Đan Tâm
(VNTB) – Nguồn chính của xung đột trong thế giới mới sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế mà còn có thêm vấn đề lạc hậu
Bài 21: Đặc tính của Thế Giới Toàn Cầu Hóa Mới hậu Covid-19
Thế giới toàn cầu hóa mới từ nay đang cố gắng tiến đến tạo dựng bầu không khí cảm thông, trong đó tương lai và hạnh phúc con người trên toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau, để các nước giàu sẵn lòng vui vẻ chia sớt và các nước nghèo bình tâm cố gắng hết sức, bắt kịp bước tiến chung. Khi xã hội phục sinh sau Covid-19, con người được nhân bản hóa nhiều hơn. Đông và Tây không đối kháng nhau và trở thành hai mặt của một nền văn minh mới.
Bỏ qua những tác hại thì thấy ngay chính Covid-19 là chất xúc tác và đẩy nhanh mọi chuyện lên cao trào có tính toàn cầu. Một đặc tính quan trọng của cao trào nầy là hệ thống năng lượng của thế kỷ 21 hứa hẹn sẽ tốt hơn thời đại dầu mỏ – tốt hơn cho sức khỏe con người, ổn định hơn về mặt chính trị và ít biến động hơn về kinh tế. Trung Cộng muốn làm cho sự thay đổi này có rủi ro lớn, mất trật tự và làm tăng thêm bất ổn chính trị và kinh tế tại các quốc gia dầu lửa và tập trung quyền kiểm soát chuỗi cung ứng xanh vào tay Trung Cộng.
Tuy nhiên TC không đủ sức kèm hãm trào lưu năng lượng sạch nầy. Một bức tranh về hệ thống năng lượng mới đang xuất hiện. Với hành động táo bạo, điện tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió có thể tăng từ 5% nguồn cung hiện nay lên 30% vào năm 2035 và gần 50% vào năm 2050.
Bảo vệ nhân quyền
Trung Quốc là nước phản đối “can thiệp vào công việc nội bộ” dữ dội nhất nhưng cũng là chính phủ sử dụng việc can thiệp nội bộ các nước khác dữ dằn nhất. Nhưng họ thực hiện không công khai, tinh vi và ném đá giấu tay. Những gì trốn tránh sự minh bạch đều dẫn đến sai trái, thậm chí là tội ác.
Thế giới toàn cầu hóa phải thừa nhận can dự/can thiệp từ nước này vào nước kia là cần thiết và xây dựng luật cùng với các thiết chế quốc tế cần thiết để đảm bảo sự can dự là công khai, minh bạch và đảm bảo tiêu chuẩn và giới hạn sự can thiệp chỉ dựa trên nền tảng của việc thăng tiến Nhân Quyền. Cơ chế xã hội khoa học đã nêu ra tiêu chuẩn và giới hạn không được vượt qua để bảo vệ và thúc đẩy Nhân Quyền, can dự gì cũng phải bảo đảm bình đẳng – thuộc tính quan trọng nhất của Nhân Quyền.
Hiến chương và Hội đồng bảo an LHQ cần phải thay đổi để đảm bảo cho những quyết định can dự hiệu quả như trên. Nếu LHQ cứ tiếp tục như hiện nay thì TC sẵn sàng phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào nhằm thúc đẩy, can dự để bảo vệ Nhân Quyền mà bất lợi cho TC. Trật tự mới của thế giới tới đây sẽ được xác lập dựa trên những cơ chế can dự mạnh mẽ. Cơ chế xã hội khoa học sẽ được áp dụng rộng rãi để can thiệp, giúp cho thế giới toàn cầu hóa mới vận động thuận quy luật.
Trong trật tự thế giới mới Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng mức độ sẽ giảm hơn trước nhiều, tạo cơ hội cho các quốc gia và các “liên minh từng nhóm quốc gia” – chẳng hạn như ASEAN – vươn lên đóng góp nhiều hơn và dẫn dắt xu thế phát triển ổn định của thế giới. Đây là điều mà nước Mỹ muốn và được thể hiện qua chính sách Mỹ từ hơn 3 năm qua và đây là sự thay đổi lành mạnh và hợp quy luật của nước Mỹ.
Vì người Mỹ rất rõ ràng và thẳng thắn, nên quốc tế xem đây là một cơ hội cho toàn cầu hóa mới kể từ đại dịch Covid-19. Chừng nào mà Mỹ vẫn còn là thành trì của dân chủ và QUYỀN CON NGƯỜI thì vẫn chưa có sự thay đổi vai trò dẫn dắt chủ đạo trên thế giới. Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của Nhân Quyền hơn bao giờ hết. Virus đã bùng phát được vì Nhân Quyền đã bị chà đạp, bị bịt miệng để phục vụ cho lợi ích nhỏ nhen của ĐCSTQ.
Chỉ một trục trặc trong bảo vệ Nhân Quyền như vậy cũng đủ để tấn công đến lợi ích của hàng tỷ người trên thế giới. Sẽ phải có đến hàng chục triệu người nhiễm bệnh và cả triệu người chết vì nó. Lợi ích kinh tế thì tổn hại ghê gớm, không thể đo đếm hết được. Thực ra lâu nay, từ lúc toàn cầu hóa cũ trở nên sâu rộng, những tác hại của sự xâm phạm Nhân Quyền xảy ra ở nước này lại tác động đến nước khác đã trở nên phổ biến. Nhưng ít người nhìn thấy được, và nó cũng dễ dàng bị lấp liếm bởi các chính phủ độc tài. Covid-19 đã giúp phơi bày vấn đề này một cách rõ ràng hơn.
Sẽ không chỉ là thiếu sót mà còn là sai lầm chiến lược khi chỉ nhìn đại dịch Covid-19 như một vấn đề y tế và tập trung mọi giá vào đó để chứng minh năng lực cầm quyền bất chấp cái giá xâm phạm nghiêm trọng Nhân Quyền. Virus tấn công vào tất cả các nước, các thể chế khác nhau và cũng chẳng vì bất cứ ý thức hệ nào. Nó giúp các quốc gia bị nạn dịch nhìn nhận những yếu kém thực tế đã bộc lộ để điều chỉnh hệ thống pháp lý và đạo lý để bảo vệ Nhân Quyền hiệu quả hơn.
Chẳng hạn những nơi nào con người tự do quá trớn thì cần có cách hạn chế bớt lại, cần có luật cho phép chính phủ thực hiện những giới hạn cần thiết trong tình trạng khẩn cấp đối phó với dịch bệnh. Cần nỗ lực tìm ra cách thức chống dịch để thế giới không bị hỗn loạn và tổn hại quá lớn như lần nầy.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo những cơ chế minh bạch thông tin toàn cầu và đặc biệt là làm sao bảo vệ được quyền ngôn luận cho từng cá nhân trên khắp thế giới không bị đe dọa, bịt miệng và trù dập khi nói ra sự thật. Covid-19 đã cho thấy tính cấp thiết của biện pháp phòng ngừa hiệu quả này. Lấy cớ “giữ ổn định, tránh gây hoang mang xã hội” mà lại tạo ra sự rối loạn và tang tóc như Covid-19 đang diễn ra tại TC là một tội ác chống nhân loại.
Xâm phạm nghiêm trọng Nhân Quyền hoặc cấm đoán tùy tiện không theo luật thì sẽ làm xói mòn niềm tin của con người vào luật pháp và sẽ nhận những hậu quả trái ngược với mong muốn. Chính quyền TC đã phải nhận ngay gáo nước lạnh từ những cáo buộc về giả dối ngay trong lúc họ ra sức tự ca ngợi năng lực y tế và lãnh đạo vượt trội của mình. Nhưng nguy hại hơn, nếu không tìm ra kịp vaccine thì những xã hội bị cách ly độc đoán như ở TC có thể sẽ lãnh những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu xảy ra làn sóng Sars-Cov-2 thứ hai, thứ ba, hoặc là 1 biến thể mới nào đó của virus Corona.
Tốc độ ứng biến để tiến hóa của virus bây giờ là nhanh khủng khiếp so với trước đây. Tốc độ nghiên cứu vaccine không thể chạy kịp chúng. Những xã hội bị cách ly độc đoán sẽ không có khả năng miễn nhiễm cộng đồng – một cách tiêm ngừa tự nhiên rất hiệu quả. Có khi vaccine cho Sars-Cov-2 vừa tìm ra thì nó đã biến thể, tiến hóa sang chủng mới rồi. Vào thời gian này của Covid-19 – giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại chính là cơ hội dành cho những ai hướng theo tiến trình toàn cầu hóa mới để tiến tới thượng tôn Nhân Quyền ngang bằng với nguyên lý “thượng tôn luật pháp” trong các xã hội dân chủ.
Những nhà độc tài chính trị của ĐCSTQ và ĐCSVN chưa ý thức rõ rệt tiến trình nầy, vì tiến trình nầy đang bước vào thời đại Nhân Quyền mà họ luôn luôn dị ứng. Đặc trưng “Nhân Quyền” của thời đại mới này ngày càng rõ nét. Sự kiện chấn động nhất thế giới ngay đầu năm CANH TÝ chính là Covid-19 – tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy thế giới dân chủ hơn dựa trên nền tảng thượng tôn Nhân Quyền.
Còn nguy cơ thì sẽ dành cho những nhà lãnh đạo quốc gia nào ráng lội ngược lại dòng chảy này để chống lại Nhân Quyền, với hậu quả đến mức có thể sụp đổ hoặc bị thế giới cô lập. Năng lượng nhân loại của dòng chảy nầy thúc đẩy chính sách thượng tôn Nhân Quyền không chỉ thông qua lý cớ Covid-19, mà còn có lý cớ chuyển biến tâm lý toàn cầu. Trung Cộng càng hung hăng thì sẽ càng tạo tâm lý chính trị chính nghĩa cho Mỹ và thế giới hòa bình triển khai quân lực kiềm chế TC.
Tâm lý chính trị chính nghĩa
Lợi dụng Covid-19 TC rầm rộ triển khai quân lực ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, nhất là thấy cơ hội tàu sân bay USS Theodore Rosevelt phải neo tại Guam để xử lý dịch Covid-19. Nhưng họ không ngờ Mỹ lại có thể linh hoạt và nhanh chóng triển khai hàng loạt máy bay, tàu chiến, tàu ngầm khác hoàn toàn lấn lướt tiềm lực của TC.
Từ nay đến cuối năm Mỹ sẽ còn triển khai quân lực ghê gớm hơn nữa, theo kiểu “không cần xài tới”, để làm lệch hẳn cán cân quân sự về phía Mỹ và đồng minh. Nhật, Úc, Ấn (Tứ giác an ninh cùng với Mỹ); Anh, Pháp, Úc và Indonesia đều sẽ phối hợp với Mỹ gia tăng quân lực. Thêm một thất bại trước thách thức của Mỹ ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan nữa thì biến động chính trị ghê gớm có thể xảy ra ở TC.
Cuối những năm 1980s ít ai ngờ được biến động chính trị long trời lở đất lại xảy ra ở Liên Xô vào đầu thập niên 1990s. Thúc đẩy chạy đua vũ trang để gia tăng sức mạnh cho mình đồng thời làm suy yếu và sụp đổ đối thủ là một chuyên môn mà chỉ có Mỹ làm được. Cách này vừa giúp duy trì hòa bình thế giới vừa làm lợi cho tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Mỹ. Vì vậy mà dù bất cứ TT Mỹ nào cũng sẽ tiếp tục đường lối như vậy với TC.
Không chỉ với TC, cả ASEAN và những quốc gia thuộc khối này cũng sẽ phải thay đổi trước cơn sóng thần dòng chảy Nhân Quyền của giai đoạn toàn cầu hóa mới nầy. Không chỉ bởi sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị của Mỹ đổ vào khu vực này mà sẽ còn những nguồn năng lượng khác của dòng chảy bất ngờ ập đến. Châu Á TBD là hướng chảy chính của dòng chảy và ASEAN lại là trung tâm chính mà dòng chảy đó đổ vào.
Điều kỳ lạ là dòng chảy sẽ không đổ vào chỗ có tự do mà nhắm thẳng vào chỗ thiếu tự do mà Hồng Kông, Thái Lan, Belarus đang là những dấu hiệu khởi đầu. Dòng chảy nầy sẽ là chuyện “bất ngờ ghê gớm nhất còn đang ở phía trước”. Nhưng có lẽ nhìn vào thực tế, những gì đang được che đậy bên ngoài chắc nhiều người không khỏi lo lắng, nhưng sau bức màn đen tối là ánh sáng. Cuộc chuyển mình vĩ đại bứt phá từ trong bóng tối, vào những giờ phút đen tối nhất. Năng lực nắm bắt sự thật của người Việt cũng đã mạnh lên rồi, dù ĐCSVN muốn điều ngược lại. Dân trí đã thay đổi thì thượng tầng ắt đổi, không thì sẽ bị lật nhào.
Đứng trước giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại hiện nay, để tiến tới kỷ nguyên toàn cầu hóa mới, cả thế giới cũng cần được khai dân trí mới. Con người cần được hiểu về bản chất và sự vận hành trong thời đại Nhân Quyền mới như thế nào, hành xử của mình ảnh hưởng đến chính mình và người khác ra sao, đạo lý gì, pháp lý gì là cần thiết để tự do và quyền của mình không tác động xấu đến mình và người khác, tương tự như hành xử về môi sinh trên tầm vóc vĩ mô.
Cơ chế xã hội khoa học vận hành như thế nào trong thời đại nầy cũng phải được quảng bá rộng rãi trên toàn cầu để khai dân trí. Ngay cả Mỹ cũng cần dấy lên những phong trào khai dân trí như vậy. Nước Mỹ trước 2020 mất quá nhiều thời gian công sức cho những tranh cãi ý thức hệ giữa Thuyết tiến hóa (đảng Dân chủ đại diện) và Thuyết kiến trúc (đảng Cộng hòa đại diện) không ích lợi gì nhiều cho nhân loại.
Nhưng hiện nay đang có một xu hướng thứ ba hình thành sẽ thống nhất được cả hai xu hướng (hai Thuyết nói trên) để tạo ra một tầm nhìn chung cho một giai đoạn mới sắp đến. Đó là khi con người được khai mở để nhận thức được những mối tương quan sâu xa giữa vũ trụ và loài người – thời tiết và khí hậu là một ví dụ đơn giản nhất.
Biến đổi khí hậu
Thêm một ví dụ nữa là hôm 03/09/2020, quan chức ngoại giao cấp cao Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell nói TC đã “thao túng” dòng chảy sông Mekong 25 năm và gọi đây là thách thức ngay trước mắt cho ASEAN.
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức hôm 03/09/2020, ông David Stilwell nói vấn đề dòng nước là một trong những “xu hướng đáng lo ngại” ở khu vực sông Mekong: “Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính họ với cái giá phải trả rất lớn“, Stilwell nói, đồng thời dẫn báo cáo gần đây “ghi lại rằng Trung Quốc đã thao túng dòng nước dọc sông Mekong trong 25 năm, với sự gián đoạn lớn nhất về dòng chảy tự nhiên trùng với quá trình xây dựng và vận hành đập lớn”.
Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cuộc khủng hoảng đã “tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực và lượng nước trong toàn khu vực“. Hơn nữa, theo GS Paul Beckwith tiểu bang California của Mỹ có thể bị nhấn chìm do các cơn đại hồng thủy xảy ra bởi hiện tượng “Dòng sông Khí quyển” (Atmospheric Rivers). Cụ thể, “hiện tượng này đã từng xảy ra vào tháng 11/1861, khi trời bắt đầu mưa xối xả (torrential rain) trong vòng 45 ngày, nước dâng ngập tràn Central Valley, nhấn chìm các thành phố – ví dụ như Sacramento – dưới 4 – 6 mét nước lũ”.
Quốc gia nào không chú trọng giáo dục khai dân trí về Nhân Quyền phù hợp với dòng chảy thời đại mới kể từ 2020 thì sẽ đánh mất cơ hội, không có được lợi thế trong cuộc tranh đua tiến bộ toàn cầu sắp tới. Xu hướng thương mại toàn cầu cũng sẽ thay đổi nhiều trong vòng năm sáu năm tới.
Chuỗi cung ứng toàn cầu
Chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh sản xuất sẽ không còn là đột phá chiến lược để một quốc gia có thể tấn công bứt phá các quốc gia khác. Chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu sẽ là đa phương hóa cấp toàn cầu và địa phương hóa ở cấp vùng. Kể từ tháng Tư/2020, chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu toàn cầu đang tự thoát ra khỏi tình trạng độc cực khi nền sản xuất hàng hóa thiết yếu đang dịch chuyển ra khỏi TC để đến các nơi phát triển bền vững hơn.
Chỉ vài năm sau 2020, chuỗi sản xuất toàn cầu sẽ bắt đầu cân bằng hơn và ổn định. Hơn 3 năm qua, thương mại toàn cầu bị dao động dữ dội và được cho là do Mỹ châm ngòi. Nhưng thực ra thì chính phủ Mỹ chỉ là người thực hiện, sử dụng sức mạnh khổng lồ của dòng chảy thời đại thông qua các thiết chế dựa trên Nhân Quyền của nhà nước Mỹ để thúc đẩy thương mại quốc tế đi đến một trạng thái mới phù hợp với thời đại toàn cầu hóa mới.
Sau những bỡ ngỡ nhân loại sẽ nhận ra và tuôn theo dòng thương mại mới của giai đoạn toàn cầu hóa mới nầy. Nó sẽ rất mới nên bây giờ hầu hết đều chưa nhìn thấy sự định hình của nó. Quốc gia nào hiểu được quy luật để nắm bắt được nó trước nhiều nước, rồi đi trước để mở đường đón dòng thương mại mới này thì quốc gia đó vượt lên tới mức ổn định và thịnh vượng, thay vì bấp bênh trong thể chế độc tài toàn trị như TC hay CSVN.
Xã hội ổn định nhờ vào sự hài hòa của các thể chế chính trị và thể chế kinh tế mà chính trị là quyết định. Trung Cộng tốn rất nhiều công sức để đảm bảo kinh tế, xã hội không đi chệch hướng khỏi ý muốn của lãnh đạo. Nhưng tới đây sẽ thấy nỗ lực của họ vô vọng thế nào. Dòng thương mại mới sẽ đẩy nền kinh tế của họ đi xa khỏi định hướng chủ quan của họ, không chỉ là việc các chuỗi sản xuất bị rút ra khỏi TC mà còn là sự đòi hỏi của dòng chảy thời đại buộc thương mại phải dung hợp và công bằng hơn.
Vì vậy mà những can thiệp định hướng bằng các quyết định chính trị độc đoán sẽ giảm dần sức mạnh, tiến tới bị loại bỏ. Sức kiềm chế xã hội theo một định hướng nào đó vì vậy sẽ bị phản tác dụng.
Thế giới đang thay đổi ngay từ nạn dịch Covid-19 và tới đây sẽ còn thay đổi mạnh hơn. Những khuôn mẫu cũ của giai đoạn toàn cầu hóa cũ sẽ không còn và nếu cố níu kéo chúng thì sẽ không đủ sức để theo kịp trào lưu hiện đại. Trào lưu hiện đại nầy đang tiến nhanh nhờ tốc độ Internet.
Đó là trào lưu mềm và là dòng chảy của các dòng tư tưởng đặc căn bản trên trách nhiệm hổ tương giữa quốc gia với quốc gia theo kết quả vận động tự do của con người dựa trên sự tôn trọng Nhân Quyền. Dùng nguồn lực nhà nước để đảm bảo định hướng thì không chỉ thất bại mà còn đẩy quốc gia vào sụp đổ. Các nguồn lực đó chỉ nên dùng cho giáo dục khai dân trí để người dân hiểu được nền toàn cầu hóa mới, hiểu được dòng chảy thời đại dẫn đến chuẩn mực Nhân Quyền cao cấp và cơ chế xã hội khoa học vận hành bởi Nhân Quyền ra sao.
Nhân loại sẽ hiểu rõ hơn QUYỀN của mình là gì và phải tôn trọng QUYỀN của người khác như thế nào, thế giới đang ở đâu và sẽ đi về đâu, các giá trị nào là cần thiết để cá nhân và dân tộc vươn lên trên thế giới, các giá trị nào là cần giữ để khẳng định bản sắc dân tộc và giao hòa với thế giới. Từ trên nền tảng Nhân Quyền như vậy, sự vận động tự do của người dân sẽ xác lập xu hướng phát triển. Xu hướng đó không chỉ hợp lòng dân mà còn thuận quy luật – thuận dòng chảy. Vì vậy mà dân tộc phát triển bền vững, rồi dần vươn lên góp phần phát triển thế giới.
Trật tự thế giới mới
Trật tự thế giới mới tới đây sẽ nhiều cực hơn. Nếu thượng tôn Nhân Quyền, thuận dòng chảy thì sẽ nhanh chóng vươn lên và trở thành một trục của vùng Đông Nam Á, vì dòng chảy thời đại đang chảy từ Tây sang Đông. Hoa Kỳ xoay trục về ĐNA là một sự kiện rõ rệt của dòng chảy nầy. Rất nhiều các giá trị giao thoa văn hóa Đông – Tây sẽ được xác lập. Nếu là một trục của ĐNA, VN sẽ có nhiều cơ hội để lan tỏa, giao thoa giá trị tốt đẹp của mình ra thế giới cũng như để đào thải những giá trị đã lỗi thời như XHCN. Qua Covid-19 vừa rồi, thế giới cũng thấy được rõ hơn những giá trị văn hóa phương Đông thể hiện ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật giúp ứng phó tốt hơn với dịch bệnh so với văn hóa phương Tây.
Sẽ có nhiều văn hóa khác từ phương Đông sẽ nổi bật lên trong thời đại mới toàn cầu hóa mới, bao gồm nhiều văn hóa của Trung Hoa – không phải TC. Nhưng chắc chắn những cái đó không bao gồm độc tài, giả dối hay cái hệ thống giám sát và chấm điểm tín nhiệm người dân của TC. Chấm điểm tín nhiệm người dân như TC đang làm là một con quái vật tạo nên định chuẩn đạo đức quốc gia, khống chế cả một dân tộc trong những khuôn mẫu chẳng khác gì các nhà tù khổng lồ.
Nước Anh sẽ trở thành một cực quan trọng trong trật tự thế giới toàn cầu hóa mới. Nhiều người cho rằng Brexit là một minh chứng cho sự thất bại của toàn cầu hóa cũ. Nó chỉ cho thấy những trục trặc trong vận hành toàn cầu hóa mà người ta phải giải quyết. Người Anh chọn cách giải quyết bằng ra đi. Đó là một quyết định dựa trên Nhân Quyền nên đúng cách và sẽ đưa nước Anh lên một tầm mức mới.
Đây cũng là một minh chứng cho quy luật hòa bình và giá trị của thượng tôn Nhân Quyền đối với hòa bình. Nếu còn ở vào nửa đầu của thế kỷ XX, những mâu thuẫn giữa Anh và các nước Châu Âu trong sự kiện Brexit thì chúng sẽ dẫn đến chiến tranh đẫm máu như cách mà Châu Âu vẫn dùng trước khi Thế chiến II kết thúc.
Hiện giờ người Anh đang thúc đẩy toàn cầu hóa mới còn mạnh hơn khi vẫn còn nằm trong EU. Họ đang muốn tham gia vào kinh tế sâu rộng hơn với Đông Á, và cũng đang can dự quân sự cùng Mỹ vào Biển Đông. Mọi người sẽ thấy tới đây Anh sẽ tăng cường vai trò chính trị như thế nào ở khu vực này. Châu Âu sẽ có 2 cực: EU và Anh, đều là những sức mạnh thúc đẩy Nhân Quyền.
Thế giới sẽ dân chủ thêm một mức nữa, mạnh hơn nhiều sau chuyển đổi bản lề thời đại trong vài năm tới. Chắc chắn như vậy, nhưng mức độ tới đâu là tùy thuộc vào mức độ hành động của các nước đã phát triển và những công dân của thế giới toàn cầu hóa mới nầy.
Con người sẽ bớt đi một ít sự quan tâm của mình dành cho giải trí thể thao, nghệ thuật để quan tâm hơn đến y bác sĩ, những người làm y tế, giáo dục, Nhân Quyền, bớt đi những hành động thường ngày làm tác hại đến môi trường sống, làm biến đổi khí hậu và gây dịch bệnh, quan tâm nhiều hơn việc bảo vệ sự thật và đời sống tinh thần.
Trong trật tự thế giới mới (về toàn cầu hóa mới kể từ 2020) do Mỹ lãnh đạo để tấn công toàn diện vào ĐCSTQ tương quan lực lượng rất cụ thể như sau:
– Hoa Kỳ, Anh, Âu Châu, Canada, Úc, Ấn, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Tân Tây Lan và Do Thái đang liên kết trong tinh thần đồng minh chiến lược toàn diện.
– TQ, Bắc Hàn, Cuba, Lào, Campuchia là liên minh duy nhất của ĐCSTQ. –
– Các quốc gia còn lại không đứng về phe nào và cũng không đáng kể.
– Đặc biệt là cộng sản VN đang giữ vai trò đu dây hình thức giữa Mỹ và ĐCSTQ, nhưng nội dung cốt lõi lại là tình đồng chí anh em 4 tốt 16 chữ vàng gắn bó với ĐCSTQ .
Theo S. P. Huntington trong sách “The Clash of Civilisations” thì chính trị thế giới đang bước vào một giai đoạn mới. Sự cáo chung của lịch sử độc tài tòan trị là hiện thực đang hình thành. Theo ông, nguồn chính của xung đột trong thế giới mới sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế mà còn có thêm vấn đề lạc hậu. “Tình huống do chủ nghĩa tư bản toàn cầu đem lại giúp giải thích một vài hiện tượng vốn đã trở nên rõ ràng trong hai hoặc ba thập kỷ vừa qua, đặc biệt là từ những năm 1980”.
Sự di chuyển trên phạm vi toàn cầu của các dân tộc (và do đó, các nền văn hoá), sự suy yếu của các đường biên giới (giữa các xã hội cũng như giữa các phạm trù xã hội), sự gia tăng bất bình đảng trong lòng các xã hội và những bất đồng cục bộ, sự phân cực và sự đồng nhất hoá diễn ra đồng thời ở trong lòng các xã hội, sự xuyên thấm lẫn nhau của cái toàn cầu và cái địa phương, sự rối loạn của một thế giới được hình dung theo cái trật tự ba thế giới hoặc theo các tiêu chí quốc gia hay dân tộc, chính là những điểm đặc thù của nền toàn cầu hóa cũ.
Một số các hiện tượng đó cũng đã góp phần tạo ra một sự ló dạng của quá trình bình đẳng hoá các khác biệt cũng như tiến trình dân chủ hoá trong lòng và xuyên qua các xã hội.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả