Việt Nam Thời Báo

VNTB – Về hội nhập giáo dục quốc tế

Phản động

 

Nguyễn Đình Cống

 

(VNTB) – Nghe  ai nói đến dân chủ, tự do, tiến bộ, nhân quyền  thì họ giãy lên như đỉa phải vôi và ra sức vu vạ cho người nói đủ mọi điều xấu xa.

 

Vừa qua tôi xem clip “Một mưu đồ thâm độc nguy hiểm” do BTV Thu Hương thực hiện, PGS Đỗ Cảnh Thịnh, phó Viện trưởng an ninh phi truyền thống trình bày trên youtube, thuộc chương  trình “Góc nhìn sự thật”.  Chủ đề của clip là “Nguy cơ hội nhập quốc tế về giáo dục”.

Trời ơi, hội nhập quốc tế về giáo dục thì nguy cơ ở đâu ra kia chứ, mưu mô thâm độc nguy hiểm do ai chủ trương kia chứ. Tôi hơi bàng hoàng khi nghĩ rằng mưu đồ thâm độc nguy hiểm không phải do sự hội nhập  mà do an ninh của đảng gây ra. May thay, sau clip của Thu Hương, tôi xem được clip của Mẹ Nấm với tiêu đề “Nâng cao giáo dục là mưu đồ thâm độc nguy hiểm”. Tôi thấy Mẹ Nấm đã vạch ra gần đầy đủ trò nguỵ biện xảo trá  của ông PGS Thịnh. Viết bài này tôi chỉ  làm việc “tát nước theo mưa”.

Ông Thịnh dựa trên một nguyên lý là hội nhập quốc tế để tiếp thu những điều hay, việc làm tốt của nhân loại nhưng phải chọn lọc, phải ngăn chặn những gì không hợp với Việt Nam. Nghe qua thì thấy đúng. Cũng như ăn hoặc uống thực phẩm/dược phẩm. Phải chọn lọc kỹ càng, chỉ ăn uống những thứ thích hợp, chứ vớ phải đồ độc hại thì nguy. Chọn lọc nghĩa là đặt một hệ thống ở đầu vào, chỉ cho lọt qua những thứ hợp với ý muốn của an ninh. Nhưng khốn nỗi, an ninh đang phục vụ đắc lực thể chế độc tài toàn trị của đảng cầm quyền, rằng “còn đảng còn mình” mà phản lại quyền lợi của dân tộc, của đất nước bằng cách “nói một đàng làm một nẻo khác”. Nói, viết thì toàn bàn đến việc học những chuyện hay, nhưng làm thì phần nhiều là làm bậy , gây ra thảm họa cho dân, cho nước. 

Tạm phân việc hội nhập giáo dục thành hai lĩnh vực, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên cùng công nghệ.

Về khoa học xã hội, hiện nay Việt Nam chỉ thích học Trung quốc các thủ đoạn thống trị độc quyền, các biện pháp khống chế và lừa dối dân, các mưu lược nhằm loại bỏ những kẻ không cùng phe cánh. Trung quốc cũng có những mưu đồ thâm độc nguy hiểm, nhưng những người cuồng tín như ông Thịnh không những không thấy mà con tưởng nhầm là lòng tốt của bạn quý, của thầy giỏi, lại ra sức đề cao.

Về khoa học tự nhiên và công nghệ, Việt Nam phải hội nhập với các nước có nền khoa học tiền tiến như Nhật, Hàn, Đài loan, Âu, Mỹ, nhưng không muốn học những điều cơ bản dựa trên sáng tạo mà chỉ thích đi tắt, đón đầu, chụp giựt. Lại vừa học vừa đề phòng  người ta là thế lực thù địch cài đặt những tư tưởng chống cộng, nay một ít, mai một ít, rất khó nhận diện, để làm phai nhạt lý  tưởng phụng sự tổ quốc, để lợi dụng hợp tác quốc tế về giáo dục mà thực hiện phá hoại, mà lồng ghép một số nội dung khác với đường lối của đảng, kích động để làm thay đổi những điều đảng chủ trương, làm cho những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiêm sống, dễ bắt chước, làm theo mà nhận thức mơ hồ về nhà nước, mất niềm tin, thiếu động lực, không hiểu đúng bản chất của xã hội. tiến tới vi phạm pháp luật.

Những điều vừa trình bày chứng tỏ ông Thịnh là một điển hình về sự thể hiện của “Quy luật hấp dẫn”, rằng đầu óc bạn luôn nghĩ về điều gì (tốt đẹp hoặc xấu xa) thì gặp ai bạn  cũng thấy họ như thế. Tôi không tin vào điều, rằng các nhà giáo, nhà khoa học các nước văn minh lại cố tình cài những vấn đề liên quan đến chính trị vào bài giảng. Khi họ khêu gợi cho sinh viên lòng yêu tự do thì không nhằm lên án cộng sản thù ghét tự do của người dân mà chỉ vì tự do là điều kiện cần của sáng tạo.

Chính vì đảng cộng sản chủ trương nhiều điều phản dân chủ, phản tự do, phản tiến bộ, phản nhân quyền nên khi họ nghe  ai nói đến dân chủ, tự do, tiến bộ, nhân quyền  thì họ giãy lên như đỉa phải vôi và ra sức vu vạ cho người nói đủ mọi điều xấu xa. Rồi họ tìm cách dọa nạt, rằng nếu ai nghe những điều không phù hợp đường lối của đảng trong các vấn đề tôn giáo, nhân quyền, pháp luật, an ninh, biên giới v.v…thì sẽ không đủ khát vọng vươn lên để xây dựng bản thân và xây dựng đất nước, họ không hiểu được “hậu quả” cho gia đình mà “tránh”.

Sau khi phân tích như trên tôi muốn góp ý với Mẹ Nấm rằng nên thêm vào đầu đề video của bạn hai chữ “Phải chăng” thành : Phải chăng nâng cao giáo dục là mưu đồ thâm độc nguy hiểm.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chứng chỉ tiếng anh: đổi tên làm gì cho khổ!

Do Van Tien

VNTB – Ký túc xá

Do Van Tien

VNTB – Thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học: thời giảng đường không còn lý tưởng.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo