Út Sài Gòn
(VNTB) – Không có nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt vì nhiều trường hợp trùng họ.
Lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an khẳng định mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam được xây dựng theo “đúng quy định pháp luật, đúng thông lệ quốc tế, không có vấn đề gì sơ suất”.
“Hộ chiếu đúng quy định, đúng thông lệ quốc tế, nên với những động thái đơn phương từ phía Đức thì Việt Nam sẽ làm việc qua đường ngoại giao. Tất cả làm theo pháp luật quy định, quyền lợi công dân sẽ được đảm bảo thông qua đường này” – lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) khẳng định như vậy với giới truyền thông.
Trên trang web “Các cơ quan đại diện Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam” (https://vietnam.diplo.de/vn-vi) cho biết như sau:
“Kể từ bây giờ, Cơ quan đại diện Đức không thể cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than (có số Serial bắt đầu bằng „P“).
Điều đó có nghĩa là: Nếu quý vị có quyển hộ chiếu như vậy thì quý vị không thể nộp hồ sơ xin thị thực. Quý vị có thể xem thêm thông tin ở đây:
Các câu hỏi thường gặp:
Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến tôi, nếu như tôi có quyển hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than và đã được cấp thị thực trong đó?
Nếu quý vị đã được cấp thị thực, chúng tôi khẩn thiết khuyên quý vị không nên đến Đức. Bởi vì có nguy cơ quý vị sẽ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới. Chúng tôi sẽ liên lạc riêng với quý vị về việc này.
Tôi có thể nộp hồ sơ xin thị thực với hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than không?
Rất tiếc hiện tại quý vị không thể nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh Đức (thị thực loại C hoặc D) với hộ chiếu như vậy. Hồ sơ của quý vị không được tiếp nhận cho đến khi có thông báo khác.
Tiếp theo sẽ như thế nào?
Theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng nội địa Đức, quy định nêu trên được áp dụng cho đến khi có thông báo khác. Chúng tôi rất tiếc về sự bất tiện này. Nếu có thông tin mới về vấn đề này, chúng tôi sẽ thông báo ngay cho quý vị biết”.
Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết Cơ quan Nội vụ Đức tạm thời chưa công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, được cấp từ ngày 1-7-2022, vì thiếu thông tin về nơi sinh.
Phía Đại sứ quán Đức cho biết mẫu hộ chiếu mới không có nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt vì nhiều trường hợp trùng họ. Do vậy, theo cơ quan này, phía Đức chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và thông qua việc đối chiếu với một danh sách dài 7 trang. Tuy nhiên, đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được.
Vì thế, Đức sẽ không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu thuộc mẫu mới màu xanh tím than có số series bắt đầu bằng chữ “P”. Người mang mẫu hộ chiếu mới sẽ không được nhập cảnh vào Đức để lưu trú ngắn hạn.
Trong Công hàm được Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 27-7-2022, có đoạn viết:
“Không có nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt vì nhiều trường hợp trùng họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được. Trong khi kiểm tra ở Đức (khi nhập cảnh, xuất cảnh, khi kiểm tra trong nước) sẽ phải luôn đối chiếu bằng thủ công với danh sách. Không thể cho rằng, mỗi một người làm nhiệm vụ kiểm tra đều có danh sách này.
Thêm vào đó hiện nay có nhiều hộ chiếu nộp vào Đại sứ quán mà không có số định danh cá nhân, đa số là hộ chiếu của vị thành niên, cũng như một số hộ chiếu mà nơi sinh tìm thấy được lại không trùng khớp với nơi sinh thực sự”. (dừng trích).
Nhà báo N.B.N của hãng BBC (Anh quốc) nói rằng nơi sinh có lẽ là một trong những thông tin quan trọng nhất có trong hộ chiếu. Nếu không có thông tin này, các quốc gia có quyền từ chối chấp nhận hộ chiếu, hoặc thậm chí từ chối nhập cảnh. Bởi vì thiếu “nơi sinh” được coi là mối đe dọa an ninh. Nơi sinh, họ tên, ngày sinh, cùng với thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm khuôn mặt) được kiểm tra dựa trên cơ sở dữ liệu quốc tế về những kẻ tình nghi và khủng bố.
Hơn nữa, nơi sinh không bao giờ thay đổi, bất kể người đó có bao nhiêu hộ chiếu, thậm chí được cấp bởi các quốc gia khác nhau. Ngày sinh, nơi sinh không bao giờ thay đổi đối với một cá nhân và nó giúp định danh một người cụ thể.
“Qua vụ nước Đức không chấp nhận hộ chiếu mới của người Việt mới thấy cách làm của Việt Nam thật không giống ai. Khác với nhiều nước trên thế giới, mọi giấy tờ hành chánh mà người trong nước đang xử dụng đều không ghi nơi sanh. Chánh quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa quy định người dân chỉ khai nguyên quán hoặc quê quán. Riêng sổ hộ chiếu thì có phần nơi sanh, cái này chắc là do quy định của quốc tế nên họ buộc phải theo.
Trước năm 1975 ở miền Nam mọi thứ giấy tờ quan trọng của người dân đều phải ghi rõ nơi sanh. Không hiểu sao chánh quyền này họ luôn coi trọng nguyên quán hơn là nơi chốn con người được sanh ra?” – một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hiện sống tại Sài Gòn, thắc mắc.
Thế nhưng với những “chống chế” của lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), và cách ứng xử ngoại giao hiện tại của Đức, lẽ nào là “huề cả làng” khi phôi cho hộ chiếu lại lẳng lặng được thay đổi?