Việt Nam Thời Báo

VNTB – Triển khai “Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng”

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Các đối tác sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,7 tỷ USD tài chính tư nhân.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định 1009 phê duyệt đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố JETP (Just Energy Transition Partnership – JETP) với Trưởng ban là ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Trưởng ban thường trực là 01 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Phó Trưởng ban là đại diện cấp Thứ trưởng các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

Các thành viên là đại diện cấp Cục/Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Công an; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các đối tác quốc tế tham gia JETP với Việt Nam (International Partners Group – IPG) bao gồm: Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch. Thời gian tới, nhiều khả năng sẽ tiếp tục có thêm các đối tác quốc tế khác.

Về nội dung chính, Tuyên bố chính trị JETP gồm 26 đoạn, bao gồm các vấn đề về: Bối cảnh chung toàn cầu; Bối cảnh và kỳ vọng của Việt Nam; Cơ chế và kế hoạch hỗ trợ Việt Nam; Gói tài chính thực hiện.

Trên cơ sở các cam kết tại COP26 và nỗ lực thể chế hóa trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, các Bên hoan nghênh những mục tiêu mạnh mẽ và định lượng của Việt Nam để đạt đỉnh phát thải trước năm 2035, cùng với ý định đưa mốc thời gian đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 nếu nhận được hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế về công nghệ và tài chính; sau đó, giảm nhanh phát thải để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng than (nguồn năng lượng không có biện pháp giảm phát thải). Cùng lúc đó, đảm bảo tính toàn vẹn, an ninh và bình ổn giá thành năng lượng.

Các Bên khẳng định, Quan hệ JETP là quan hệ đối tác lâu dài, tham vọng để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi các-bon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi các-bon hóa hệ thống điện. Đồng thời, phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0”.

IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3 – 5 năm tới. Trong đó, 7,7 tỷ USD do IPG huy động từ nguồn tài chính công, với điều kiện hấp dẫn hơn so với nguồn mà Việt Nam có thể huy động trên thị trường. Đồng thời, các đối tác sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,7 tỷ USD tài chính tư nhân.

Tuyên bố cũng chỉ ra, nguồn tài chính này mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu đầu tư của Việt Nam.

Thông qua JETP, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện khung pháp lý nhằm mở rộng đầu tư công và tư nhân vào Việt Nam. Công việc này sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng công bằng, bao gồm các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và củng cố lưới điện ở Việt Nam, góp phần đạt được các mục tiêu nêu trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050 của Việt Nam.

Thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết để thực thi JETP còn cần đến sự chung tay của cộng đồng xã hội dân sự: “Đảm bảo tính “công bằng” trong chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch sang các năng lượng khác là một nguyên tắc trọng tâm của JETP vì sự chuyển dịch năng lượng công bằng.

Một quá trình chuyển dịch công bằng không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn giúp đảm bảo một tương lai chắc chắn và thịnh vượng cho người dân, giảm các tác động của ô nhiễm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Vì vậy điều quan trọng là toàn thể xã hội dân sự cần tham gia vào mỗi giai đoạn của quá trình chuyển dịch xanh và không để một ai bị bỏ lại phía sau”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sẽ có cuộc cách mạng về cơ cấu nhân sự Đảng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng tiếp tục ‘trảm’

Do Van Tien

VNTB – Lại phải sửa luật phòng, chống tham nhũng?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.