Thạch Hãn
(VNTB) – Trai tráng “đi xuất khẩu lao động” đang đe dọa việc bổ sung tân binh cho quân đội là cảnh báo cần thiết.
“Những người không đến tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ đều đang làm ăn xa, nên dù có lệnh gọi nhưng không có mặt tại địa điểm kiểm tra”, một cán bộ thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Trốn lính?
Tin tức cho biết, dù được lệnh gọi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2023 nhưng hàng chục thanh niên ở Hà Tĩnh không có mặt, nên chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định.
Những người này bị xử phạt vì hành vi “không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng”.
Một cán bộ thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Can Lộc cho biết trong 29 người bị xử phạt có 16 trường hợp ngụ xã Mỹ Lộc, 13 trường hợp ngụ xã Sơn Lộc. Đây là các địa phương có lượng người đi xuất khẩu lao động tại một số nước trong khu vực khá nhiều.
“Những người không đến tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ đều đang làm ăn xa, nên dù có lệnh gọi nhưng không có mặt tại địa điểm kiểm tra. Hơn nữa, quy định trước đây với các trường hợp không đến khám sức khỏe số tiền xử phạt thấp nên một số người trốn tránh, còn hiện nay mức phạt đã tăng lên”, vị cán bộ này nói.
Cũng theo vị cán bộ này, đối với các trường hợp không đến khám sức khỏe theo lệnh gọi, ngoài xử phạt hành chính, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động các gia đình có con em đợt này không đến khám nghĩa vụ theo lệnh gọi chấp hành lệnh gọi đợt sau, nếu những thanh niên này vẫn trong độ tuổi 18 – 25.
Trai tráng “đi xuất khẩu lao động” đang đe dọa việc bổ sung tân binh cho quân đội là cảnh báo cần thiết.
Nhờ ‘trốn lính’ nên bà con… thoát nghèo?
Tổng hợp các báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mỗi năm lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 500 tỷ đồng đã giúp xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh như “lột xác”, biệt thự mọc lên khắp xã.
Ghi nhận từ chính quyền xã Cương Gián, cuối tháng 8 năm ngoái 2022, ông Trần Thông, 61 tuổi, ở xã này đội nắng hỗ trợ thợ xây lát sân cho ngôi nhà ba tầng mới hoàn thành. Hơn 10 năm trước, lão ngư Trần Thông từng an phận với căn nhà cấp bốn bởi gia đình đông con, nghề biển bấp bênh.
Tuy nhiên kể từ khi bốn con trai của ông Trần Thông lần lượt sang làm việc ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cuộc sống gia đình đổi thay. Ngoài chu cấp cho gia đình riêng, các con của ông Thông còn góp tiền xây nhà, sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng… để bố mẹ có cuộc sống tiện nghi lúc tuổi già.
Theo Chủ tịch xã Cương Gián – ông Hoàng Văn Hà, thì làn sóng xuất khẩu lao động bắt đầu ở xã từ năm 1990, khi những thanh niên tuổi đôi mươi nuôi ước vọng làm giàu bằng nghề thuyền viên ở Hàn Quốc. Khi ổn định, họ rủ thêm anh em xuất ngoại, làm giúp việc, lắp ráp linh kiện điện tử ở Đài Loan, Nhật Bản…
Đến những năm 2000, khi lao động làm quen với môi trường và công việc ở nước ngoài, tiền gửi về quê đều đặn, bộ mặt làng quê thay đổi rõ rệt. Đường sá được đổ nhựa hoặc bê tông thay cho những con đường đất, hay lát đá gồ ghề. Hàng ngàn ngôi nhà 2 – 3 tầng mọc lên san sát. Ngoài sắm vật dụng tiện nghi, các gia đình còn mua ôtô đi lại.
Toàn xã có 15.000 dân với hơn 3.000 hộ, trong đó 2.700 người đang làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Trung bình mỗi tháng mỗi cá nhân gửi về khoảng 700 USD. Từ xã chuyên nghề đi biển, dệt lưới, làm mắm, Cương Gián được gọi “làng tỷ phú”, “làng Hàn Quốc”, hay “làng xuất ngoại”, bởi số lao động đang làm việc tại xứ sở kim chi chiếm gần một nửa.
Thiếu hụt tân binh là cảnh báo không hề ‘phản động’
Xuất khẩu lao động phát triển mạnh đưa Hà Tĩnh thành một trong ba tỉnh (thêm Nghệ An, Thanh Hóa) có số người làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng cao nhất cả nước. Thống kê của ngành lao động tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến nay, số người xuất ngoại gần 69.000, trung bình mỗi năm hơn 7.000, chủ yếu ở huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh…
Tổng thu nhập của lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại nước ngoài khoảng 6.800 – 7.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó số tiền gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng. Nhiều vùng quê trở nên giàu có nhờ đưa lao động đi xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới…
Như vậy, giả dụ chỉ một phần ba trong con số trung bình 7.000 trai tráng ở Hà Tĩnh đang tha phương mưu sinh là ở độ tuổi 18 – 25, cho thấy mối đe dọa thiếu hụt tân binh là cảnh báo rất đáng lưu tâm.
1 comment
Không sao đâu . Dân mình, ai ai cũng tin vào Đảng, và nếu có chuyện gì, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam không còn & không cần cứu Đảng, đã có người khác lo rùi