VNTB – Xã hội dân sự Việt Nam và các hoạt động về dân tộc thiểu số

VNTB – Xã hội dân sự Việt Nam và các hoạt động về dân tộc thiểu số

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Tại Việt Nam, các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bởi một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, được gọi là “xã hội dân sự”.

Tài trợ và phát triển dành cho người dân tộc thiểu số và người bản địa.

Sáng kiến phát triển mở (ODI), một dự án của Viện quản lý Đông Tây (EWMI – http://ewmi.org/), nhằm thúc đẩy nhu cầu của công chúng, xây dựng liên minh và cung cấp một nền tảng không ngừng phát triển để hỗ trợ chia sẻ và phân tích dữ liệu minh bạch, cải thiện và gợi mở đối thoại mang tính xây dựng và ra quyết định theo hướng phát triển bền vững và công bằng.

ODI có dự án “Tài trợ và phát triển dành cho người dân tộc thiểu số và người bản địa ở Việt Nam” do Nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG – https://www.ngocentre.org.vn/content/about-us-3) thực hiện, và theo ghi nhận thì có quá nhiều khó khăn cho thực thi sứ mệnh vì cộng đồng này tại Việt Nam.

Rộng đường dư luận, trang Việt Nam Thời Báo xin được trích giới thiệu những đánh giá của EMWG về thực trạng của xã hội dân sự ở Việt Nam, trong đó có vấn đề về dân tộc thiểu số.

Xã hội dân sự là nhạy cảm về chính trị

Tại Việt Nam, các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bởi một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, được gọi là “xã hội dân sự”.

Xã hội dân sự bao gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO), các tổ chức quần chúng Việt Nam, các cơ quan chủ quản Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO), các tổ chức dựa trên cộng đồng (CBO) và các tổ chức nghề nghiệp, mặc dù các tổ chức nghề nghiệp hiếm khi liên quan đến các vấn đề dân tộc thiểu số, họ cùng nhau làm việc để thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ tri ​​thức bản địa và phong tục tôn giáo.

Tuy nhiên, công việc của họ khá nhạy cảm và gặp không ít khó khăn vì hiện chưa có khuôn khổ rõ ràng để phân biệt các tổ chức xã hội dân sự (CSO) với các loại hình tổ chức khác.

Dự thảo “Luật về hội” vẫn chưa có nhiều tiến triển trong quá trình phê duyệt. Hầu hết các tổ chức vẫn tự mô tả là VNGO và nhiều tổ chức được thành lập dưới một cơ quan chủ quản.

Các tổ chức này có hoạt động độc lập hay không – câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ, vì họ nhận được hỗ trợ tài chính của chính phủ, khả năng đại diện cho đối tượng thụ hưởng còn hạn chế, và có thể hoạt động không phải phi lợi nhuận.

Các tổ chức quần chúng của Việt Nam, còn được gọi là các “tổ chức chính trị – xã hội” thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng thường được chính phủ quản lý chặt chẽ. Có ý kiến ​​cho rằng một tổ chức nên được coi là xã hội dân sự, nếu họ có các hoạt động liên quan, ngay cả khi tổ chức đó có liên hệ với Nhà nước.

Các chương trình của các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ dân tộc thiểu số

Đứng đầu các tổ chức quần chúng tại Việt Nam là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có Hội đồng tư vấn về dân tộc thiểu số.

Bên dưới Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức quần chúng thành viên lớn nhất hoạt động về các vấn đề dân tộc thiểu số bao gồm Hội Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam. Mạng lưới của các tổ chức này trải dài đến cấp xã, vì vậy các INGO và VNGO thường hợp tác với họ để thực hiện công việc tại thực địa.

Tuy nhiên, các tổ chức quần chúng này có cách tiếp cận dưới góc độ như các cơ quan Nhà nước, và các nhóm dân tộc thiểu số hiếm khi có đại diện là thành viên trong các tổ chức kể trên. Nếu có thì những thành viên này đôi khi cũng xa rời nguyện vọng của cộng đồng mà họ đại diện.

Các cơ quan chủ quản chính với các VNGO làm việc về các vấn đề dân tộc thiểu số bao gồm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Liên hiệp các hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam (VULA). Họ không trực tiếp thực hiện các hoạt động tại thực địa, nhưng điều chỉnh vận hành của các đơn vị trực thuộc và liên hệ với Nhà nước.

Hầu hết các hoạt động tại thực địa liên quan đến dân tộc thiểu số được thực hiện bởi các INGO, VNGO và CBO.

Tuy nhiên, rất nhiều các CBO chưa được đăng ký, vì vậy rất khó để có thể theo dõi hoạt động của họ. Năm 2002, các INGO và VNGO đã cùng nhau thành lập Nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG), đây được coi là nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm và bài học về phát triển dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

EMWG sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên và bao trùm cho các chương trình, nghiên cứu và vận động của mình, tuy nhiên các kết quả và thành công đạt được không đồng đều. EWMG chủ yếu tập trung vào “đầu tư mềm” trong hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực, phát triển văn hóa và thúc đẩy tiếng nói và sự tham gia ở cấp cơ sở.

Họ cũng phân bổ các nguồn lực về nghiên cứu, góp ý và vận động chính sách dựa trên bằng chứng từ các dự án thí điểm. EMWG đã thúc đẩy sự chuyển đổi từ “trợ cấp” sang “trao cần câu chứ không trao con cá” (“incentive facilitation”)  trong các chính sách của chính phủ.

Tuy nhiên, các chương trình của EMWG phải đối mặt với hạn chế về nguồn lực  và tác động rất khó đo lường. Nói tóm lại, EMWG và các thành viên của mình được đánh giá là khá mạnh trong việc trao quyền cho người dân và hỗ trợ sinh kế, khá tốt trong đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng chưa tích cực hoặc chưa thành công lắm trong việc tác động đến chính sách hoặc quy trình lập ngân sách và nâng cao trách nhiệm của chính quyền.

Những thách thức và tiềm năng cho xã hội dân sự ở Việt Nam

Môi trường hoạt động là thách thức nhất đối với các VNGO và CBO. Nguồn lực còn hạn chế và các nguồn tài trợ dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp kể từ năm 2010.

Sự chậm trễ trong việc xây dựng “Luật về hội” càng kéo dài tình trạng thiếu chắc chắn cũng như đặt ra giới hạn cho những không gian chung nơi công chúng có thể thảo luận một cách cởi mở.

Nhân viên trong các tổ chức này cần cơ sở vật chất tốt hơn và cần được hỗ trợ xây dựng năng lực. Cuối cùng, không phải tất cả các VNGO và CBO đều được chính quyền địa phương công nhận. Với mạng lưới thành viên mỏng và nhu cầu liên minh với các tổ chức đoàn thể để triển khai các hoạt động tại chỗ, tiến độ thực hiện dự án của các tổ chức này do đó còn chậm và các số lượng các thủ tục hành chính còn nhiều.

Với sự cởi mở và hội nhập hơn nữa, xã hội dân sự có thể nở rộ ở Việt Nam.  Hy vọng rằng sự hợp tác với khu vực tư nhân sẽ giúp các tổ chức này cải thiện tính độc lập với chính phủ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)