Mai Lan
(VNTB) – Mới đây trên trang Việt Nam Thời Báo có phát lời kêu gọi về quyền tự do báo chí được ghi tại Điều 25, Hiến pháp 2013.
Lời kêu gọi đó xem ra khó thể được đáp ứng, ít nhất là từ nay đến năm 2025, hoặc sớm lắm cũng phải sau năm 2023.
Ngày 22-5-2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Quyết định số 1786 phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. Theo đề án này, sau khi sắp xếp, TPHCM còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. (1)
Thành ủy TP.HCM làm chủ quản của các tờ báo: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Người Lao Động, Cựu Chiến Binh, trong đó có các ấn phẩm Thể Thao, Khăn Quàng Đỏ.
Ủy ban nhân dân TP.HCM là chủ quản của Kinh Tế Sài Gòn, Doanh Nhân Sài Gòn, Pháp Luật, Giáo Dục, Du Lịch, Khoa Học Phổ Thông.
Như vậy có phải là mặc dù các báo tại TP.HCM đều đã tự chủ tài chính, giờ về hết Thành ủy, Ủy ban mà không thuộc hội đoàn, sở ngành nữa, thì thế mạnh của các báo đó bấy lâu nay sẽ như thế nào, tôn chỉ mục đích phải thay đổi phù hợp với chủ quản mới?
Nhà báo Lê Anh Đủ, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, nhận xét là những nơi rất cần có báo thì lại ‘trắng tay’, đó là Ủy ban Mặt trận tổ quốc, và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố.
“Ví dụ trường hợp TP.HCM, trong lúc Thành ủy và UBND ôm một lúc hơn chục tờ báo, chưa kể truyền thanh, phát hình, thì Ủy ban Mặt trận tổ quốc và Hội đồng nhân dân TP.HCM như người sống nội tâm, dù về lý thuyết đó là các cơ quan thay mặt nhân dân giám sát, phản biện.
Xin hỏi các anh, tại sao Quốc hội có báo Người Đại Biểu, Ủy ban Mặt trận tổ quốc TW có báo Đại Đoàn Kết, mà Hội đồnng nhân dân, Mặt trận tổ quốc các địa phương, ít nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương thì không có ‘cơ quan ngôn luận’?
Thành ủy TP.HCM nên chia bớt Tuổi Trẻ cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM, Người Lao Động cho Hội đồng nhân dân TP.HCM, ít ra cũng có một chút cân bằng hình thức!” – nhà báo Lê Anh Đủ, ý kiến.
Tại Hà Nội, việc quy hoạch báo chí có khác đôi chút: Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố vẫn chủ quản báo in Phụ nữ Thủ đô; Liên đoàn Lao động Thành phố vẫn chủ quản báo in Lao động Thủ đô; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố tiếp tục chủ quản báo in Tuổi trẻ Thủ đô. (2)
Luật Báo chí hiện hành, tại Điều 14 “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí”, ghi:
“1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học”.
Như vậy, nhiều khả năng sau bản quy hoạch báo chí như nói trên, trong nhiệm kỳ mới của đảng chính trị, rất có thể lại có những tờ báo khác được thành lập trên nền tảng Điều 25, Hiến pháp 2013 và Điều 14, Luật Báo chí.
Và với cách hiểu lạc quan đó về tương lai, cùng với quyền tự do công đoàn được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hồi giữa năm ngoái; và nếu không gì thay đổi thì trễ nhất là vào năm 2023, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, cho thấy nhiều hy vọng cho việc hình thành các tòa soạn báo chí từ các hội, đoàn, tổ chức tôn giáo.
_______________
Chú thích: