Thới Bình
(VNTB) – Tượng đồng của cư sĩ Diệu Liên được thờ tự ở chùa Tam Chúc khiến không ít người am tường về thờ phượng cho rằng “rất không nên”…
Ở dự án xây dựng chùa Tam Chúc, có một nơi gọi là đền Tứ Ân, trong đó đền này có bức tượng bằng đồng được thờ phượng gọi là “cư sĩ Diệu Liên”.
Theo giáo lý đạo Phật, chùa chỉ thờ Quan thế âm Bồ Tát và Phật tổ Như lai. Người tu hành phải chịu tứ ân gồm Ân quốc gia xã hội; Ân cha mẹ; Ân đà na thí chủ (người nuôi dưỡng, chu cấp) và cuối cùng là ân thầy tổ.
Đền Tứ Ân có hai tầng được ghi rõ thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên. Tại tầng 2 ngôi đền đặt nhiều bảng giới thiệu về cư sĩ Phật tử này. Theo đó, cư sĩ Phật tử Diệu Liên, thế danh Phạm Thị Lan, sinh năm 1961, mất năm 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), và góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc…
Đặc biệt là các ngôi chùa: Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh… trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Phạm Thị Lan chính là người vợ quá cố của ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường – chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Đồng thời ông cũng là chủ của những dự án tâm linh được đánh giá siêu khủng với số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thái Nguyên.
Nếu chùa Tam Chúc do tư nhân bỏ tiền xây dựng thì việc đặt đền thờ ai cũng không là vấn đề đáng bàn. Tuy nhiên, khi bàn giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng nghĩa với việc nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Nam, thì cần phải làm rõ để tránh gây dư luận không tốt liên quan sự việc này.
Ở miền Nam cũng xảy ra hình ảnh kém duyên tương tự.
Nhiều ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo tại tỉnh Trà Vinh ít nhiều bị biến dạng sau khi doanh nhân Trầm Bê (từng là cổ đông lớn của nhiều ngân hàng, hiện đang chịu án hình sự) “phát tâm xây dựng”.
Tại huyện Trà Cú, có ít nhất ba ngôi chùa cổ là Vàm Ray, Ba Sát và Phnô-đung được nhiều bà con gọi là “chùa ông Trầm Bê” do trước cổng chùa và quanh chánh điện có ghi tên, hình ảnh, tranh vẽ, tượng của ông Trầm Bê và dòng họ của ông.
Đầu tháng 4-2013, chánh điện chùa Phnô-đung (Giồng Lớn) tọa lạc tại xã Đại An (huyện Trà Cú) khánh thành sau một thời gian trùng tu, xây dựng. Đi vào bên trong, nơi cửa chính của chánh điện tôn nghiêm là một bức ảnh to được lồng kính chụp năm thành viên gia đình ông Trầm Bê với những dòng chữ ghi gia đình ông “phát tâm xây dựng” chứ không phải trùng tu, sửa chữa hay nâng cấp.
Tường bên phải chánh điện là những khuôn chữ chạm nổi khá to tên ba người con của ông Trầm Bê bằng tiếng Khmer và tiếng Việt. Còn trên vách tường bên trái chánh điện là hình tượng đúc đồng màu xám đen của ba người thân (cha mẹ) ông Trầm Bê đặt ngang hàng với tượng nữ thần Apsara. Mặt sau của chánh điện là một bản chạm chữ nổi bằng hai thứ tiếng ghi công đức của gia đình ông Trầm Bê “phát tâm xây dựng”.
Thượng tọa Danh Lung – sư cả chùa Chantarăngsây (TP.HCM), cho biết chuyện khắc tên để ghi nhớ công ơn của những người đóng góp cho nhà chùa của Phật giáo Nam tông Khmer không phải lạ, nhưng thường chỉ là bảng chữ nhỏ ghi tên và đặt ở nơi hợp lý chứ không phải trên chánh điện tôn nghiêm. Việc treo hình ảnh, tạc tượng, chạm khắc tên xung quanh chánh điện là không hợp với lối văn hóa nhà Phật.
Đạo Phật dạy phật tử sống tốt đời đẹp đạo, chưa bao giờ dạy cho phật tử tính phô trương hay khoe khoang.