Đan Tâm
(VNTB) – Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội 13 trong tình trạng không khác bao nhiêu Đảng cộng sản Liên Xô trước ngày 19/8/1991.
Bài 23: ĐCSVN tồn vong ra sao trong thế giới toàn cầu hóa mới
Liên Xô đã thành công trong việc tổ chức sự tan rã Mác-Lê trong hòa bình. Nobel Hòa Bình (1990) cho Gorbachev là xứng đáng. Trung Quốc hiện nay có nhiều khả năng là không làm được như vậy. Họ sẽ tan rã trong đổ vỡ và hỗn loạn, Hồng Kông là một ví dụ.
Tầm nhìn hạn chế
Ban lãnh đạo ĐCSVN hiện nay chỉ có những con người quá nhỏ bé về tư tưởng chính trị và tầm nhìn cho nên không phù hợp với những đòi hỏi cấp bách của thời cuộc và họ cũng không có giải pháp riêng cho chính họ.
Muốn hay không thì lực lượng dân chủ và cấp tiến trong đảng nầy cũng phải đứng dậy để nhận lãnh trách nhiệm của mình. Lực lượng này phải có quyết tâm và đội ngũ để tạo ra sự thay đổi. Muốn có dân chủ thật sự cho Việt Nam thì lực lượng dân chủ trong đảng nầy phải đối thoại với các tổ chức đối lập dân chủ nhằm hình thành một liên minh dân chủ hùng mạnh để áp đặt sự thay đổi. Chỉ có một liên minh như vậy mới đoàn kết được mọi thành phần trong xã hội Việt Nam.
Tinh thần bao dung, hòa giải và hòa hợp toàn dân của liên minh dân chủ sẽ tạo ra được một xã hội thanh bình để mọi người Việt Nam có thể tiếp tục chung sống với nhau trong nhân ái. Một cuộc cách mạng diễn ra trong trật tự như đề nghị của tài liệu “Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho đảng” là cần thiết để đất nước không đổ vỡ và đây cũng là điều kiện cần để xây dựng một thể chế dân chủ cho Việt Nam.
Những đảng viên cấp tiến trong đảng nên ủng hộ cho “giải pháp cứu nguy” nói trên vì đó cũng là giải pháp duy nhất cứu nguy cho chính mình và giúp đảng cộng sản hạ cánh an toàn. Nếu lực lượng cấp tiến trong ĐCSVN không đứng lên thì ĐCSVN không còn một cơ hội nào để hạ cánh an toàn, mà còn phải đối diện với mối nguy tan rã trong hỗn loạn.
Chuyển đổi về phía dân chủ
Chuyển đổi về phía dân chủ là lối thoát duy nhất cho ĐCSVN. Ban lãnh đạo đảng nầy hiện nay không có ý định lẫn khả năng đó. Chỉ một kết hợp của những đảng viên thật sự có bản lĩnh và viễn kiến mới có thể thay đổi tình thế. Ban lãnh đạo ĐCSVN không thể thay đổi và lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào vì họ không còn đồng thuận để làm bất cứ việc gì.
Thế giới đã thất vọng khi Việt Nam “kiên quyết giữ vững chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa”. Việt Nam không thể nào hòa cùng dòng chảy của thời đại. Một trật tự dân chủ mới đã hình thành với sự ly dị dứt khoát giữa các nước dân chủ và độc tài.
Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và vươn lên nếu có dân chủ. Chỉ có một Việt Nam dân chủ mới có thể làm bạn với các nước dân chủ và hội nhập được với thế giới mới sau đại dịch Covid-19.
Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) không muốn và cũng không có khả năng dân chủ hóa đất nước. Chế độ này phải thay đổi để đất nước có tương lai. Chỉ có một kết hợp mới, một lực lượng chính trị mới với một giải pháp mới mới có thể cứu nguy cho đất nước.
Chế độ cộng sản, một mô thức cầm quyền cải tiến của chế độ phong kiến dựa trên tư tưởng Khổng giáo đang tiến dần đến hồi kết theo đúng qui luật “thịnh – suy” trong lịch sử, sẽ quyết định số phận và tương lai của ĐCSVN.
Ổn định chính trị
Sự ruỗng nát của ĐCSVN đã quá lớn đến mức những tiểu tiết cũng trở thành rõ ràng và cụ thể. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ điều đó: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.
Đàn áp và bắt bớ khởi tố trước đại hội 13 đang gia tăng đối với đảng viên ĐCSVN cũng như các bloggers XHDS và dân oan. Đáng chú ý là tin Bộ Công an muốn tăng cường bộ máy đàn áp bằng việc nâng cấp lên chính qui 750.000 dân phòng, bảo vệ tổ dân phố, công an xã…thành “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở”.
Như vậy, cộng với hơn 1,2 triệu công an chính qui, Việt Nam có khoảng 2 triệu công an trên 95 triệu dân, tức 47 người dân/1 công an. Một tỉ lệ quá lớn so với thế giới và cũng quá lớn so với một nước đang phát triển như VN.
Tỷ lệ đảng viên và người dân tại Việt Nam là 1/25. Khi số lượng đảng viên và công an quá đông sẽ làm suy yếu đảng cộng sản thay vì làm cho nó mạnh lên. Số đông này sẽ biến đảng cộng sản thành một đám ô hợp. Nhiều đảng viên không biết gì về chính trị nhưng lại đòi hỏi nhiều đặc quyền, đặc lợi nhân danh cái mác đảng viên đảng cộng sản.
Nhiều tội phạm nghiêm trọng là đảng viên khiến hình ảnh ĐCSVN ngày càng hoen ố. Đám kiêu binh này ngày càng lộng hành và ĐCSVN đã, đang và sẽ lúng túng trong việc xử lý. Chiều chuộng quá cũng không được mà mạnh tay quá cũng không xong.
Việc thượng tá, chủ nhiệm bộ môn chủ nghĩa xã hội khoa học trường Sĩ quan Công binh Bùi Tiến Lợi bị xóa đảng tịch, đuổi ra khỏi lực lượng Dư luận viên 47 sau khi “có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước”, là một ví dụ.
“Đội quân” bất mãn trong nội bộ đảng sẽ ngày càng gia tăng vì chính bản chất hung ác và khủng bố của ĐCSVN đối với chính đảng viên cộng sản. Chế độ bất công tạo ra nhiều người bất mãn, người hài lòng với ĐCSVN rất ít, ngay cả trong giới lãnh đạo cao cấp.
Một ví dụ là “tình đồng chí” giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong hồi ký “Làm người là khó” của Đoàn Duy Thành. Theo lời ông Thành thì trước lúc chết 4-5 tháng Lê Duẩn từng đuổi Lê Đức Thọ ra khỏi nhà vì thế sau khi chết các con cháu Lê Duẩn đều lo sợ cả nhà bị giết. Rất may là điều đó đã không xảy ra.
Mối quan hệ giữa cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đương kim Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì giống như kẻ thù hơn là “đồng chí”. Không nhất thiết phải ở trong nội bộ ĐCSVN thì mới có thể biết rằng Đảng nầy đang rất phân hóa và chia rẽ.
Một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và đồng thuận với nhau khi cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Đảng cộng sản không còn cả hai thứ đó cho nên đội quân khổng lồ của họ chỉ có thể xác và số lượng chứ không có tâm hồn và trí tuệ. Do đó ĐCSVN sẽ phân hóa thành 3 khuynh hướng:
1. Nhóm bỏ cuộc và bỏ chạy. Nhóm này đông nhất và cách bỏ cuộc của họ dễ thấy nhất là gom góp tiền bạc và chạy ra nước ngoài. Nhiều đại biểu quốc hội và quan chức cao cấp có hộ chiếu nước ngoài. Họ đã gửi con cái và tài sản sang các nước tư bản và sẵn sàng ra đi khi có biến. Nhóm này không còn quan tâm đến đất nước, họ không ủng hộ hay chống đối chế độ lẫn phong trào dân chủ. Họ chỉ làm “mất máu” cho Đảng cộng sản và đất nước khi đem tiền của vơ vét và tham nhũng ra nước ngoài.
2. Nhóm tranh luận và đòi thay đổi.Đây là nhóm các đảng viên trung cấp trong đảng. Nhóm này chưa đông nhưng sẽ là mạnh nhất và có khả năng tạo ra thay đổi nhất vì họ có hiểu biết, quyết tâm và ý chí. Đại diện cho nhóm này là những người tham gia viết tài liệu “Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho Đảng” (http://www.boxitvn.net/2020/06/23/nguy-co-va-giai-phap-cuu-nguy-cho-dang/).
Nhóm nầy chỉ là thành phần trung cấp trong đảng vì giới lãnh đạo chóp bu không thể phát biểu như vậy. Nếu ông Trọng hay ông Phúc mà phát biểu như vậy thì Đảng cộng sản sẽ tan ngay lập tức. Đảng cộng sản càng phân hóa và rã rượi thì nhóm này càng mạnh lên và có tiếng nói. Có lẻ nhiều đảng viên ĐCSVN đã hiểu rằng chỉ có một lối thoát duy nhất là “chuyển đổi dứt khoát về dân chủ” mới có thể cứu được họ.
Trung Cộng đang khủng hoảng và không còn là chỗ dựa cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Việt Nam có muốn đu dây cũng không được vì cuộc ly dị giữa Trung Cộng và các nước dân chủ là dứt khoát và không thể đảo ngược.
Cuộc ly dị này không chỉ mỗi Mỹ và các nước dân chủ mong muốn mà ngay cả khối ASEAN cũng mong đợi. Dù vậy chuyện “thoát Trung” cũng khiến nội bộ ĐCSVN chia rẽ và phân hóa nặng nề. Muốn “theo Mỹ” thì Việt Nam phải bơi qua con sông ngăn cách giữa hai thể chế chính trị độc tài và dân chủ. ĐCSVN sẽ chết đuối vì không biết bơi.
3. Nhóm bảo thủ. Đây là những người trung thành với chế độ đến cùng đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng. Nhóm này không đông nhưng là nhóm “cầm lái”, là những người có nhiều quyền lợi và chức vụ gắn bó với sự tồn vong của ĐCSVN. Sở dĩ ĐCSVN không thể cải tổ vì vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhối cho ban lãnh đạo cộng sản hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế biện minh cho sự ổn định chính trị
Tình hình kinh tế của Việt Nam thời hậu Covid-19 sẽ rất khó khăn vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu nên mọi kế hoạch có thể bị ảnh hưởng do các tác động từ bên ngoài. Muốn cứu nguy nền kinh tế và dọn đường để thu hút các công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc thì chính quyền Cộng Sản Việt Nam phải tiến hành cải cách rất mạnh tay như xóa bỏ độc quyền các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt như hàng không, điện lực, xăng dầu, giao thông (xóa bỏ toàn bộ các trạm BOT trên quốc lộ 1A).
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đứng trước một tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Họ đã có mong muốn lựa chọn ‘thoát Trung’ nhưng họ lại không dứt khoát với việc lựa chọn mô hình tổ chức xã hội dân chủ để đi theo. Lịch sử ghi nhận việc họ từng hạ mình khúm núm với TC sau khi Liên Xô sụp đổ.
Lịch sử cũng ghi nhận rằng năng lực và nhận thức của họ cũng chỉ luôn đi theo mô hình chuyên chế dù họ có thay đổi quan thầy và chính sách. Có thể hình dung được ý định hiện nay của họ là dù ‘thoát Trung’ bằng cách giảm thiểu bị chi phối quyền lực từ Bắc Kinh nhưng ý thức hệ độc tài thì không thay đổi.
Đảng cộng sản Việt Nam nhìn về mô hình Trung Quốc thời kỳ Đặng Tiểu Bình và đang cố học theo cung cách “Thịnh vượng đảm bảo cho tính chính danh của Đảng và bạo lực là công cụ duy trì chế độ khi cần”. Có thể Nga là một mô hình được ĐCSVN tính đến việc ‘lựa chọn’ vì đảm bảo được sự hòa nhập với Phương Tây mà vẫn duy trì được chế độ độc tài dựa trên chế độ tổng thống.
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố gắng giữ nguyên hiện trạng với một thỏa ước ngầm giản dị: “Tăng trưởng kinh tế biện minh cho sự ổn định chính trị”. Nhưng Covid-19 như một cơn lốc, cuốn bay đi thoả ước đó, Việt Nam đang từ một nước chuẩn bị đón nhận những nguồn đầu tư dồi dào từ Phương Tây – sau khi Trung Cộng bị cô lập về mặt kinh tế – bỗng chốc hoá trơ trọi.
Covid-19 khiến các quốc gia phát triển phải lo tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh trong nội bộ trước nên chưa thể triển khai các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Đây là một tình thế hiểm nghèo cho sự tồn vong của chế độ vì nó làm phá sản ‘thỏa ước’ giữa ĐCSVN và người dân Việt Nam. Kinh tế gặp khó, xây dựng và chỉnh đốn Đảng thất bại. Kết cục của ĐCSVN tất yếu là phân hóa và tan rã và sẽ kết thúc sự tồn tại vì không còn lý tưởng.
Liên Xô – Bài học Lịch sử từ Gorbachev
Bài học lịch sử vẫn còn đó: Đất nước VN đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh và thay đổi các triều đại bằng bạo lực và chết chóc. Vì vậy, cần kết thúc vĩnh viễn lịch sử đau thương đó bằng cách mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước: Kỷ nguyên của hòa bình, tự do, dân chủ, bao dung và liên đới trong tình anh em tìm lại với nhau.
Vào thời điểm 1991 Liên Xô đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ. Người dân đã chán ghét chế độ và muốn thay đổi, đảng cộng sản đã mất lý tưởng và phân rã nghiêm trọng, người dân không chỉ muốn thay đổi chế độ mà còn biết mình muốn gì, nghĩa là một chế độ dân chủ.
Gorbachev và các lãnh tụ Liên Xô lúc đó tin rằng Đảng cộng sản Liên Xô có thể dần dần thay đổi để thích nghi với tình huống mới mà vẫn giữ được chính quyền. Nhưng họ đã lầm to. Một chế độ không còn lý do tồn tại thì trước sau cũng phải sụp đổ dù có hay không có một giải pháp thay thế. Và đó là điều sau cùng đã xảy ra cho Liên Xô vào ngày 19/8/1991.
Gorbachev, có lẽ vì được tâng bốc và quá tự tin, đã không nhìn thấy những dấu hiệu thực ra khá rõ ràng của một sự sụp đổ đã gần kề như sau:
1. Ý thức hệ Mác-Lênin đã sụp đổ và trở thành trò đùa dân gian, đảng cầm quyền không còn một lý tưởng chung nào làm chất keo gắn bó các đảng viên với nhau nữa nên nhanh chóng trở thành một đảng cướp.
2. Tham nhũng đã tràn ngập bộ máy chính quyền và những đợt thanh trừng chống tham nhũng chỉ gây hận thù nội bộ chứ không làm sạch được một bộ máy chính quyền đã quá ung thối.
3. Pháp luật trở thành bất lực, hung bạo và tùy tiện như trong mọi chế độ sắp sụp đổ. Những người bị bỏ tù về tội tham nhũng cũng không tham nhũng hơn những người bỏ tù họ; họ chỉ không may thuộc phe thua.
4. Sau cùng đảng cầm quyền đã phải tập trung quyền lực về một người vì không còn khả năng để đi đến đồng thuận trong một quyết định chung nào cả. Độc tài đảng trị nhường chỗ cho độc tài cá nhân.
Tuy vậy, Gorbachev đã để lại một câu nói quan trọng đã trở thành quy luật chính trị học: “chế độ cộng sản chỉ có thế xóa bỏ chứ không thể cải tổ”. Câu nói này cũng được Boris Yeltsin, đồng chí trở thành đối thủ của ông, tán thành.
Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội 13 trong tình trạng không khác bao nhiêu Đảng cộng sản Liên Xô trước ngày 19/8/1991. Cả bốn dấu hiệu sụp đổ của Liên Xô nói trên đều hiện thực rõ ràng cho nhà nước và đảng CSVN vào năm 2020 nầy.
Điều khác biệt là Việt Nam không có được một con người đầy uy tín và có sức thuyết phục như Gorbachev. Đảng Cộng Sản Việt Nam có biết rút ra bài học đúng từ Liên Xô không ? Có xác xuất lớn là không. Không phải ai cũng rút ra được những bài học lịch sử. Cho đến nay các lãnh đạo ĐCSVN chỉ biết rút ra những kết luận thiển cận và sai lầm từ những biến cố lớn.
Họ đang bị bắt buộc phải tách rời khỏi ảnh hưởng TC và đứng hẳn về phía các nước dân chủ với hậu quả tất nhiên là phải dân chủ hóa càng nhanh càng tốt, chậm ngày nào nguy ngày đó. Tuy vậy họ vẫn tìm mọi cách để bóp nghẹt mọi tiếng nói dân chủ mà không hiểu rằng bài học lớn nhất từ Liên Xô là không thể có chuyển hóa thành công nếu không theo con đường dân chủ.
Đảng CSVN đang cầm quyền không còn tư tưởng chính trị làm hạt nhân gắn kết nên chế độ cầm quyền vá víu không theo một mô thức chính thức nào hết. Quân đội và công an rã rời lo vun quén & tham nhũng, toàn dân thờ ơ lo đời sống riêng tư trong một xã hội rã rời. Mác-lê là hư cấu đã bộc lộ rõ và định hướng XHCN là một ảo tưởng phi khoa học.
Theo định nghĩa của Hegel, lịch sử kết thúc khi con người hiểu biết hoàn hảo về bản thân và khả năng làm chủ bản thân, khi cuộc sống hợp lý và minh bạch. Hợp lý và minh bạch là giá trị của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), và là hai yếu tố không thể thiếu của thị trường tự do và thể chế dân chủ. Hai yếu tố đó giúp người dân hiểu cách xã hội hoạt động và cho phép họ đưa ra những lựa chọn hợp lý.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả