[tds_note]
Sài Gòn bao dung
Chủ đề về Sài Gòn là nguồn cảm hứng bất tận của tất cả những ai đã từng đến, ở hoặc chỉ ngang qua đây như một sự tình cờ.
Sài Gòn không còn tên trong các thứ giấy tờ hành chánh của nhà nước hôm nay, nhưng còn ký ức. Không chỉ là ký ức của những người sanh ra, lớn lên ở Sài Gòn, mà còn của những ai một thời ở Sài Gòn, đang ở Sài Gòn, thậm chí chỉ một lần ghé chơi Sài Gòn mà có chút gì xao động…
Sài Gòn đâu của riêng ai, phải thế không?
Trang Việt Nam Thời Báo xin được mở chuyên mục “Sài Gòn bao dung” như trang nhật ký của những chuyến tàu về lại miền quá khứ và cả hôm nay của Sài Gòn nghĩa tình.
Kính mời sự cộng tác của quý độc giả trang Việt Nam Thời Báo viết về Sài Gòn ngày tháng cũ, và cả ở hiện tại…Bài viết xin gửi về địa chỉ: banbientap@ijavn.org
[/tds_note]
***
Võ Tân
(VNTB) – Thủ Đức còn được biết đến với “làng đại học” được xây dựng từ trước những năm 1960 tại phường Bình Thọ ngày nay…
Tôi đã biết đến Thủ Đức từ thời còn bé, những lần ba chở đi Biên Hòa mà không chạy xe trên tuyến xa lộ, lại đi theo lối quốc lộ 1 lúc bấy giờ (đường Kha Vạn Cân ngày nay).
Đoạn đường từ Bình Triệu đến cầu Hóa An (Biên Hòa) là một con đường ngoằn ngoèo, dạng hình chữ chi (之). Một bên lác đác những ngôi nhà xinh xắn chen lẫn giàn hoa giấy chợt tím chợt hồng. Một bên là cánh đồng, mà mỗi khi chiều xuống.
Mặt trời thấp thoáng phía sau những hàng cây vừa thấp vừa cao tạo nên vẻ mờ ảo huyễn hoặc trong ánh chiều tà. Đoạn đường này, ngày xưa, ngoài cái tên quốc lộ 1, nó còn có tên thứ hai là đường Nguyễn Tri Phương để tưởng niệm cuộc rút binh của tàn quân Việt kéo về thành Biên Hòa (ngay dưới chân cầu Hóa An), vào năm 1861, sau khi thất thủ tại thành Kỳ Hòa, và đồn Thuận Kiều cùng vài ngàn xác lính Việt nằm ngổn ngang rải rác khắp mặt đường.
Năm 1832, vua Minh Mạng đặt tên nơi đây là huyện Ngãi An thuộc phủ Phước Tuy. Một Hoa kiều, tên là Tạ Dương Minh (còn gọi là Tạ Huy) xây cho nơi đây một cái chợ để mọi người có thể buôn bán và lấy biệt danh của chính ông đặt tên cho chợ, Thủ Đức. Về sau, tên Thủ Đức dần dần lấn át chữ Ngãi An và đến khoảng cuối thế kỷ XIX, Thủ Đức trở thành một quận của tỉnh Gia Định.
Quận Thủ Đức của những ngày xưa – thời chưa lên đời là thành phố, bao gồm cả quận 9 và quận 2 như hồi trước năm 2020, được biết đến là một làng nem nổi tiếng vào bậc nhất.
Vào những năm giữa thế kỷ XIX, một góa phụ xuất thân từ Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, tên là Nguyễn Thị Kỳ, một mình nuôi sáu con nhỏ, phiêu bạt đến tận khu vực nhà ga Thủ Đức (về sau là ga Bình Triệu) mở quán cơm lập nghiệp. Bà đã chế tác ra món nem đặc biệt, không giống với bất kỳ nơi khác. Những lát nem màu hồng tươi được gói cẩn thận bằng lá vông mà hương vị chua, ngọt, nồng, cay đan quyện lấy nhau đã tạo nên sự khác biệt. Từ đó, cả một làng nem nổi tiếng trải dài dọc từ ga Bình Triệu đến tận chợ Thủ Đức đã ra đời.
Thế rồi, vật đổi sao dời. Làng nem Thủ Đức, theo dòng thời gian, dần dần mai một đi. Có lẽ, một phần do tính bí truyền của nó hoặc do những biến động của lịch sử.
Đến nay, hầu như, không còn dấu vết gì để lại của một “làng nem” đã từng uy danh những ngày nào. Tuy thế, trong tâm trí của nhiều người thuộc thế hệ trước, hương vị nồng ấm của những lát nem vẫn không thể phôi pha sau bao năm dài.
Thủ Đức còn được biết đến với “làng đại học” được xây dựng từ trước những năm 1960 tại phường Bình Thọ ngày nay, xấp xỉ tuổi đời so với trường đại học sư phạm kỹ thuật. Đó là những ngôi biệt thự nhỏ nhắn ẩn mình thanh tịnh giữa những con đường đất đỏ thẳng tắp ngang dọc như ô bàn cờ.
Những con đường lối nhỏ hiền hòa rợp bóng cây xanh đã tạo nên nét đặc trưng đặc biệt cho Thủ Đức. Theo hướng đông – tây, các con đường được mang tên các vĩ nhân văn hóa như Lương Khải Siêu, Tagore, Einstein, Alexandre de Rhodes…
Theo hướng bắc – nam, chúng lại được đặt theo tên những ước vọng khát khao của nhân loại như Bác Ái, Công Lý, Hòa Bình, Dân Chủ,… Oai phong là thế! Chỉ tiếc một điều duy nhất là đường Tự Do mà nay đã được thay bằng tên Nguyễn Văn Bá từ những năm 1990.
Đất lành, chim đậu. Thủ Đức hôm nay đã trở thành một miền đất hứa tươi đẹp cho những thân phận tha phương. Biết bao thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp các trường học đóng trên địa bàn Thủ Đức, ngay cả sinh viên trường đại học sư phạm kỹ thuật đã chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai, đã ở lại và lập nghiệp dài lâu.
Từ ngay trung tâm ngã năm Thủ Đức (giờ là ngổn ngang công trường của đường xe điện ngầm đầu tiên của TP.HCM), một con đường lớn rẽ hướng về phía đông được mang tên Hoàng Diệu mà nay gọi là Võ Văn Ngân.
Vào cái thuở xa xưa đó, Thủ Đức có hai con đường lớn nhất giao nhau ngay tại trung tâm là đường Nguyễn Tri Phương và đường Hoàng Diệu như để tưởng niệm hai vị tướng anh dũng mà số phận lại đau thương. Các ông đã tử thủ và chết theo thành Hà Nội trước quân Pháp xâm lược vào các năm 1873 và 1882. Đường Hoàng Diệu dẫn lên một ngọn đồi thật cao mà đỉnh của nó, cách chợ Thủ Đức chừng hơn 2 km, chính là khuôn viên trường đại học sư phạm kỹ thuật ngày nay.
Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 1981, tôi mới trở lại Thủ Đức trong vai sinh viên đại học Tổng Hợp (khu vực Linh Trung bây giờ). Không biết được đã bao nhiêu lần qua lại ngôi trường sư phạm kỹ thuật mà không thể nghĩ được đó là nơi sẽ gắn bó phần lớn cuộc đời mình.
Năm 1987, tôi nhận được quyết định giảng dạy tại sư phạm kỹ thuật. Đây không phải là sự kiện lớn nhất trong đời nhưng nó đã làm định hướng cuộc đời tôi. Trong đợt tiếp nhận sinh viên ngoài trường hay cán bộ đang công tác từ nơi khác về giảng dạy tại sư phạm kỹ thuật năm đó chỉ có hai người. Đó là thầy Đỗ Văn Dũng (người vừa rời ghế hiệu trưởng hôm 20-4-2021) và tôi.
Thủ Đức khi ấy là vùng đất rộng thưa người. Trường sư phạm kỹ thuật cũng vậy, ít người lắm ma. Khung cảnh thanh bình, êm ả với hàng phượng vĩ đỏ rực mỗi khi hè về cùng tiếng ve chói tai chen lẫn âm thanh não nùng của ểnh ương và mấy loài cóc nhái. Ngày xưa, chưa có các dãy C và D, đồng thời các dãy A và B chưa nâng tầng và chưa có tòa nhà trung tâm khiến cho không gian trong khuôn viên ngôi trường thoáng đãng và hài hòa với thiên nhiên hơn.
Mọi sinh hoạt ngày và đêm hầu như đều diễn ra trong khuôn viên trường. Siêu thị và ‘cantine’ trước kia là dãy ký túc xá, cuối sân bóng cũng là ký túc xá. Phía đông khu B là ký túc xá nữ và dãy phía bên kia là phòng ở của vài viên chức trong trường.
Các ký túc xá gần gũi nhau nên mọi sinh hoạt về đêm luôn diễn ra một cách cởi mở và thân thiện. Các phòng học khu A luôn được mở cửa để đón sinh viên vào tự học mỗi tối. Đây cũng còn là dịp mà các cặp đôi mượn cớ học bài để tìm đến nhau tâm sự. Cuối mỗi học kỳ, khu A nhộn nhịp hẵn lên vì đầy ắp sinh viên đến tự học suốt cả đêm, từ ban chiều đến tận sáng sớm hôm sau, để chuẩn bị cho mùa thi.
Mỗi khi bước chầm chậm trên các lối đi nội bộ vào buổi chiều tối sau giờ làm việc, cứ ngỡ như mình đang lạc vào chốn thiên thai đầy muôn chim và cỏ lạ.
Đôi khi, người ta còn cảm nhận được vẻ hoang sơ của khu vườn đầy hoa trái. Những chú sóc con nhảy nhót trên tầng cao bạch đàn hay giữa những tán cây tràm mọc phủ kín phía sau các block xưởng hoặc hai bên khu chữ H (dãy B) cùng loài rắn rết bò lê quanh quẩn khắp lối đi.
Khi màn đêm buông xuống, không khí trong khuôn viên trường trở nên mát dịu, tăng thêm phần lãng mạn cho đôi lứa đang yêu dạo bước, với hương thơm tỏa ngát từ hoa sứ được trồng quanh thư viện hoặc mùi hương nồng từ cây hoa sữa bên cạnh cái miếu.
Thật khó tìm được nơi nào vừa thơ mộng đầy màu xanh của hoa lá vừa cứng cỏi với các khối bê tông màu đỏ gạch cùng các block xưởng vuông vắn như nơi này.
Các băng ghế đá đặt bên ngoài các xưởng, khoảng sân trống trên nóc hội trường, ngay dưới mỗi gốc cây, thậm chí các bãi cỏ giữa sân bóng cũng có thể trở thành nơi hò hẹn cho các cặp đôi vào những đêm khuya vắng vẻ.
Nếu ai đó dạo bước quanh trường vào lúc khuya khoắt, đôi khi, có thể lờ mờ trông thấy vài cái đầu nhấp nhô lên xuống mà đến loài ma quái cũng phải thẹn thùng ngoảnh mặt quay đi. Chắc hẵn rằng, từ những nơi hò hẹn ấy mà nhiều cặp đôi đã đến với nhau. Vui vầy, hạnh phúc,…
Sân bóng lớn (trước tòa nhà trung tâm) hay sân bóng nhỏ (trước khu công nghệ cao) thường là nơi tụ họp vài nhóm bạn sau một mùa thi vất vả, mỗi khi đêm về, để nói lời từ biệt trước khi trở về chốn quê xa.
Có những lúc là buổi tiệc liên hoan nho nhỏ, cũng có khi nhậu nhẹt tưng bừng đến say mèm rũ rượi, nhịp bước liêu xiêu, giữa muôn ngàn âm thanh hỗn độn.
Vào lúc trời đã chuyển sang tối muộn, lác đác nơi này nơi khác, các chàng trai, các cô gái lại ngồi kề bên nhau cùng hát lên những khúc hát yêu thương trước giờ phút chia xa. Họ cố nắn phím so dây chiếc guitar cũ kỹ, bàn tay lả lướt dạo khắp cung đàn, rồi nhẹ buông tiếng đàn lả lơi trong đêm khuya thanh vắng.
Miên man theo nhịp phách bổng trầm, hòa quyện vào dòng giai điệu man mác nhớ nhung, sâu lắng mà nhẹ nhàng. Bản tình ca vang xa trong đêm của những năm xưa ấy vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của biết bao con người.
Lãng mạn là thế! Thơ mộng là thế! Vậy mà đã vài chục năm trôi qua. Thời gian cứ như áng mây phù du bỗng thoáng bay đi. Duy nhất còn lại trong mỗi con người là kỷ niệm êm đềm về một thời nhiều gian khó, một thời đã xa, thương nhớ đầy vơi…
Từ những năm 1990, số lượng sinh viên sư phạm kỹ thuật bắt đầu tăng lên mau chóng, nhịp sống về đêm trong khuôn viên ngôi trường cũng dần đổi khác. Các phòng học khu A không đủ đáp ứng nhu cầu tự học của sinh viên vào mỗi tối và thư viện bắt đầu thực hiện công việc này đến 21 giờ hàng đêm.
Thỉnh thoảng, sau khi thư viện đóng cửa và sinh viên bắt đầu ra về, người ta có thể nhận ra vài gã si tình lấp ló bên ngoài khung cửa sổ thư viện nhìn lơ đễnh loanh quanh như đang cố tìm kiếm một bóng hình nào đó hoặc đứng đợi mỏi mòn dưới hàng cây vú sữa dọc theo bên ngoài hành lang khu A.
Đã trải qua biết bao thời chiến tranh, những xác chết nằm rải rác ngang dọc đó đây. Rồi chính từ nơi ấy mọc lên trường sư phạm kỹ thuật nên những câu chuyện ma quái, có khi được thêu dệt lên nhiều sau mỗi lần kể lại, là một phần không thể thiếu trong đời sống sư phạm kỹ thuật.
Những bóng ma lang thang giữa những hàng cây cao vút hoặc xuất hiện ngay trong phòng học, vào giữa đêm khuya vắng lặng, tạo nên một nét quyến rũ độc đáo cho ngôi trường.
Những câu chuyện về thế giới tâm linh của ngôi trường từ hơn 50 năm qua được góp nhặt cẩn thận và truyền lại qua các thế hệ để tỏ lòng thành kính đối với cảnh giới từ thế giới bên kia. Có lẽ, chúng đã trở nên thân thiện với đời sống sinh viên sư phạm kỹ thuật mà không thể tìm thấy được ở bất kỳ nơi nào khác.
Tuy nhiên, thật sự mà nói, khung cảnh vắng lặng mang vẻ âm u huyền bí trong khuôn viên rộng lớn giữa đêm tối hắt hiu, với âm thanh ma quái từ loài cóc nhái kêu rên nghe như tiếng bước chân chậm rãi phía sau hoặc tiếng rì rào trong gió nhẹ từ những hàng cây thăm thẳm giống như ai đó đang trò chuyện ở phía trên cao cùng ánh sáng mờ ảo thoát ẩn thoát hiện khi xuyên qua khe lá từ các ngọn đèn xa xa chiếu tới trông như những bóng ma trắng xóa đang lởn vởn ngay trước mắt, khiến cho những ai bước dạo một mình đều cảm nhận cái rờn rợn chạy dài dọc theo sống lưng của mình.
Những chuyện kể về phòng học A101, cây phượng ngoài khu D hay những âm thanh không mong muốn trong các xưởng mỗi đêm,… luôn được kể lại không phải bằng sự tò mò mà là sự thành kính.
Tuy nhiên, tâm điểm của mọi câu chuyện chính là cái miếu nằm ngay vị trí đẹp nhất trong khuôn viên trường.
Cây hoa sữa (có khi gọi là cây săn đá hay cây săn máu) bên cạnh cái miếu có một ý nghĩa linh thiêng đặc biệt. Sau năm 1975, một phong trào đả phá tâm linh muốn phá bỏ cái cây. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thành công và những tai họa dần giáng xuống những ai chủ trương đốn hạ cái cây.
Đó là chuyện được kể lại và thực hư thì không biết thế nào. Dù thế nào đi nữa, đến ngày hôm nay, cây hoa sữa và cái miếu chính là một điểm nhấn vô cùng tuyệt đẹp trong kiến trúc của ngôi trường, mang lại sự thanh tịnh và an lạc cho tâm từ.
Vào những năm 2000, các dãy C và D được xây dựng lên, khu A và B được nâng tầng và khuôn viên nhà trường bỗng đổi thay.
Đến ngày hôm nay, ngôi trường đã đổi khác hoàn toàn một cách nhanh chóng so với vài chục năm trước. Những người bạn, sau 20 năm trở về thăm trường, đều cảm thấy bối rối vì không thể tìm lại được một thoáng hương xưa năm nào.
Có lẽ, họ cảm thấy cái nghẹt thở vì bị nêm chặt trong cảnh người chen lấy người, họ cảm thấy cái tù túng bởi những khối bê tông kiên cố cao hơn che mất tầm nhìn, vốn dĩ bao la của những ngày xa. Đành vậy! Đó là sự phát triển.
Tuy nhiên, một điều cao quý hơn tất cả là sự phát triển phải giữ được và tôn tạo những giá trị tinh thần, mang tính bản sắc và sự hài hòa, mà hiện nay người ta chưa thể thực hiện được.
Biết bao thế hệ con người đã đến và lần lượt vút qua, từ những ngày đầu tiên cho đến hôm nay, đều đã góp phần nâng tầm cao hơn cho sư phạm kỹ thuật. Từ các bậc thầy đã hơn nửa thế kỷ buồn vui cùng ngôi trường, cho đến những người bạn vội vã lướt đi đều để lại cho nơi này một thoáng kỷ niệm ngọt ngào, không bao giờ tàn phai.
Giờ đây, ngôi trường đã bề thế hơn rất nhiều với tòa nhà trung tâm nằm trên đỉnh ngọn đồi đã cao lại vút lên cao hơn như thách thức cả bầu trời. Những giá trị “vật thể” có thể đo đếm được như những con số tạo nên sự kiêu hãnh cho sư phạm kỹ thuật. Tuy nhiên, những giá trị “phi vật thể”, những giá trị tinh thần, dường như chưa được chăm chút một cách cẩn thận.
Dẫu sao, buổi chiều ngày 13/01/2017, John Kerry, ngoại trưởng Mỹ, đã chọn sư phạm kỹ thuật làm điểm dừng chân cuối cùng trước khi từ giã sự nghiệp chính trị của mình, thì chắc chắn rằng ngôi trường của chúng ta phải mang một giá trị đặc biệt nào đó trong mối bang giao Việt – Mỹ từ trong quá khứ đến cả tương lai…