Ngọc Vân
(VNTB) – “Nhất thân Nhì thế. Tam quyền. Tứ chế.”
Luật sư Lê Văn Hòa tuyên bố bỏ nghề luật sư
Việc luật sư Lê Văn Hòa tuyên bố bỏ nghề đã gây xôn xao dư luận và tốn nhiều giấy mực của các cây bút có ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam. Trong bài viết này, tôi có một số nhận xét về mức độ thực thi công lý ở Việt Nam trong một số nhóm quan hệ khác nhau. Nói một cách cụ thể, từ khi Đảng Cộng Sản lên nắm quyền, chưa bao giờ có công lý trong những tranh chấp tư pháp giữa nhà nước (state) và các đối tượng khác.
Ở những nhóm quan hệ còn lại, mức độ thực thi công lý giảm dần từ các tranh chấp giữa người dân với nhau, đến các tranh chấp giữa người dân với những cá nhân, tổ chức dân sự có quyền thế, đến các tranh chấp giữa người dân và các tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan chính quyền (công cụ của nhà nước).
Trước hết, không hề có công lý trong các tranh chấp giữa nhà nước và các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Ngày từ những ngày đầu sau ngày 30 Tháng 4 năm 1975, các tranh chấp lớn đã nỗ ra giữa nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự. Ví dụ, nhà nước muốn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất quy phục họ. Giáo Hội muốn độc lập. Kết quả là hàng loạt các lãnh đạo của Giáo Hội đã bị tù đày, giết hại. Trong số các nạn nhân có Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Thiện Minh.
Tương tự, trong các tranh chấp giữa các cá nhân với nhà nước, công lý cũng bị vùi dập. Người ta có thể thấy qua rất nhiều cá nhân. Để đưa ra vài ví dụ, có thể kể đến Linh mục Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Hoàng Minh Chính, Phạm Chí Dũng. Độc giả có thể xem danh sách đầy đủ các nạn nhân còn sống trên Trang web Project88.org. Có thể nói, các cá nhân và các tổ chức dân sự không có cơ hội trong các tranh chấp với Nhà nước Việt Nam trong các vụ kiện liên quan đến lợi ích cốt lõi của họ.
Tuy vậy, công lý, nhìn chung, vẫn được thực thi ở những mức độ khác nhau. Câu nói dân gian “Nhất thân Nhì thế. Tam quyền. Tứ chế.” Thể hiện rõ thực trạng này.
Công lý được thực thi ở mức độ cao nhất trong các tranh chấp giữa những người dân với nhau. Có thể người dân vẫn phải hối lộ để vụ kiện được xử nhanh hơn. Tuy vây, nhìn chung, do quyền lợi của nhà nước không bị ảnh hưởng trong những vụ kiện này, hệ thống tư pháp – dù tôi không có con số thống kê –, theo tôi, hoạt động hiệu quả trong phạm vi nguồn lực cung cấp cho nó.
Trong tranh chấp giữa người dân và những cá nhân, tổ chức có quyền lực trong xã hội, mức độ thực thi công lý của hệ thống tư pháp giảm đáng kể. Một trong những vụ án nổi đình đám liên quan đến công ty Tân Hiệp Phát và nhãn hiệu nước giải khát Number 1. Người phát hiện ra con ruồi trong chai nước do hãng này sản xuất đã bị kết án 7 năm tù giam(1). Gần đây, vụ Vinfast cũng đã có những dấu hiệu cán công lý bị nghiêng về phía kẻ mạnh(2).
Ở những mức độ thấp hơn, công lý thỉnh thoảng vẫn được thực thi khi nhà nước và các quan chức đương quyền không bị thiệt hại gì đáng kể. Ông Huỳnh Văn Nén, ở Bình Thuận, bị tù oan 17 năm trước khi được minh oan. Trong khi đó, các quan chức đã làm tan nát cuộc đời ông chỉ bị kiểm điểm(3). Những trường hợp mà công lý được thực thi, ở một mức độ hạn chế, không phải là trường hợp duy nhất. Ngoài những trường hợp nổi đình đám và được nhiều người biết đến(4), có lẽ còn nhiều trường hợp khác.
Tóm lại, trừ các tranh chấp giữa Nhà nước và người dân hay các tổ chức xã hội dân sự, công lý vẫn được thực thi ở các mức độ khác nhau trong những nhóm quan hệ khác. Vai trò của các luật sư trong hệ thống tư pháp vẫn rất cần thiết.
______________
Tài liệu tham khảo
https://vnexpress.net/12-can-bo-gay-oan-sai-cho-ong-huynh-van-nen-bi-kiem-diem-3673675.html
https://zingnews.vn/nhung-vu-an-oan-chan-dong-o-viet-nam-post671970.html