Giang Nam
(VNTB) – Vật chất cấp tập dồn dập liệu có thể dập tắt đau thương ngay được chăng ? Quả là bất nhẫn vì hành vi đánh bóng tên tuổi và quảng cáo lộ liễu.
Vụ tai nạn kép máy bay SU và CASA đã nóng lên trong bao bức xúc trăn trở, xúc động tình cảm của đông đảo công chúng cũng như các cấp lãnh đạo.
Vụ này sẽ còn kéo dài chưa dễ khép ngay được vì nguyên nhân tai nạn chưa được làm rõ.
Và còn nảy sinh những lùm xùm kép theo sau vụ tai nạn thảm khốc.
Nhớ ngày xưa trước 1975 tôi nghe tin báo tử của người làng khi rải rác khi dồn dập. Lúc đầu còn hoảng hốt kinh sợ, sau quen dần, mỗi khi nghe nói nhà anh A, anh B có cán bộ huyện đội về làng, rủ một cán bộ xã cùng đến nhà thân chủ đưa tờ giấy báo tử. Chúng tôi nghe quen rồi cũng chỉ giật mình một cái rồi buột miệng “Thế à” rồi im lặng. Bà con lối xóm tối đến nhà liệt sĩ, ngồi uống chè hút thuốc lào, nói chuyện rì rầm. Chẳng có chuyện gì bàn. Tờ giấy báo tử chỉ ngắn gọn một câu (Đ/c A…chức vụ cấp bậc, hi sinh ở mặt trận M, ngày tháng năm). Đốt nén nhang vái trước bàn thờ, ngồi một lúc nói lời an ủi động viên tang chủ, rồi về.
Sau hòa bình, chuyện những gia đình tự đi tìm hài cốt liệt sĩ thân nhânkhắp nơi ở miền Nam có khi lội sang tận Campuchia, Lào, nhiều chuyện lắm. Mặc dù có được hỗ trợ phần nào của tỉnh đội, nhưng có nhiều người thân dành dụm tiền bạc chịu gian khổ vào Nam ra Bắc. Bởi gia đình họ chờ đợi quân đội tìm kiếm mỏi mòn không nổi nữa. Những anh em cháu của liệt sĩ chiều theo nguyện vọng cuối cùng của ông bà già sắp tắt. Sự mỏi mòn rầu rĩ của cha mẹ như thúc giục họ lên đường. Dù tìm được hay không cũng là liệu pháp tâm lý an ủi người già, tôi đã gặp nhiều người quen khi họ vào Nam tìm kiếm… Sau này sẽ có nhiều tập sách ghi lại những câu chuyện đi tìm hài cốt người thân liệt sĩ, tìm đồng đội. Đó là một chương sử bi đát của dân tộc sau những trang oai hùng dày cộp đã chiếm phần lớn cuốn sử Việt Nam.
Gần hơn, cuộc chống trả Trung cộng xâm lược năm 1979, hàng vạn liệt sĩ ngã xuống tức tưởi vì bị tấn công bất ngờ 4 giờ sáng đang lúc ngủ say và sự cản phá quân TQ tràn ngập ở biên giới phía Bắc suốt một tháng ròng. Chưa kể hàng nghìn dân chúng chết oan vì đại bác, tiểu liên, lựu đạn. Hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở sản xuất bị đốt phá tan nát. Truyền hình và báo chí chưa đưa hình ảnh bất kỳ liệt sĩ thương binh và đồng đội còn sống nào cả. Đừng nói tới chuyện đài báo đi tới gia đình trịnh trọng tặng quà với chụp ảnh ! Ngư dân cột mốc “chủ quyền sống” (như ca tụng của nhà nước) miền Trung bị bọn giặc hàng xóm giết hại. Vụ một thợ lặn xấu số tên Lê Văn Ngày ở Hà Tĩnh vì muốn tìm hiểu sự thật mà lặn xuống ống thải, bị chết vì nhiễm độc Formosa cực mạnh, chưa thấy đài báo đưa hình và không ai đến tặng quà cho thân nhân họ.
Đương nhiên người ta có quyền so đo và hiểu rằng: thì ra sinh mạng của một phi công quân đội đang trực tiếp bảo vệ chế độ này được coi trọng hơn sinh mạng chiến sĩ khác, người khác. Một sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được đánh giá cao hơn người lính khác, phải không ?
Chuyện liên quan, VTV mới đưa tin: trong khi các “tượng đài nghìn tỷ trăm tỷ” được nhà nước chi ngân sách để “nhân bản vô tính” thì những cựu chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên biên giới phía Bắc vừa tự góp lương hưu lập đài tưởng niệm đồng đội của họ chết dưới tay Trung cộng”. Xin báo trước hệ lụy chuyện này không nhỏ đâu.
Đền ơn đáp nghĩa
Gia đình liệt sĩ phi công Trần Quang Khải được các cấp chính quyền, quân đội và dân chúng chăm sóc chu đáo, trước mắt là việc tang lễ. Chế độ chính sách của quân đội chắc hẳn sẽ được thực hiện, nay thời bình có điều kiện hơn hồi chiến tranh. Tuy nhiên có mấy việc gây xôn xao dư luận. Sự băn khoăn mắc mớ giữa Luật và Tình cảm. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký đặc cách cô giáo vợ liệt sĩ Khải vào biên chế là hành xử không phải một nhà từ thiện đơn thuần mà là một chủ tịch thành phố. Ông Chung lẫn lộn vai trò của mình trong hành xử. Điều này sẽ gây ra rắc rối phức tạp về sau.
Bây giờ bàn về việc trao tặng quà.
Chủ tịch HN ký lệnh đặc cách cô giáo vợ liệt sĩ Khải vô biên chế trường THPT chuyên Chu Văn An ở Hà Nội. Phó chủ tịch mang giấy đến giữa đám tang gia bối rối chìa ra, đọc lên, chụp ảnh, lên truyền hình và đăng báo.
Công ty xây dựng Mường Thanh của quân đội tặng căn nhà, chìa tấm bảng bìa to ra, chụp ảnh, đăng báo.
Một bà giám đốc tai tiếng từ Sài Gòn lên tiếng nhận con nuôi, báo chí đưa tin vội vã.
Đài VTV tặng cái ti vi và công bố miễn phí cáp. Sự quảng cáo thô thiển. Vì xét đến cùng cái tivi chỉ là đồ giải trí, tôi chắc nhà chị Khải cũng đã có ti vi tốt rồi. Món quà vô duyên lạ !
Dồn dập mang quà đến ngay trong đám tang, khiến tang chủ đang bối rối lại phải tiếp đón và cảm ơn, lại phải tạo dáng chụp ảnh…
Vật chất cấp tập dồn dập liệu có thể dập tắt đau thương ngay được chăng ? Quả là bất nhẫn vì hành vi đánh bóng tên tuổi và quảng cáo lộ liễu.
Truyền thông nhạy bén đưa tin lập tức. Dư luận phàn nàn về “Cách cho hơn của cho”.
Đặc biệt, vợ liệt sĩ được đặc cách nhưng điều này có thể gây tác hại ngay cho đương sự. Thực ra chị đang dạy hợp đồng ở trường PTTH Chu Văn An. Khi hết hợp đồng thì chị sẽ dự thi tuyển viên chức. Nếu chị đủ khả năng tự thi đỗ thì hoá ra phần quà an ủi kia là thừa mà còn báo hại chị phải suốt đời mang tiếng được châm chước về chuyên môn, tức là không đủ thực chất là GV trung học. Người giáo viên rất mặc cảm khi phải mang tiếng như thế suốt đời vì đã bị/ được công bố như thế. Danh dự kẻ sĩ khó tránh khỏi bất an lâu dài, chưa biết bao giờ nguôi.
Trừng phạt
Sự việc cô giáo Trần Thị Mỹ Hà, tổ trưởng Ngữ Văn trường THPT. Trần Nhân Tông Hà Nội tỏ ý không thích việc đặc cách vợ đại tá Trần Quang Khải được đặc cách vào ngành giáo dục đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong mấy ngày qua, thực tế chỉ có hơn 42 phản hồi trên FB. Sự việc càng đẩy lên cao trào khi chị Hà bị chi bộ nhà trường THPT Trần Nhân Tông kỷ luật vì một câu cảm thán đơn giản “không thích điều này”. Theo sự hiển ngôn cuả câu văn đó, cô Mỹ Hà không tán thành cách đền ơn này, có nghĩa cô muốn một cách đền ơn khác hay hơn, tế nhị hơn. Cô Hà không có ý nào phản đối việc đền ơn. Cả một TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG giữa Hà Nội không đọc hiểu được một lời nói đơn giản. Bao nhiêu GV ngữ văn tốt nghiệp đại học và sau đại học ở Hà Nội chết đâu cả rồi mà không ai lên tiếng bênh vực cô Hà một lời ?
Thực là thảm họa của nền giáo dục “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”!
Người cầm quyền chà đạp điều 25 Hiến pháp 2013 về tự do ngôn luận, tự do biểu đạt – trắng trợn đến thế là cùng !
Bà Nguyệt phó hiệu trưởng nghe mấy giáo viên báo cáo sự việc cô Hà viết FB, hớt hải đến báo cáo lại hiệu trưởng Tùng. Phan Thanh Tùng hiệu trưởng (chắc là kiêm luôn bí thư chi bộ) vội vàng “khẩn cấp” triệu tập họp chi bộ ! Kỷ luật cảnh cáo đảng viên Trần Thị Mỹ Hà. Báo chí đăng liền. Ý kiến phản hồi trên báo chí và FB chống nhiều hơn là thuận. Cả nước thường có hàng trăm vụ kỷ luật đảng viên thì báo chí nào có đăng cho xiết. Hà cớ gì vụ này phải làm “điểm”, làm gương răn đe? Điều làm người ta băn khoăn và kinh ngạc là GV trung học Trần Nhân Tông rất nhanh nhẹn báo cáo hiệu phó, hiệu phó khẩn trương chạy đi báo cáo hiệu trưởng, hiệu trưởng khẩn cấp triệu tập họp chi bộ. Đại loạn hay sao mà ghê gớm thế ?
Tình đồng nghiệp của thầy cô giáo trung học giữa thủ đô văn hiến ngày nay suy thoái đến thế là cùng !
Bất ngờ thay, chủ tịch Hà Nội nghe tin cô Hà bị kỷ luật, nửa đêm gọi điện hỏi nhà báo và nhanh trí rút kinh nghiệm thất bại của chủ tịch An Giang. Ông Chung tỏ ra không hài lòng việc kỷ luật cảnh cáo cô giáo Hà viết một câu trên FB “không thích kiểu này” (tương tự chuyện cô giáo Lê Thị Thùy Trang viết về chủ tịch tỉnh của cô). Trùng hợp quá: cũng là hai cô giáo dạy Văn trung học và cùng là tổ trưởng ! Tuy nhiên tiếc thay hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông Hà Nội lại không rút kinh nghiệm đồng nghiệp ở THPT Long Xuyên, An Giang. Vì sao phải vội vàng tới mức “khẩn”?
Nhớ lại vụ An Giang sau khi bị giới truyền thông cả nước ào ạt vào cuộc, Sở 4T khựng lại, hủy án phạt và xin lỗi cô Lê Thị Thùy Trang thì THPT Long Xuyên im lặng bẽ bàng, lẳng lặng xóa án kỷ luật “khiển trách ĐV” thông báo nội bộ.
Vụ Hà Nội kỷ luật cô giáo Hà bây giờ đâm ra khó xử.
Hiệu trưởng Tùng lúc đầu nhanh tay lẹ mắt vội vã tỏ lòng tôn kính Chủ tịch thành phố bằng cách kỷ luật cô Trần Thị Mỹ Hà. Nay chủ tịch khôn ngoan hơn hiệu trưởng, đã tỏ ra không bằng lòng cái án đó. Hiệu trưởng Phan Thanh Tùng – một nhà chính trị nghiệp dư – bây giờ dở cười dở mếu, xóa kỷ luật hay cứ để ? Xóa thì trái qui chế, vì phải sau 6 tháng hay một năm mới họp xét xóa. Bây giờ mới có vài ngày tờ giấy QĐ chưa ráo mực lại họp xóa, hóa ra chuyện trẻ con à, lại phải “đặc cách xóa” nữa ư? Nếu trái ý chủ tịch thì cũng khó, chả biết “ăn làm sao nói làm sao bây giờ” với công luận !
Rút cục, vấn đề rắc rối là những người liên quan không hành xử theo LUẬT. Họ lẫn lộn giữa Luật và Tình cảm.
Kết quả sẽ là LỢI BẤT CẬP HẠI.