Thới Bình
(VNTB) – Bộ Chính trị thống nhất giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII bao gồm các Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp đặc biệt tái cử và đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tái cử.
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khai mạc sáng ngày 16/1 là hội nghị cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XII.
“Sau Hội nghị Trung ương 14, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu sự lãnh đạo chủ chốt khóa 13 bao gồm: các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tái cử”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo (*).
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có một đại biểu vốn “thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XII” là ông Nguyễn Phú Trọng – người duy nhất trong Bộ Chính trị được Trung ương khóa XI thống nhất giới thiệu là trường hợp đặc biệt để ở lại khóa XII.
Khóa XIII tới đây sẽ có bao nhiêu người sẽ thuộc diện “trường hợp đặc biệt tái cử”?
Thông tin từ ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, có 119 người được giới thiệu tái cử, có 107 người lần đầu được giới thiệu tham gia để bầu ủy viên Ban Chấp hành trung ương chính thức, và 44 người tham gia lần đầu để bầu ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương.
“Trường hợp đặc biệt tái cử”, theo quy định là các nhân sự trên 60 tuổi đối với ủy viên trung ương; trên 65 tuổi đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; một số bí thư tỉnh ủy chạm giới hạn tuổi, tham gia lần đầu không quá 55, mà giờ 56.
Đồn đoán trên mạng xã hội tính đến tối ngày 16-1, thì danh sách được cho là nhân sự cấp cao được Ban chấp hành Trung ương dự kiến sẽ đề cử lên Đại hội bao gồm các vị trí nhân sự sau: ông Nguyễn Phú Trọng, đề cử vào chức vụ Tổng Bí thư; ông Nguyễn Xuân Phúc, đề cử chức vụ Chủ tịch nước; ông Phạm Minh Chính, đề cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ, và ông Vương Đình Huệ, đề cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Trong danh sách này hoàn toàn vắng bóng chính khách đến từ miền Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
Về độ tuổi, những người sau đây trong Bộ Chính trị vẫn còn trong độ tuổi tái cử: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, 1955. Trường hợp ông Trương Hòa Bình khá đặc biệt, vì ông sinh ngày 13 tháng Tư năm 1955. Do đó nếu Đại hội Đảng tổ chức trước thời điểm tháng Tư 2021, ông vẫn được xem là 65 tuổi.
Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, 1958. Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội (từ 2/2020), 1957. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, 1957. Trương Thị Mai, Trưởng ban dân vận, 1958. Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, 1959. Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 1970.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, số nhân sự 61 tuổi trở lên vào Trung ương không có nghĩa là tất cả đều quá tuổi. Theo quy định từ trước nay, tuổi tái cử ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư nhìn chung không quá 65. Như vậy, những người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ 61 tuổi vẫn thuộc diện tái cử nằm trong tỉ lệ 10% theo quy định chứ không phải 10% này đều là trường hợp đặc biệt.
Tương tự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65, còn quá 65 là trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như Đại hội Đảng XII, có 4 ủy viên Trung ương khóa 11 quá tuổi, gồm các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Huỳnh Phong Tranh vẫn được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI xem xét, giới thiệu với Đại hội để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Kết quả 3 ủy viên Trung ương khóa XI quá tuổi là Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam đã trúng cử.
Còn Bộ Chính trị cũng có trường hợp đặc biệt như khóa X đã xem xét, giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính trị khóa X tiếp tục giới thiệu bầu vào Trung ương khóa XI, và được Trung ương bầu là ủy viên Bộ Chính trị và bầu làm Tổng bí thư.
Đến khóa sau, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cân đối nhiều mặt vẫn quyết định tiếp tục xem xét, giới thiệu trường hợp đặc biệt đối với ông Nguyễn Phú Trọng dù ông đã quá 65 tuổi, để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bầu vào Bộ Chính trị và bầu làm Tổng Bí thư như hiện nay. Đó là trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị.
Như vậy khóa XI có đặc biệt, khóa XII cũng có đặc biệt cả ủy viên Trung ương, cả với Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4, 1944, năm nay 77 tuổi. Ông Joe Biden, người sắp là Tổng thống Mỹ, lớn hơn ông Trọng 2 tuổi.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thêm nhiệm kỳ nữa là Tổng Bí thư, thì cần phải có giải quyết hệ lụy của việc tập trung quyền lực quá lớn, nhưng lại không có ai “giám sát người giám sát”. Những nỗ lực “đốt lò” của ông Trọng xuất phát từ trên xuống, bằng cách tập trung nhiều hơn quyền lực cho các cơ quan thanh tra, giám sát như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hay Thanh tra Chính phủ. Tình thế lưỡng nan này có thể giải quyết bằng việc tạo điều kiện cho quá trình giám sát từ dưới lên – sự tham gia của người dân và các tổ chức dân sự.
Nhưng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, chưa có nhiều biến chuyển cho thay đổi này: Luật về Hội sau hơn 20 năm thảo luận vẫn chưa được đưa ra Quốc hội, trong khi môi trường báo chí – truyền thông đang có xu hướng bị siết chặt…
______________
Chú thích: