VNTB – Việt Nam sẽ xuất khẩu ‘cách chống tham nhũng’?

VNTB – Việt Nam sẽ xuất khẩu ‘cách chống tham nhũng’?

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Giá chuyển nhượng có thể chỉ tượng trưng bởi đây còn là cách để tiếp thị một sản phẩm mới ‘made in Nguyen Phu Trong’.

 

Vinh danh Nguyễn Phú Trọng

Là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người viết bài này cũng ‘phấn khởi’ với các tin tức từ báo chí của Đảng đang rất hồ hỡi cho biết, tối 6-10 (theo giờ địa phương), Tổng bí thư Đảng Lao động (PT) Mexico Alberto Anaya Gutiérrez đã gặp và chiêu đãi trọng thể đoàn đại biểu Việt Nam, do Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học làm trưởng đoàn, đang có chuyến thăm, tham dự hội thảo quốc tế “Các chính đảng và một xã hội mới” tại Mexico.

Tại đây, ông Alberto Anaya đã dành nhiều thời gian giới thiệu về Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ lịch sử cách mạng vẻ vang, bất khuất của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông nêu rõ dù khó khăn thế nào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là mô hình, tấm gương để các đảng cánh tả, phong trào tiến bộ khu vực Mỹ Latinh và Mexico học tập, noi theo.

Đáng chú ý, theo tường thuật thì Tổng bí thư Đảng PT giải thích rõ việc có tình cảm đặc biệt với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải vì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, mà vì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được nhân dân Việt Nam vô cùng yêu quý.

Như vậy, sự tôn kính mà Tổng bí thư Đảng PT dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam đương đại đã xướng danh cái tên thứ ba sau Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp, đó chính là Nguyễn Phú Trọng.

Học tập ‘công nghệ đốt lò Nguyễn Phú Trọng’

Bà Carmen Moreno Toscano, thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mexico, Hạ nghị sĩ Sofia Carvajal, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đảng Cách mạng thể chế (PRI) cho biết rất quan tâm nghiên cứu về kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, các chính đảng đều đánh giá cao cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo và mong muốn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.

Cá nhân tôi dù là một đảng viên có lời thề trung thành với Đảng lúc tuyên thệ, nhưng không vì vậy mà cuồng tín tin vào những lời ve vuốt như tường thuật của báo chí ở trên, bởi nhiều lẽ rất cụ thể và thuần lý tính sau đây mà bất kỳ người cộng sản chân chính nào cũng tỉnh táo suy xét:

Trước hết, Việt Nam đơn đảng phái chính trị nên các chính sách phòng, chống tham nhũng không chịu sự cạnh tranh nào, sự giám sát nào mang tính khách quan hơn từ những đảng phái chính trị khác. Điều này cho thấy kết quả được cho là thành tích của “phòng, chống tham nhũng – tiêu cực” ở Việt Nam là những thông tin công bố sao thì biết vậy. Liệu có yếu tố thanh trừng nội bộ giữa các phe nhóm quyền lực hay không thì khó thể đoan chắc.

Vấn đề tiếp theo cũng từ việc đơn đảng chính trị nên ngay từ ban đầu của yêu cầu “cơ cấu cán bộ nguồn” cho thấy thiếu sự giám sát mang tính cạnh tranh ‘soi mói đa chiều’ tương tự như ở các quốc gia đa đảng, và chính điều này dẫn đến dường như ở Việt Nam ‘càng chống thì càng nở nồi’ đa dạng hơn về những hình thái/ sắc thái tham nhũng.

Cần những phiên bản cập nhật của ‘công nghệ đốt lò’

Nói như cách của cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”, thì mấu chốt vẫn là công tác cán bộ, nói cách khác con người chính là yếu tố “cốt tử” trong phòng chống tham nhũng.

Cần phải trả lời cho bằng được thắc mắc: vì sao lại có những cán bộ hư hỏng đến mức vướng vòng lao lý như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng… Phải chăng lúc đầu có thể chúng ta lựa chọn được cán bộ có tài, đức, nhưng trong quá trình công tác, họ đã không vượt qua được những cám dỗ. Và do không có sự kiểm soát quyền lực mang tính cạnh tranh thì người có quyền sẽ dễ tha hóa.

Trước mắt, nếu thực sự có quyền dân chủ ngay trong chính nội bộ của đảng mà mình là đảng viên, từ những vụ án xảy ra thời dịch giã Covid-19, tôi chắc chắn sẽ yêu cầu xem các lãnh đạo có sự dung túng, bao che, dung dưỡng cho những thư ký, trợ lý này làm điều sai trái, vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, cần xem xét, xử lý trách nhiệm một cách nghiêm minh những quan chức cấp cao này, chứ không thể chỉ là ‘cáo lão hồi hưu’ là… phủi trách nhiệm.

Như vậy, nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn ‘chuyển nhượng công nghệ lò đốt tham nhũng’, ông cần có những ‘phiên bản cập nhật’ thích hợp trong yêu cầu đa đảng phái chính trị luôn cạnh tranh, ‘dòm ngó’ nhau và sẵn sàng ‘chỉ trích tới cùng’ cho những sai phạm của nhau, chứ không xuê xoa kiểu “Diệt chuột đừng để vỡ bình quý” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường lưu ý khi muốn nói rằng “bình quý” ở đây chính là sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)