hối lộ của doanh nghiệp trong gói thầu thi công nạo vét cống thoát nước trên địa bàn quận này. [4] Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng liên quan vụ án đưa và nhận hối lộ tại Đà Nẵng đã trúng nhiều gói thầu nạo vét bùn trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ngoài ra, công ty này cũng từng trúng các gói thầu tại một số đơn vị, quận khác trên địa bàn.
Năm 2022, Đà Nẵng đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với các Đảng ủy: Sở Y tế thành phố, Sở Tài chính thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng, Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng, Chi bộ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong vụ án Việt Á. [5]
Trong thời gian dài 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng đã câu kết với Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhiều nhà đất công sản, nhà đất vị trí vàng, mua rẻ hơn nhiều giá trị thực gây thiệt hại cho nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng. [6] Trong khi bị giam, Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc đưa tiền tỉ cho một lãnh đạo để nhờ giúp đỡ. [7]
Năm 2021, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng xác nhận đã ra quyết định về việc thu hồi quyết định thi hành án dân sự liên quan đến các bất động sản, tài sản đảm bảo thi hành án… trong vụ án Phan Văn Anh Vũ. [8]
Năm 2018, 2 cựu chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bị khởi tố do liên quan đến sai phạm trong bán đất công ở Đà Nẵng, trong đó có phi vụ bán sân vận động Chi Lăng, người dân TP Đà Nẵng vô cùng bức xúc. [9]
Năm 2018, trên mạng xã hội lan truyền thông tin từ facebook của một nhà báo tại Đà Nẵng cho rằng ông Lê Văn Tam giám đốc Công an TP Đà Nẵng có biệt phủ rộng khoảng 1.000m2 trong làng biệt thự Euro Village với giá trị đất và nhà giá trị 100 tỉ đồng. [10] Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, xây nhà cửa tử tế không có gì xấu hổ. Nhưng với cán bộ, lương khoảng 30 triệu đồng/tháng, nhẩm tính cũng phải mất 277 năm mới có 100 tỉ. Vậy lấy tiền đâu xây biệt phủ hàng trăm tỉ đồng?
Với mức tham nhũng trầm kha như thế, ông Khái khó có cơ hoàn thành nhiệm vụ chống tham nhũng. Thực vây, các khỏa sát cho thấy là các cơ quan chống tham nhũng không phải là thuốc chữa bách bệnh để giảm tham nhũng, đặc biệt là trong các môi trường quản trị yếu kém. [11]
Ảnh hưởng chính trị, sự yếu kém về thể chế và hỗ trợ tài chính cho các cơ quan chống tham nhũng không đồng đều đã được trích dẫn trong tài liệu là những yếu tố cản trở việc hoạt động hiệu quả của các cơ quan chống tham nhũng. [11] Đặc biệt, các cơ quan chống tham nhũng thường không hữu hiệu để giảm tham nhũng bằng tự do báo chí.
Đọc báo trong nước, có vẻ báo Tuổi trẻ đưa tin về tham nhũng nhiều hơn là các báo kiểm soát bởi nhà nước (nhưng tôi không hiểu nhiều về báo trong nước). Thế thì bằng chứng về liên hệ giữa tự do báo chí và đưa tin về tham nhũng là ra sao?
Các nhà nghiên cứu Brunetti và Weder 2003 đã sử dụng phân tích thống kê để chỉ ra quyền tự do báo chí có mối tương quan chặt chẽ với mức độ tham nhũng thấp hơn. [11, 12]
Chowdhury 2004 đã sử dụng phân tích thống kê để xác định những tác động nhất quán đối với cả dân chủ và tự do báo chí đối với mức độ tham nhũng. [11, 13]
Freille và cộng sự 2007 đã sử dụng phân tích giới hạn cực đoan để chỉ ra rằng những hạn chế đối với tự do báo chí dẫn đến mức độ tham nhũng cao hơn trong một mẫu gồm 51 quốc gia phát triển và đang phát triển. [11, 14]
Camaj 2013 đã sử dụng phân tích thống kê để xác nhận những phát hiện trước đó và gợi ý rằng tác động của tự do báo chí đối với tham nhũng sẽ được khuếch đại khi kết hợp với các thể chế trách nhiệm giải trình, chẳng hạn như một cơ quan tư pháp độc lập và các nghị viện mạnh. [11, 15]
Các bằng chứng khoa học nhất quán chỉ ra rằng tự do báo chí có thể làm giảm tham nhũng và rằng các phương tiện truyền thông đóng một vai trò trong hiệu quả của các cơ chế trách nhiệm xã hội khác. [11]
Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến những Anh Chị trong Hội Nhà Báo Độc Lập, nhất là những Anh đang bị giam cầm và những bạn làm việc không ngừng nghĩ ở Việt Nam Thời Báo. Xin chúc các Anh Chị trong Hội và tờ Thời Báo một cuối năm sức khỏe, bình an và may mắn!
Tuy xa mặt nhưng không cách lòng!
__________
Nguồn:
1. https://nhandan.vn/lap-ban-chi-dao-xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-phong-chong-tham-nhung-post729227.html
2. https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm
9. https://nld.com.vn/thoi-su/xe-thit-san-van-dong-chi-lang-di-the-chap-ngan-ra-sao-20180418132743421.htm
10.https://tuoitre.vn/giam-doc-cong-an-da-nang-noi-gi-ve-thong-tin-biet-phu-20180420112856269.htm
11. Britain G. Why corruption matters: Understanding causes, effects and how to address them. Department for International Development; 2015.
12. Brunetti, A.; Weder, B. A Free Press is Bad News for Corruption. Journal of Public Economics 87(7-8): 1801-1824. 2003.
13. Chowdhury, S.K. The Effect of Democracy and Press Freedom on Corruption: An Empirical Test. Economic Letters 85(1): 93-101. 2004.
14. Freille, S.; Haque, M.E.; Kneller, R. A Contribution to the Empirics of Press Freedom and Corruption. European Journal of Political Economy 23(4): 838-862. 2007.
15. Camaj, L. The Media’s Role in Fighting Corruption. Media Effects on Governmental Accountability. The International Journal of Press/Politics 18(1): 21-42. 2013.