Lâm Viên
(VNTB) – Tháng tư này thì lễ Phật Đản ở Sài Gòn không còn tưng bừng với xe hoa xuôi phố, với hoa đăng thắp sáng dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tháng tư vẫn đang đối mặt với dịch bệnh lây lan từ xứ Tàu…
Tháng tư đang bề bộn với tin tức về dịch bệnh, về những ca tử vong mỗi ngày được tính bằng đơn vị hàng trăm, hàng ngàn… đã khiến người ta tạm quên đi rằng trong ánh nắng của ngày đầu hạ trải dài trên mọi miền quê Việt, khắp năm châu, muôn hoa đang đua nở, trong tiềm thức của mỗi người, hàng triệu con tim hòa chung một nhịp đập, hân hoan đón mừng Khánh đản của Đức Từ phụ.
Tháng tư nhớ Phật, và chợt thấy rằng vì sao người ta trong nhiều trường hợp, lại khó thể mở lòng với nhau đến vậy. Câu chuyện về nhân sự cho người đứng đầu tổ chức Viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở hiện tại là thí dụ.
Cái ông nhà báo nào đó mượn sắc hoa Sa La để làm bút danh ký trên một bài viết đăng ở trang Việt Nam Thời Báo, đang bị ‘búa rìu’ với lý do đã đi ngược lại với Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhiều thuyết âm mưu đang bủa vây cái ông ký giả ấy. Đúng – sai, có lẽ là chuyện thường tình của một ký giả, đặc biệt là khi đề cập đến đề tài tôn giáo. Chỉ buồn là trong những ngày hân hoan đón mừng Khánh đản của Đức Từ phụ, người ta nỡ nào buông lời nặng nề với nhau đến vậy.
Một nhà sư kể: “Hồi tôi vào chùa, từ ngày đầu tiên hành điệu, sư phụ đã kêu tôi lên, dạy một vài điều và cho một cuốn sổ dày cộm. Quyển sổ đẹp lắm, còn có cả chữ của sư phụ phía ngoài bìa: Sổ sửa mình.
Khi đó, thấy tôi ngớ ra chưa hiểu, sư phụ giải thích thêm: “Con giữ quyển sổ này và mỗi cuối ngày đều ghi lại những việc con làm, nói và suy nghĩ. Sư phụ sẽ kiểm tra mỗi tuần. Con nhớ chánh niệm từ việc làm cho đến suy nghĩ!”. Rồi sư phụ cho tôi lui xuống.
Ban đầu tôi nghĩ việc này không khó khăn gì, nhưng khi bắt đầu đặt bút xuống mới thấy chẳng hề đơn giản. Ngay cả những việc tôi làm bằng thân đã khó mà nhớ hết rồi, chứ chưa kể đến lời nói và suy nghĩ. Một ngày tôi nói biết bao nhiêu lời, nghĩ biết bao nhiêu thứ, chuyện tốt chuyện xấu, chuyện mình chuyện người, bao nhiêu là chuyện… Nhớ lại để viết ra đâu dễ dàng gì. Nhưng rồi tôi bắt đầu tập tành với nhiệm vụ đầu tiên đầy khó khăn ấy…”.
Cuốn sổ sửa mình đó, theo lời nhà sư, “chúng khiến tôi chánh niệm trong từng việc làm, từng suy nghĩ, từng lời nói”.
“Quyển sổ sửa mình giúp tôi hướng vào bên trong nhiều hơn, giúp tôi chánh niệm hơn trong từng suy nghĩ, không để những ý bất thiện đi quá xa. Nếu nghiên cứu kỹ hơn, trong nhà thiền, phương pháp này gọi là Tứ chánh cần: Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng./ Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận./ Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi./ Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú.
Sau này, khi tôi học trung cấp, tôi mới biết những gì sư phụ dạy đều nằm trong hệ thống giáo lý, nhưng cách của sư phụ dễ hiểu và dễ làm hơn đối với một chú điệu – một người đang chập chững bước đi trên con đường tu tập”. Nhà sư tạm kết câu chuyện kể về người Thầy của ngài.
Tháng tư dẫu bừa bộn, dẫu lo toan dịch bệnh đến đâu đi nữa thì với người Phật tử, vẫn là tháng của hân hoan đón mừng Khánh đản của Đức Từ phụ.