VNTB – Thế nào là giáo dục để phát triển toàn diện?

VNTB – Thế nào là giáo dục để phát triển toàn diện?

Nguyễn Thị Thanh Bình

(VNTB) – Từ ngày 1-7 tới đây, Luật Giáo dục phiên bản 2019 sẽ có hiệu lực thi hành.

Tương tự phiên bản trước đó, lần này tiếp tục nhất quán trong Luật Giáo dục, là “con người Việt Nam phát triển toàn diện”, thể hiện ở các mặt: đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp.

“Phát triển toàn diện”, nghĩa là học sinh và giáo viên phải được quyền tự do lựa chọn các nền tảng tri thức phổ quát toàn cầu, không phải chịu sự bó hẹp trong giới hạn của thể chế chính trị nào đó. Ở các tiết ngoại khóa, giáo viên được quyền tự do truyền đạt trên cơ sở trao đổi theo cách nhìn cá nhân về hiện tình đất nước, về đâu là bạn, đâu là giặc ngoại xâm đang khoác chiếc áo hữu hảo với dân tộc Việt. Bởi ở tuổi 16 đã có một Trần Quốc Toản đã đứng bên ngoài cửa hội nghị Bình Than với trái cam bóp nát thề đánh tan giặc Nguyên xâm lược kia mà.

Thế nhưng trên thực tế thì có lẽ không giáo viên nào dám ‘bàn chuyện’ thế sự trong tiết ngoại khóa với cả học trò cấp 3, tức cỡ tuổi Trần Quốc Toản trở đi. Không dám ‘luận bàn’ vì sợ bị chụp chiếc mũ ‘tự diễn biến’, và hơn thế, với sĩ số lớp học xấp xỉ 40 học sinh như hiện nay cùng chiếc ‘vòng kim cô’ thành tích vẫn chưa được tháo gỡ, thì vấn đề dạy học, phát triển năng lực học sinh không nằm trong tầm kiểm soát của giáo viên nữa rồi.

“Thay sách mới nhưng đảm bảo sẽ dạy theo kiểu cũ mà thôi. Mấu chốt là giáo viên nào cũng muốn học sinh mình nhớ bài, ráng truyền đạt hết sức cho học sinh nhớ, còn việc để học sinh tự tìm tòi kiến thức chỉ ‘diễn’ được trong những tiết dự giờ. Dạy gần chết học sinh còn không hiểu, thời gian đâu mà phát hiện năng lực?” – đó là tâm lý khá phổ biến ở giáo viên hiện nay, khi bàn chuyện về quyền lựa chọn sách giáo khoa cho việc giảng dạy mà Luật Giáo dục 2019 quy định.

Hơn nữa, việc lựa chọn này dù có hướng đến mục đích cao đẹp là “phát triển toàn diện” cho học sinh, thì theo Luật Giáo dục 2019, vẫn buộc nằm trong hạn định với lằn ranh sinh tử cho số phận từng giáo viên rất rõ ràng: “Tính chất, nguyên lý giáo dục: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” – trích Điều 3.1, Luật Giáo dục 2019.

Xét về mặt câu cú theo cách hiểu tiếng Việt, thì Điều 3.1 có loạt mệnh đề nếu học sinh cắc cớ vặn vẹo, chắc ít thầy cô giáo nào cắt nghĩa cho cặn kẽ được:

Thứ nhất, thế nào là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa? Các ưu, khuyết điểm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là gì? Hiện tại có bao nhiêu quốc gia lựa chọn nền giáo dục xã hội chủ nghĩa? Vì sao Việt Nam không được quyền lựa chọn nền giáo dục nào khác, ngoài nền giáo dục xã hội chủ nghĩa?

Thứ hai, khi trả lời được những vấn đề ở loạt câu hỏi thứ nhất, thì tiếp theo là tiếp tục đến phần biện giải vì sao cần gắn thêm từ tố “có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”? Phải chăng ở các quốc gia được cho là cùng thể chế chính trị như Việt Nam, thì với Trung Quốc, phần từ tố gắn thêm vào đó chỉ khác ở chỗ là “tư tưởng Mao Trạch Đông làm nền tảng”?; với Triều Tiên thì “tư tưởng Kim Nhật Thành làm nền tảng”?

Thứ ba, chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nếu đặt trong yêu cầu phải cập nhật liên tục để phù hợp với thực tại về “khoa học – hiện đại” như Điều 3.1 của Luật Giáo dục nêu, thì đâu là địa chỉ có nhiệm vụ cho thực thi việc cập nhật đó về chủ nghĩa Mác – Lê nin, và tư tưởng Hồ Chí Minh?

Tạm gác qua những băn khoăn về câu từ, ngữ nghĩa của điều luật ở trên, một vấn đề đang đặt ra là đi sâu vào quan sát thực tiễn giờ học, người ta còn thấy nghịch lý của sự phân chia thành ‘môn chính’ và ‘môn phụ’.

Những ‘môn chính’ là toán, văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học; các môn phụ thường là lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, mỹ thuật, thủ công, âm nhạc. Khi bị coi là ‘môn phụ’ thì tất yếu sẽ dẫn đến sự coi nhẹ của hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và thậm chí là cả phụ huynh, học sinh.

Cùng với tình trạng ‘bên trọng bên khinh’ ấy, ‘địa vị xã hội’ và quyền uy của các giáo viên ‘môn phụ’ trong thực tế cũng thua kém rất nhiều so với giáo viên môn chính (trừ tường hợp cá biệt) và tất nhiên mức độ ‘quan tâm’ của phụ huynh đối với giáo viên cũng khác nhau. Rõ nhất là sự thăm hỏi, động viên, tặng quà cho thầy cô vào các dịp lễ tết. Các thầy cô dạy ‘môn chính’ bao giờ cũng nhận được nhiều quà hơn; nhiều điện thoại, tin nhắn, sự quan tâm, hỏi han hơn. Nếu như các thầy cô dạy môn phụ mà không phải là giáo viên chủ nhiệm thì sự thăm hỏi chỉ là ‘cho phải phép’…

Vậy thì thế nào là giáo dục để phát triển toàn diện?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)