VNTB – Vắc xin nội vẫn dậm chân tại chỗ?

VNTB – Vắc xin nội vẫn dậm chân tại chỗ?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Vắc-xin nội địa chưa được phê duyệt sử dụng sớm như kỳ vọng của người dân

 

Cuối quý 3 năm ngoái, truyền thông Việt Nam đưa tin, Công ty TNHH một thành viên vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam. Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác chuyển giao công nghệ giữa VABIOTECH và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), với tham vọng sản xuất vắc-xin Covid-19 Sputnik V cho Việt Nam và cả các quốc gia trong khu vực.

Trước đó, vào tháng 3-2021, Bộ Y tế đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Sputnik V cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19.

Cho đến hiện tại thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục trì hoãn việc phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Sputnik V của Nga giữa khủng hoảng Ukraine.

Thực tế cho thấy không liên quan vấn đề cấm vận gì hết ở đây, vì trước khi xảy ra việc Nga xâm lược Ukraine thì Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng chưa phê duyệt cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin này. Mà khi chưa được cấp phép sẽ dẫn đến việc công dân Nga và các nước chọn tiêm ngừa vắc-xin Sputnik V gặp khó khăn khi nhập cảnh vào liên minh châu Âu hay Mỹ.

Tương tự, vắc-xin ngừa Covid-19 Abdala của Cuba cũng chưa nhận được sự phê duyệt của WHO trong trường hợp sử dụng khẩn cấp. Thế nhưng từ tháng 9-2021, Bộ Y tế đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Abdala. Không chỉ vậy, Bộ Y tế còn đồng ý tăng hạn sử dụng vắc-xin Covid-19 Abdala của Cuba từ 6 tháng lên 9 tháng ở điều kiện bảo quản từ 2 đến 8 độ C.

Tin tức trên báo chí cho biết, trong chuyến làm việc hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện Bộ Y tế đã thỏa thuận mua 10 triệu liều vắc-xin Abdala.

Trong khi đó thì đến chiều 23-3, khi cả nước đã tiêm trên 202 triệu liều vắc-xin phòng Covid đủ các loại từ “được chấp nhận” đến “chưa phê duyệt” của WHO, thì vẫn chưa có một loại vắc-xin “Made in Vietnam” nào có thể góp mặt, dù từ tháng 5-2020 hai loại vắc xin Nanocovax và Covivac được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt “danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch Covid-19”.

“Cho đến nay ở Việt Nam chưa một công ty tư nhân nào nghiên cứu một loại vắc xin có số mẫu thử gần 14.000 người, đặc biệt đây lại là vắc xin phòng Covid-19” – đại diện công ty Nanogen nói. Và trong suốt hai năm qua, với các giai đoạn thử nghiệm, không biết bao lần kiểm tra đánh giá từ Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng y đức (Ban đánh giá vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế)… vắc-xin Nanocovax vẫn chưa được ra lò như mong đợi.

Mục tiêu sản xuất 10 triệu liều/tháng, dự kiến đến tháng 1-2022 công suất sẽ được nâng cấp lên, đạt khoảng 30 triệu liều/tháng của Công ty Nanogen vẫn chưa trở thành hiện thực.

Tính đến 13-12-2021 ở yêu cầu gọi là “cắt dữ liệu”, giải mù nghiên cứu, có hơn 100 người trong nhóm đã tiêm mắc Covid-19. Hiệu lực bảo vệ của vắc-xin Nanocovax đạt 52%, tức là trên mức tiêu chuẩn theo chuẩn của WHO.

Tuy nhiên, vắc-xin này vẫn đang dừng ở khâu chờ xác nhận dữ liệu báo cáo cập nhật tiến độ. Và mặc dù Nanocovax đã 2 lần vượt qua “cửa” Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia, thì số phận của vắc-xin này ra sao vẫn là một dấu hỏi, nhất là bối cảnh hiện tại đang có quá nhiều bê bối về vấn đề sinh phẩm y tế Covid đến từ liên bộ Y tế – Khoa học và công nghệ.

Trong khi đó, Covivac – sản phẩm của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang – cũng bế tắc không kém khi bị tắc ngay sau khi thử lâm sàng giai đoạn 2. Lý do thời điểm tắc là không tìm đâu ra người chưa tiêm chủng để mời tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a và 3b theo quy định của Bộ Y tế, trong khi bình thường khâu này sẽ diễn ra vào tháng 12-2021 nhưng thời điểm đó hầu hết người dân đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid.

Một chuyên gia trong Hội đồng đạo đức khẳng định so với các loại vắc-xin trên thế giới thì chất lượng của vắc xin Nanocovax “yếu hơn một chút”; song song đó các yêu cầu của Bộ Y tế hơi chặt chẽ, do đó vắc-xin chưa được phê duyệt sử dụng sớm như kỳ vọng của người dân!

Vậy thì “hơn một chút” và “hơi chặt chẽ” đó vì sao không được áp dụng đối với Sputnik V và Abdala?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Vậy thì “hơn một chút” và “hơi chặt chẽ” đó vì sao không được áp dụng đối với Sputnik V và Abdala?”

    Vài điều từ câu này ra “chuyên gia trong Hội đồng đạo đức khẳng định so với các loại vắc-xin trên thế giới thì chất lượng của vắc xin Nanocovax “yếu hơn một chút”. Có nghĩa Sputnik và Abdala là giới hạn cuối cùng có thể cho phép, & Nanocovax hiện chưa đạt hiệu quả bằng Sputnik hoặc/và Abdala.

    Bài này, nói thế nào nhỉ, rất khách quan & lô dít . Ngay cả nếu những điều đó có thiếu vắng, tính tự hào dân tộc đã có thể bù đắp cho những thiếu sót về tất cả những cái khác, nếu có .