Cửu Long
(VNTB) – Tài phán hiến pháp, cũng tương tự như tất cả các hoạt động được xem là tài phán khác, đều hướng tới xét xử các hành vi mà nguyên đơn cho là đã vi phạm pháp luật, chứ không hướng tới phòng ngừa việc vi phạm pháp luật xảy ra.
Đối tượng xét xử của tài phán hiến pháp thường có hai nhóm: tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định, và các khiếu kiện của công dân về việc quyền cơ bản của họ bị các cơ quan nhà nước vi phạm.
Nhìn từ nhà báo – công dân Phạm Chí Dũng
Ở đây có hai đơn cử để dễ hình dung: thứ nhứt, pháp luật Việt Nam không dành bất kỳ điều khoản nào về quyền hạn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó mọi sự can thiệp của Tổng bí thư Đảng vào công việc quản trị quốc gia, có thể được xem là một tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định.
Thứ hai, xin dẫn chứng cụ thể bằng trường hợp của công dân Phạm Chí Dũng, người đang vướng vòng lao lý với cáo buộc vi phạm điều luật 117, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Bằng các bài viết đăng công khai trên VOA tiếng Việt, báo Người Việt, trang Việt Nam Thời Báo, cũng như qua những cuộc hội luận trên sóng của BBC tiếng Việt, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông nước ngoài, ông Phạm Chí Dũng bằng quyền Hiến định dành cho công dân như tại các điều:
“Điều 14.1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; “Điều 16. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Điều 25. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”….,
Ông Phạm Chí Dũng đã lên tiếng kêu gọi cần thực thi đầy đủ, minh bạch những quyền Hiến định đó, bao gồm cả quyền người dân được giám sát, chỉ trích, phê phán về những sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi tại “Điều 4.2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, và “Điều 4.3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Như vậy, khi dùng điều luật 117, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) để buộc tội công dân Phạm Chí Dũng, có thể xem đó thuộc nhóm tài phán hiến pháp về các khiếu kiện của công dân trong quyền cơ bản của họ bị các cơ quan nhà nước vi phạm.
Bộ Chính trị không chịu sự chế tài của luật hiến pháp?
Trở lại với vấn đề đối tượng xét xử của tài phán hiến pháp.
Nếu trao cho cơ quan tài phán hiến pháp nhóm đối tượng xét xử tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định, thì dẫn đến cơ quan tài phán hiến pháp có quyền làm rõ phạm vi thẩm quyền, và có thể nói, gián tiếp phân định thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định khác.
Điều này đặc biệt khó lý giải trong các quốc gia có chính thể cộng hòa nghị viện tương tự như Việt Nam. Nếu như cơ quan tài phán hiến pháp có quyền phân định thẩm quyền giữa nghị viện và chính phủ, liệu có phải cơ quan tài phán này đứng cao hơn nghị viện?
Nghị viện là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra, cơ quan tài phán hiến pháp không do nhân dân trực tiếp bầu ra, nhưng cơ quan tài phán này lại có quyền tuyên bố một đạo luật của nghị viện là vi hiến, và không có giá trị áp dụng. Như vậy, nó có mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ đa số hay không?
Liên quan đến nhóm đối tượng xét xử thứ hai là các khiếu kiện của công dân về việc quyền cơ bản của họ bị các cơ quan nhà nước vi phạm, thì tài phán hiến pháp là vấn đề chủ thể của quyền cơ bản. Ở hầu hết các quốc gia, nguyên đơn của vụ án liên quan quyền cơ bản còn bao gồm cả các pháp nhân, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo.
Chương II, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 mang tên “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, liệu có chúng ta có thể chấp nhận trường hợp nguyên đơn là một pháp nhân trước cơ quan tài phán hiến pháp hay không? Nếu không thì tại sao? Vấn đề chủ thể của quyền cơ bản cũng liên quan câu hỏi, liệu quyền cơ bản có bảo vệ cả những người đã chết hay không? Qua thực tiễn tài phán hiến pháp của các nước trên thế giới thì quyền cơ bản sẽ chấm dứt sau khi chết, ngoại trừ một loại quyền: quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm.
Bàn luận quanh vấn đề trên, theo nhóm tác giả Võ Trí Hảo – Hà Thu Thủy, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì Việt Nam cần phải giải quyết thêm hai vấn đề:
Thứ nhất, liên quan đến nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa. Nếu loại bỏ vấn đề xem xét tính hợp hiến của đạo luật của Quốc hội ban hành ra ngoài phạm vi thẩm quyền của cơ quan tài phán hiến pháp, thì nội dung cốt lõi nhất của tài phán hiến pháp đã bị cắt gọt đến mức, có thể nó không còn được hiểu là tài phán hiến pháp nữa, mục đích xây dựng tài phán hiến pháp không thành.
Ngược lại, cơ quan tài phán hiến pháp mà có thẩm quyền này, nó sẽ xung đột với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất ở Điều 2 Hiến pháp hiện hành, trực tiếp mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Điều 69. Và, nếu chúng ta sửa đổi hai điều khoản này thì có bị xem là chệch định hướng xã hội chủ nghĩa hay không?
Thứ hai, theo cách hiểu truyền thống, pháp luật chỉ là một hình thức thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, còn tòa án là công cụ bạo lực của giai cấp này đối với giai cấp khác, và cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ở hình thức mới, cấp độ mới.
Nếu vẫn giữ nguyên cách hiểu này, thì tài phán hiến pháp ở Việt Nam không có trách nhiệm bảo vệ quyền cơ bản của những người bị xếp vào giai cấp bị trị, thậm chí là phải đấu tranh với họ, loại bỏ họ.
Còn đối với giai cấp thống trị, họ đã nắm giữ quyền lực nhà nước trong tay, nên việc quyền cơ bản của họ bị vi phạm bởi các cơ quan nhà nước là không đặt ra, và tài phán hiến pháp cũng không cần thiết đối với họ. Kết quả là tài phán hiến pháp hoàn toàn không cần thiết cho bất cứ ai ở Việt Nam.
Cái khó lớn nhất: chưa có luật về đảng chính trị
Và với lập luận nói trên, quay trở lại hai ví dụ ở phần đầu bài viết cho thấy câu trả lời xem ra khá đơn giản: Thứ nhứt, với thể chế đơn đảng chính trị cầm quyền, thì chuyện Tổng bí thư toàn quyền là đương nhiên. Thứ hai, một khi đã toàn quyền, thì bất kỳ ý kiến nào đi ngược lại với chính sách của Tổng bí thư, người đó sẽ đối mặt tù tội cũng là chuyện rất đổi bình thường.
Thế nhưng Việt Nam hiện đã tham gia vào cam kết về Điều ước quốc tế nên pháp luật của Việt Nam không thể cứ dẫm chân tại chỗ theo ý chí bảo thủ của đảng chính trị.
Vì lợi ích dân tộc, cần lý giải các vấn đề lý luận nêu trên, qua đó góp phần giúp Việt Nam lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp phù hợp nhất, thời điểm chín muồi để thành lập cơ quan tài phán hiến pháp.