Khánh An dịch
(VNTB) – Phạm Minh Chính là ai? Chức vụ thủ tướng của ông Chính sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam?
Tác giả: Hai Hong Nguyen
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), dự đoán sẽ trở thành tân Thủ tướng của Việt Nam, người đứng đầu chính phủ trong hệ thống chính trị của Việt Nam, vào tháng tới.
Theo tiểu sử chính thức, ông Chinh sinh năm 1958 tại tỉnh Thanh Hóa và hoạt động phần lớn trong ngành công an từ năm 1984 đến tháng 8 năm 2011. Tháng 1 năm 2011, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XI của ĐCSVN và giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.
Kể từ đó, ông Chính đã nhanh chóng vươn lên nhóm lãnh đạo hàng đầu của ĐCSVN. Tháng 8 năm 2011, Bộ Chính trị ĐCSVN phân công ông Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Vào tháng 4 năm 2015, ông Chính được triệu tập trở lại Hà Nội làm Phó ban Tổ chức Trung ương (BTCTƯ), người quyết định nhân sự trong hệ thống đảng. Chín tháng sau, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị ĐCSVN và được bổ nhiệm làm trưởng BTCTƯ.
Việc ông Chinh trở thành thủ tướng tiếp theo là một điều bất ngờ đối với nhiều người vì ông chưa từng phục vụ ở bất kỳ vị trí cấp cao nào trong chính phủ khác với ông Vương Đình Huệ, cựu phó thủ tướng trước đó đã được giới thiệu là có thể là ứng cử viên thủ tướng. Nếu được bầu, ông Chính sẽ là lãnh đạo BTCTƯ đầu tiên và là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên của ĐCSVN mà không có nền tảng quản trị cấp cao đảm nhận vai trò này kể từ Đổi Mới năm 1986. Sự thăng tiến nhanh chóng của ông Chính cho thấy:
– đấu đá trong nội bộ đảng về việc phân chia quyền lực trước Đại hội 13; và / hoặc
– sự tán thành của cả đảng và các ban ngành chính phủ, đặc biệt là ngành công an mà ông vẫn có quan hệ chặt chẽ; và / hoặc
– đánh giá cao kinh nghiệm ngắn hạn của ông trong việc chuyển đổi Quảng Ninh từ nền kinh tế “đen” phụ thuộc vào khai thác than sang nền kinh tế “xanh” với mũi nhọn là du lịch và sản xuất.
Có vẻ như các phương tiện truyền thông nhà nước đã hướng đến việc giới thiệu kỷ lục của ông Chính ở Quảng Ninh, dọn đường cho việc thăng chức của ông. Vài ngày trước Đại hội 13, các tờ báo lớn trong nước và địa phương liên tiếp đăng bài về thành tựu kinh tế của Quảng Ninh và nêu bật vai trò của ông Chính. Họ gọi ông Chính là một nhà lãnh đạo thông minh, cương quyết, mạnh dạn và có năng lực. Hơn nữa, trái ngược với thời gian phục vụ lâu năm trong ngành công an và thường được xem là “bộ mặt nghiêm khắc và lạnh lùng” của một quan chức đảng giám sát công tác tổ chức và nhân sự, các phương tiện truyền thông cho rằng ông Chinh là một nhà lãnh đạo cải cách và biến đổi.
Báo cáo chính trị của Đại hội 13 đưa ra ba mục tiêu phát triển chính trong giai đoạn 2021-2045. Mục tiêu trước mắt của ông Chính là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao GDP bình quân đầu người từ 2.750 USD cuối năm 2020 lên 5.000USD vào năm 2025. Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn Covid-19 và những lợi ích từ mối quan hệ thương mại tiếp tục giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như xuất khẩu gia tăng từ các hiệp định thương mại tự do khiến những mục tiêu kinh tế này trở nên khả thi. Quỹ tiền tệ IMF đã dự báo rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình gần 7% trong giai đoạn 2021-2025. Nếu không có sự gián đoạn lớn nào nữa, Chính phủ có thể đạt được mục tiêu năm 2025.
Kinh nghiệm quan hệ đối ngoại của ông Chính phần lớn chỉ giới hạn trong các giao dịch với Trung Quốc và Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi tại Quảng Ninh, ông Chính dường như đã đặc biệt ưu ái các nhà đầu tư Trung Quốc vì muốn Quảng Ninh đi theo mô hình đặc khu kinh tế của Thâm Quyến, một thành phố ven biển của Trung Quốc cách Quảng Ninh không xa. Năm 2013, ông đã tiếp một phái đoàn từ Thâm Quyến đến thăm Quảng Ninh để chia sẻ kinh nghiệm về đặc khu của Trung Quốc. Năm 2018, Khi đó ông Chính là Phó Chủ tịch Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đã dẫn đầu một đoàn cán bộ Quảng Ninh đến Thâm Quyến. Lòng yêu thích mô hình đặc khu của Trung Quốc đã tạo tin đồn rằng ông Chính là người đứng sau ý tưởng thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh, và dự thảo luật Đặc khu kinh tế. Dự thảo luật đặc khu sau đó đã bị rút lại do cuộc biểu tình công khai cho rằng luật này sẽ có lợi cho Trung Quốc.
Việc ông Chinh giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị Nghị sĩ Việt Nhật giúp ông có thêm vai trò chính thức trong quan hệ đối ngoại. Ông Chính đã đến thăm Nhật Bản vào năm 2016 và gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khi ông Suga thăm Việt Nam năm ngoái. Ông Chính mặc dù không có kinh nghiệm làm việc với các nước phương Tây như Hoa Kỳ ngoại trừ chuyến thăm ngắn hạn tới Phần Lan và Vương quốc Anh vào năm 2018. Là Thủ tướng, ông Chính sẽ cần phải xem xét cẩn thận các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, kinh nghiệm trước đây của ông với Nhật Bản có thể có ích.
Con đường dẫn tới vị trí thủ tướng của ông Chinh có vẻ như sẽ được dọn sẵn. Tuy nhiên, di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc và thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế cũng như chống chọi với đại dịch còn rất lớn. Ông Phúc được bầu làm Chủ tịch nước. Người ta sẽ chú ý đến việc ông Chính chèo lái đất nước đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội tại Đại hội 13 đưa ra.
Nguồn: https://fulcrum.sg/vietnams-emplete-next-prime-minister/T