Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: sáng kiến?

Diệp Chi

 

(VNTB) – “Kết quả là nạn nhân không bao giờ có thời gian vàng” 

 

“Làm sao để xe cứu thương vượt qua được nó? Tôi ước tính, mỗi giao thông hào phải mất hàng tiếng để san lấp, những ụ đất và những vật liệu cản đường phải mất hàng tiếng để dọn dẹp. Và còn bao nhiêu những chốt chặn như thế nữa, từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn, từ thôn xuống xóm và từ xóm đến nhà bệnh nhân”.

“Kết quả là nạn nhân không bao giờ có thời gian vàng” – bác sĩ Trần Văn Phúc ngậm ngùi nói.

Báo chí đưa tin, nhằm mục đích hạn chế người dân “thông chốt”, có lẽ rút kinh nghiệm từ thành phố đông dân nhất Việt Nam những ngày đầu thực hiện các chỉ thị, nhiều tuyến đường chính của quận Long Biên bất ngờ bị lập rào chắn bằng vật liệu xây dựng, thùng xe ô tô.

Ưu điểm dễ dàng nhận thấy nhất trong các bức hình gọi là “chốt ở Hà Nội” đó là việc tiết kiệm được sức người khi không cần có lực lượng chức năng đứng gác ở các chốt, không cần phải tốn công giải thích là vì sao người dân không được vào khu vực này, phải quay đầu; càng không cần nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa to gió lớn.

Theo báo chí phản ánh, “…phường Long Biên có nhiều khu đang được quy hoạch, xây dựng dở nên rất nhiều đường ngang, ngõ nhỏ. Dựng rào cản như thế này trông có vẻ phản cảm nhưng có sự hiệu quả rõ rệt trong việc hạn chế người dân đi lại” và “Phương án này nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của người dân do hạn chế được đi lại và ngăn không cho người nơi khác đến”.

“Thời gian đầu, thoạt nhìn như vậy là đúng, tuy nhiên, năm ngày dài tháng, nó sẽ là một mối nguy hiểm. Đơn cử, người dân ở bên trong khu vực đó, dù không nhiễm Covid-19 đi chăng nữa, nếu như họ muốn đi cấp cứu sẽ như thế nào?

Liệu xe cấp cứu có đến cùng lúc với các phương tiện khác để những ống cống, những thùng container, những khối bê tông đó được bê đi kịp lúc không? Sẽ tốn bao nhiêu thời gian cho công việc đó, rồi thời gian vàng trôi qua sẽ như thế nào? Dù được giải thích rằng, do lực lượng của phường mỏng lại nhiều nhiệm vụ khác nên đây là giải pháp tạm thời để hạn chế người dân đi lại, theo tôi cũng không thể chấp nhận. Vì sao? Các phường thuộc tỉnh, thành khác, lực lượng của họ như thế nào? Vì sao họ vẫn làm được?

Đúng là lực lượng ở các chốt cực cho họ thiệt, nhưng nói nào ngay, luật pháp là cứng nhắc, tình người là linh động, dầu sao đi nữa, họ cũng sẵn sàng giúp đỡ người dân mỗi khi khó khăn, cấp cứu hay đi khám chữa bệnh hơn mấy cái khối bê tông đó là cái chắc” – một góc nhìn được ghi nhận từ Sài Gòn.

“Đồng ý là việc làm như vậy có thể hạn chế người vùng khác vào khuôn viên của phường mình. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ hạn chế người trong phường đi ra nơi khác mỗi khi có việc cần. Lúc bình thường, có thể sẽ thấy không sao cả, mấy ông mấy bà cứ nói quá lên. Đến khi có chuyện cần kíp, thì như thế nào?”, một ý kiến khác.

“Chủ yếu vẫn là câu chuyện về ý thức. Nói thật, cho dù có làm như thế nào đi chăng nữa, nếu muốn ra ngoài hoặc muốn vào, cũng tìm mọi cách để thực hiện thôi.

Một ví dụ chung chung, nếu như gia đình bạn có người thân đi ra ngoài vào sáng sớm với mục đích mua đồ ăn, mua thuốc men. Đến khi trở về, thấy hàng loạt khối bê tông, thùng container ở nhiều ngả đường, biết rằng sẽ khó vào, nhưng liệu bạn có để người thân của bạn ở ngoài không?

Hoặc người thân của bạn có tìm cách để vào không? Nếu câu trả lời là không, chúng ta nên tuân thủ theo chỉ thị, đồng ý luôn, vậy thì người thân của bạn sẽ như thế nào trong suốt thời gian chỉ thị? Sẽ ở đâu, sẽ ăn gì và tắm rửa, giặt giũ ra sao? Đó là chưa kể đến việc những nhu yếu phẩm gia đình bạn đang cần sẽ như thế nào?” – một đóng góp biện giải khác.

“Tôi tự hỏi, với việc làm đó, nếu như có mạnh thường quân hay nhóm từ thiện nào giúp đỡ những người khó khăn đang sống trong phường thì họ sẽ như thế nào?

Trong mùa dịch, “lá lành đùm lá rách” là đáng quý rồi, làm vậy chẳng khác nào làm khó thêm cho những người làm từ thiện đó” – một thắc mắc khác rất đáng quan tâm đã đặt vấn đề như vậy.

Người viết chợt nhớ lại lời của vị giảng viên đại học khi xưa, một vấn đề sẽ có nhiều khía cạnh. Có những cái thấy trước mắt đó là việc làm hiệu quả, chất lượng nhưng ở một góc nhìn khác, nó lại là những vấn đề đầy tính chất rủi ro.

May quá, không nhiều nơi bắt chước như phường Long Biên, Hà Nội…


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: làm báo là để bán chứ không phải để biếu

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Chờ đợi nhận tiền hỗ trợ của các gói an sinh

Phan Thanh Hung

VNTB – ĐƠN CẦU CỨU KHẨN CẤP

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo