Thục Đoan dịch
(VNTB) – Việc gắn nhãn các tài khoản phương tiện truyền thông nhà nước giúp người đọc hiểu được các tweet đến từ đâu
Trong tháng này các tài khoản Twitter liên kết với truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng bận rộn như thường lệ. Họ đã đặt câu hỏi nghi ngờ về tính an toàn của vắc-xin covid-19 được sản xuất ở phương Tây trong khi quảng cáo cho thuốc của họ. Họ lại đã đưa ra giả thuyết về đại dịch đã bắt đầu ở một nơi nào đó khác ngoài Trung Quốc.
Họ đã quảng bá những câu chuyện giả dối, lừa đảo, đặc biệt là hình ảnh được trình bày nhằm mục đích tuyên truyền về những người Duy Ngô Nhĩ hạnh phúc ở Tân Cương, đồng thời tấn công các báo cáo của phương Tây khi mô tả nỗi kinh hoàng ở đó. Một video bằng tiếng Anh gây hiểu lầm do China Daily đăng trên Twitter đã gọi BBC là “Công ty phát thanh thiên vị”, the “Biased Broadcasting Corporation”, thay vì tên chính thức của đài này là British Broadcasting Corporation”.
Các tay tuyên truyền, dư luận viên, ăn lương tuân theo lệnh nhà nước. Năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã nói với bọn họ rằng cứ “kể chuyện tốt của Trung Quốc” trên khắp thế giới, thí dụ như là tự hào về những thành tựu của họ. Họ đã gom được lượng lớn người theo dõi qua các mạng xã hội phương Tây vốn bị chặn ở Trung Quốc.
Nhưng khán thính giả tin vào các câu chuyện của họ có thể đang giảm dần, ít nhất là trên Twitter. Một nghiên cứu mới của China Media Project, tổ chức nghiên cứu ở Hồng Kông, cho thấy rằng Twitter gần đây đã hạn chế phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của các tài khoản liên kết với các dịch vụ tin tức do nhà nước Trung cộng quản lý.
Vào tháng 8, Twitter đã gắn nhãn hiệu “Phương tiện truyền thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc” cho các tài khoản được điều hành bởi các cơ quan ngôn luận chính thức bao gồm đài truyền hình toàn cầu China Global Television Network, CTGN, phát tin qua tín hiệu vệ tinh của Trung cộng, đăng ký tại Mỹ, đến hàng trăm quốc gia, là công cụ tuyên truyền của chính phủ Trung cộng; Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức; và các tờ báo như Nhân Dân, và Trung quốc nhật báo.
Twitter cũng gắn nhãn hiệu “Phương tiện truyền thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc” như vậy với tài khoản của các nhà báo làm việc cho các hệ thống truyền thông kể trên. (Twitter cũng dán nhãn hiêu như vậy cho các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở một số quốc gia khác, như Facebook đã bắt đầu làm vào tháng 6.)
Đồng thời Twitter cho biết họ sẽ ngừng tạo sự nổi bật cho các tài khoản này bằng cách không cho hiển thị kết quả “hàng đầu” các tweet của họ trong công cụ tìm kiếm. (Điều này theo sau quyết định của Twitter vào năm 2019 để cấm các tài khoản được liên kết với nhà nước quảng cáo hoặc quảng bá các tweet; Facebook đã ban hành một chính sách tương tự vào tháng 6).
Dự án Truyền thông Trung Quốc, China Media Project, đã nghiên cứu 33 tài khoản Twitter bị ảnh hưởng ở Trung Quốc trong hơn 100 ngày. Nhóm này phát hiện ra rằng hầu hết trong số 33 tài khoản nói trên đã gặp phải “số lượt chia sẻ và lượt thích ít hơn đáng kể” cho các tweet của họ trong những tuần sau khi Twitter gắn nhãn nhà nước cho các tài khoản đó so với những tuần trước đó.
Ba tài khoản phổ biến nhất – gồm CGTN,Tân Hoa Xã và Nhân Dân Nhật Báo cùng có khoảng 33 triệu người theo dõi- đã sụt giảm lượt retweet và lượt thích hơn 20%. Số lượt thích các dòng tweet của Hoàn Cầu thời báo, một tờ báo lá cải theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Kinh, đã giảm hơn 30%.
Các phát hiện đặt ra câu hỏi về vai trò của Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây khác trong việc giúp các tay tuyên truyền của Trung Quốc thực hiện mong muốn của ông Tập. Vào tháng 3 năm 2020, Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, đã gây ra một làn sóng phẫn nộ (bao gồm cả trong Nhà Trắng) với một dòng tweet có tính lan truyền cho rằng những vị khách quân sự Mỹ [đến Vũ Hán trong một lần diễn tập quân sự của nhiều nhóm quân đội các nước khác] có thể đã gieo hạt giống covid-19 ở Trung Quốc.
Ông Triệu Lập Kiên thường được gọi là “chiến binh sói” vì phong cách bướng bỉnh lì lợm của ông trên Twitter (biệt danh Chiến Binh Sói theo tiêu đề của các bộ phim Trung Quốc nổi tiếng có một nhân vật giống Rambo). Vào ngày 17 tháng 1, ông ta rình mò, đăng lại hai bài đăng của Liu Xin, một người dẫn chương trình CTGN, kêu gọi truyền thông phương Tây tập trung vào trường hợp những người già tử vong ở Đức và Na Uy do đã chích vắc xin Pfizer-BioNTech ngừa covid-19.
Những bài đăng như vậy, cùng với những bài viết khác quảng bá việc dùng vắc xin của Trung Quốc ở nước ngoài, cho thấy nỗ lực của các tay tuyên truyền Trung Quốc nhằm phá hoại ngầm niềm tin vào vắc xin không phải của Trung Quốc. Đó là sự tuyên truyền ẩu tả, liều lĩnh vô trách nhiệm vào thời điểm mà sự chấp nhận của công chúng đối với những loại chủng ngừa đã được thử nghiệm cẩn thận là rất quan trọng để chấm dứt đại dịch. (Twitter cho biết các tweet của cô Liu, người viết các điều này, không vi phạm các quy tắc của họ.)
Các dòng tweet của Donald Trump về gian lận bầu cử đã làm dấy lên lo ngại tương tự về tác hại do thông tin sai lệch được truyền thông xã hội tăng cường. Trong tháng này, cả Twitter và Facebook đều đình chỉ tài khoản của ông Trump, khiến một số người lo lắng về ảnh hưởng của một số ít công ty truyền thông tư nhân. Dán nhãn truyền thông nhà nước là một cách tiếp cận ít gây tranh cãi và nó có thể hiệu quả ở một mức độ nào đó.
Ông Triệu Lập Kiên và bà Liu có tổng cộng hơn 1 triệu người theo dõi, nhưng những tweet phản ứng lại họ gần đây của một nhà ngoại giao về những lo ngại của bà Liu về những ca tử vong do vắc xin đã không được chia sẻ rộng rãi như những tweet gây rắc rối của ông, bà ta vào tháng 3 năm ngoái. Các chiến binh sói vẫn đang trực tuyến, nhưng những tiếng gầm gừ của họ ít người còn nghe. ■
Nguồn: The Economist