VNTB – Tục lệ đốt vàng mã ngày Tết của người Việt

VNTB – Tục lệ đốt vàng mã ngày Tết của người Việt

Diệp Chi

 

(VNTB) – Xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, cũng có không ít ý kiến phản đối vấn đề đốt vàng mã.

 

Tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của chính mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên đã khuất là một điều có thể thể hiểu được.

Tựa như một thói quen, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mỗi khi đến dịp Tết, bên cạnh việc dọn dẹp, quét tước nhà cửa; mua sắm trái cây, bông hoa cúng bàn thờ tổ tiên…. Và… một hình ảnh quen thuộc: người dân đốt giấy tiền vàng bạc, có lẽ không quá khó kiếm mỗi khi Tết đến Xuân về.

Vàng mã được nhiều người dân Việt chuẩn bị cho những ngày như đưa ông Táo về trời, tảo mộ, đưa – rước ông bà, cúng Giao thừa, cúng Mùng…, tùy từng thời điểm khác nhau sẽ có những bộ cúng vàng mã khác nhau.

“Nói chi xa xôi, như cái Giao thừa, chuyển giao giữa năm Canh Tý với năm Tân Sửu vừa rồi nè, nói nào ngay, nhà mình mua gần đủ hết, chỉ thiếu mỗi bộ cúng Giao thừa. Vậy là 8 giờ tối ngày 30, chạy đi mua liền. Người ta đi chợ, cũng mua bộ cúng Giao thừa quá trời luôn. Nếu như tục lệ hóa vàng là sai, là không nên, có lẽ sẽ không được giữ đến tận bây giờ”, em Long, một học sinh kể.

“Mình nhớ lúc trước có một sư thầy nói với mình rằng, trong Phật giáo không có khuyến khích việc đốt vàng mã. Nó là một phong tục, tập quán của dân gian. Cũng có người cho rằng không nên khuyến khích việc đốt vàng mã, bên cạnh vấn đề tiết kiệm chi phí mà còn là việc hạn chế rủi ro hỏa hoạn có thể xảy ra bởi việc đốt vàng mã.

Mình thì cho rằng việc có xảy ra hỏa hoạn hay không là do ý thức của con người, nếu họ đốt giấy tiền vàng bạc mà chịu để ý một tí, kiểm tra xem có cháy hết hay chưa, hoặc chắc ăn hơn đợi cháy xong rưới nước lên, có lẽ sẽ khó có thể xảy ra hỏa hoạn.

Còn việc mua giấy tiền vàng bạc gọi là tốn kém, theo mình nghĩ, cũng tùy thuộc từng người từng gia đình. Giờ mình lấy một ví dụ, nếu như gia đình bạn không có nhiều tiền, thì làm sao bỏ thể bỏ ra số tiền lớn cho việc mua vàng mã được? Nhất là còn phải mua sắm những thứ khác cúng bàn thờ nữa! Xã hội ngày càng phát triển, khoa học ngày càng tiến bộ, nhưng không phải cái gì con người cũng có thể biết hết được. Thành ra theo mình nghĩ cũng không nên bài xích quá vấn đề đốt giấy tiền vàng mã này”, ông Minh, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Minh, theo cảm nghĩ của ông Lộc thì: “Ở nhà người ta cúng vàng mã chỉ cần người ta để ra đốt một chút xíu, cái vèo là hết, chứ nó đâu có phải là đám cháy lớn gì đâu mà phải ngại. Cúng mà đưa ông Táo về trời đó thì vàng mã cúng là nó không có đáng là bao nhiêu hết trơn đó. Trong cái mùa dịch này thì mình cũng gói ghém thôi. Thí dụ như giấy tiền vàng mã này nọ đó là mình không thể thiếu. Thì mình có thể là mình mua. Mua với số lượng, số tiền nó cũng ít thôi chứ đâu có nhiều đâu, nó không có đáng kể”.

Nói về chi phí cho một bộ vàng mã cúng ông bà mỗi dịp Tết, theo bà Tuyết, chủ một cửa hàng bán vàng mã cho rằng, là không quá mắc: “Bây giờ cúng là 15 ngàn là vẫn cúng được. Hồi xưa thì cúng hai, ba chục ngàn. Bây giờ là 15 ngàn, giảm bớt rồi, chỉ còn 15 ngàn thôi. Giấy thì cũng có 5 ngàn, rồi bánh thèo lèo đồ cũng có 10 ngàn thôi à”.

Xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh, cũng có không ít ý kiến phản đối vấn đề đốt vàng mã. Song, thiết nghĩ một điều rằng, tục lệ đốt vàng mã cho ông bà đã lưu truyền từ ngàn xưa, hình thành nên một nét văn hóa của người Việt.

Vàng mã làm bằng giấy tương tự các đồ dùng của người đã khuất lúc sinh thời. Người hóa vàng ở giữa sân hoặc ở một góc vườn sạch sẽ, thắp hương biện lễ rồi châm lửa đốt cho đến lúc tất cả đều cháy là xong.

Dẫu chưa chắc biết chính xác rằng ông, bà có nhận được hay không, tuy nhiên nó đem lại sự an lòng cho người đang sống, lúc ông bà còn sống mình lo được, khi mất đi cũng có thể lo được phần nào.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: “Hóa vàng là một hình thức tiễn gia tiên về trời sau những ngày về ăn Tết cùng con cháu. Tuy nhiên, việc hóa vàng còn mang ý nghĩa đón thần tài, thần lộc về cho gia đình. Chỉ cần đốt một ít vàng mã và hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết là đã đủ và đúng với truyền thống văn hóa Việt”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)