Hiền Vương
(VNTB) – Người lãnh đạo có tài, quyết định vấn đề chống dịch dựa vào những chứng cứ khoa học và kinh nghiệm của những nước đã thành công, chứ không theo cảm tính.
Chiều tối 15-7, Bộ Y tế công bố có thêm 69 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TP.HCM, đây là những bệnh nhân tử vong từ ngày 7-6 tới nay. Như vậy trong đợt dịch này TP.HCM đã ghi nhận trên 140 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo TP.HCM chiều 14-7, báo cáo của UBND thành phố cho hay đến ngày 14-7 tại TP.HCM đã ghi nhận 130 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong số này có 48 ca đã được Bộ Y tế công bố.
Ngay sau đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM để rà soát lại các ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn, đề nghị sở cập nhật đầy đủ dữ liệu về các ca tử vong này trên hệ thống phần mềm quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 của Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Từ 20g ngày 14-7 đến 5g30 ngày 15-7, hệ thống phần mềm nêu trên đã ghi nhận thêm 69 ca tử vong tại các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn. Đây cũng là những trường hợp tử vong rải rác từ ngày 7-6 tới ngày 15-7 nhưng chưa công bố cho đến nay.
Với thống kê này, từ tháng 6 đến nay TP.HCM đã ghi nhận trên 140 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho hay tính đến 17g ngày 15-7, thành phố đã ghi nhận thêm 22 ca tử vong do COVID-19, tuy nhiên hiện chưa cung cấp đủ thông tin về các ca tử vong này trên hệ thống phần mềm quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế sẽ thông báo về các ca tử vong này khi có đủ thông tin.
Một số ý kiến đang lưu tâm quanh việc công bố các con số tử vong kể trên.
Thứ nhất, có phải là ý kiến của ngành y tế TP.HCM đã không được những lãnh đạo chính quyền nghe và hiểu?
Phía lãnh đạo chính quyền, về nguyên tắc, họ cần đánh giá tình hình chính xác dựa lên các dữ liệu trung thực, qua đó mới có thể đưa ra các biện pháp phù hợp… Cụ thể hơn, báo chí cần liên tục cập nhật các tin tức từ các chuyên gia dịch tể và thống kê sinh học, và cần công bố các con số này cho bàn dân hiểu rõ về phong toả và hy vọng giới chức có thẩm quyền sử dụng – nếu họ chưa có!.
Một dẫn chứng từ Hồng Kông.
Giáo sư Gabriel Leung, Chủ Nhiệm Khoa Y của Đại Học Hồng Kông, chuyên viên về dịch tể học bệnh nhiễm đã nói về vấn đề này như sau: Không thể ‘lockdown’ mãi mãi! Làm thế nào để dỡ bỏ?
Có hai ý quan trọng:
Trước hết, cần có số liệu chính xác để có thể tiên đoán dịch diễn tiến như thế nào và đưa ra biện pháp đối phó: cần biết hai con số quan trọng về dịch tể là R0 và Rt. Theo đó, R0 là số người trung bình bị lây nhiễm từ mộ người đã bị nhiễm; và Rt là chỉ số R0 vào thời gian thực t phụ thuộc vào các biện pháp đối phó như cách ly, kiểm dịch, giản cách xã hội…
Lý tưởng là Rt<1, nhưng không phải khi nào cũng làm được. Với một thành phố 10 triệu dân như Sài Gòn thì Rt=1 là chấp nhận được có nghĩ là vài chục người nhiễm mỗi ngày…
Với 1 bệnh viện 1.000 giường ICU và thời gian nằm viện trung bình 14 ngày thì mỗi ngày bệnh viện chỉ nhận được tối đa 1000: 14 = 71,42 bệnh nhân. Nếu tỷ lệ cần nằm ICU là 5% thì số người nhiễm tối đa có thể chấp nhận là 71 x 100/5 = 1,420 người nhiễm mới/ngày
Mỗi cộng đồng sẽ quyết định mức Rt nào mình mong muốn dựa trên số liệu về khả năng y tế của cộng đồng đó để khỏi bị tràn ngập.
Thứ hai, khi chọn Rt nào, ngoài yếu tố y tế, thì cần xem xét đến nền kinh tế thiệt hại như thế nào và dân chúng có thể chấp nhận và chịu đựng được không?
Yêu cầu này thực hiện bằng cách thay đổi gia giảm cách thức và cường độ các biện pháp. Giống như lái xe trên con đường quanh co khúc khuỷu, khi nhấn thêm ga và cũng có lúc bớt ga…
Ở Vũ Hán từ tháng 1 đến tháng 3-2020 thì Rt = 2. Sau ‘lockdown’ Rt = 0,3
Ở Hong Kong Rt = 2,3 vào tháng 2-2020 sau đó giảm dần xuống 0,4 sau khi có chiến dịch vệ sinh rồi tăng lại do các ca nhập cảnh, rồi trở về 0,.7.
Tương tự ở Anh Quốc sau ‘lockdown’ giảm từ 2,7 xuống 0,6
Mục đích cuối cùng của ‘lockdown’ là bảo vệ mạng sống cho con người bằng cách giữ hệ thống y tế khỏi sụp đổ. Nếu số nhiễm giảm mà tử vong lại tăng do thiếu trang bị, nhân lực kiệt quệ thì ‘lockdown’ không có tác động! Vì vậy cần tăng cường tối đa khả năng điều trị cho các phòng ICU.
Khi nói đến “bệnh viện dã chiến” thì hình như người ta chú trọng đến khả năng hồi sức cấp cứu như trong các hình ảnh của các bệnh viện Nightingales (bệnh viện dã chiến Nightingale là bệnh viện đầu tiên trong số 6 bệnh viện tạm thời ở Anh để đối phó với Covid-19. Đây là bệnh viện lớn nhất thế giới hiện nay, với sức chứa tối đa lên đến khoảng 4.000 giường bệnh), nơi mà một giường là một đơn nguyên điều trị ICU trang bị máy thở, monitor, X Quang… chứ không phải chỉ là bệnh viện dã chiến cho người không, hay ít triệu chứng như đang diễn ra ở TP.HCM.
Ngoài ra phải luôn lưu ý các chỉ số về dịch tễ thường sử dụng đánh giá dịch: R0 và Rt : tính lây lan của dịch; Tỷ lệ tử vong trên số nhiễm – infection fatality ratio (IFR): độc lực của dịch; Các tỷ lệ về tình trạng bệnh: tỷ lệ người nhiễm không triệu chứng – tỷ lệ lây nhiễm của người không triệu chứng / người có triệu chứng – tỷ lệ lây nhiễm trước khi phát bệnh.
Hình ảnh biểu đồ đính kèm bài viết này cho thấy tính đến ngày 14-7-2021, nhiều Rt vẫn tăng sau giản cách!
Thứ hai, ca nhiễm Covid tử vong tăng cao có phải do bệnh lý nền tiến triển do trì hoãn chữa trị?
Từ tuần cuối tháng 5 ở TP.HCM, cứ bệnh viện nào ghi nhận có bệnh nhân đến chữa trị và được phát hiện bị nhiễm Covid, lập tức bệnh viện đó phải đóng cửa và nhiều nơi nhân viên y tế ở những nơi này bị buộc đi cách ly tập trung.
Kể từ lúc mới bùng dịch, phía chính quyền đã đưa ra khuyến cáo hạn chế việc người bệnh đến bệnh viện vì sợ lây lan dịch. Khuyến cáo này mỗi lúc lại thắt ngặt hơn, đến khi nhiều bệnh viện bị tạm dừng vì ghi nhận có ca đến khám nhiễm Covid, và rồi các yêu cầu hạn chế đi lại khiến người bệnh khó khăn hơn khi đi tái khám, khám bệnh định kỳ với các bệnh mãn tính.
Tất yếu là một khi sức khỏe giảm sút, cùng với căng thẳng tâm lý nên khi nhiễm Covid, họ sẽ dễ suy sụp hơn.
“Những ngày thành phố bị phong tỏa, 1 số bệnh viện bị đóng cửa, các bệnh viện chưa bị đóng cửa phải chịu áp lực kép. Chúng tôi thiếu nhân lực trầm trọng do phải chia sẻ cho công tác sàng lọc.
Do một số nhân viên y tế là F1 bị cách ly. Số còn lại nai lưng ra làm việc, vừa bị áp lực chuyên môn, vừa bị con cúm Tàu lởn vởn đe dọa sát sườn… Thực sự đa số nhân viên y tế chúng tôi không quá sợ con cúm Tàu này lắm, mà quá sợ cái cảnh bị hốt đi cách ly trong một môi trường không đủ tiêu chuẩn, dễ bị lây nhiễm chéo.
Người lãnh đạo có tài, quyết định vấn đề chống dịch dựa vào những chứng cứ khoa học và kinh nghiệm của những nước đã thành công, chứ không theo cảm tính. Nếu không, nó cứ rối nùi lên như nồi canh hẹ, dân cũng chết luôn!” – bác sĩ chuyên khoa thận nhân tạo, Nguyễn Thị Mỹ Hương, cảm thán.