Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xin đừng nhầm lẫn giữa quan tâm và kiểm soát

Thanh Trúc

 

(VNTB) – Có bố mẹ lúc nào cũng đi theo con cái từ sáng tới tối, không rời mắt khỏi bé

 

Có thể nói, cha mẹ quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho con cái là một câu chuyện rất bình thường, dù trên thực tế cũng có không ít cha mẹ đi ngược với câu chuyện bình thường ấy. Tuy nhiên giữa khái niệm quan tâm và khái niệm kiểm soát dường chừng như có một lằn ranh rất mong manh.

Bị kiểm soát từ nhỏ cho đến hôm nay, đã hơn 30 tuổi, Nguyễn Minh chia sẻ: “Có những hành động, tưởng chừng như quan tâm, thậm chí là được nói thẳng từ ba mẹ là tao đang quan tâm mày nhưng thực chất là kiểm soát. Ví dụ, tao quan tâm mày, chỉ muốn mày thi đậu, nên tao mới ghi cho mày đăng ký học khối A, tức nâng cao Toán – Lý – Hoá – Sinh. Trong khi đó, mình đâu có giỏi mấy môn đó, mình cũng không thích học mấy môn đó. Sở trường của mình là các môn của xã hội như Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Mình có chia sẻ với ba mẹ, mình muốn vào khối C hoặc khối D. Thế nhưng, cha mẹ vẫn làm theo ý của họ vì cho rằng quyết định của họ là chính xác.

Thoạt nhìn cứ nghĩ đó là sự quan tâm nhưng họ đâu có biết những tháng ngày mình trôi qua nó tồi tệ đến mức nào. Cơ bản thì còn có thể theo nổi, nâng cao gần như lúc nào cũng “chìm”. Thậm chí có lúc mình suýt bị lưu ban do môn Vật Lý, cha mẹ cũng đâu có biết”.

Ba mẹ ăn muối nhiều hơn ăn cơm; cái này ba mẹ trải qua rồi nên biết; hơn thua với “con nhà người ta”; chạy theo phong trào… đủ mọi lý do để bao biện cho hành vi kiểm soát cuộc sống của con cái. Có thể hiểu một cách đơn giản, kiểm soát con cái chính là bố mẹ thường xuyên theo dõi, theo sát các con một cách quá mức về mọi khía cạnh trong sinh hoạt và cuộc sống của trẻ. Có bố mẹ lúc nào cũng đi theo con cái từ sáng tới tối, không rời mắt khỏi bé.

“Lớn lên một tí, thì cha mẹ kiểm soát mối quan hệ bạn bè, rồi lúc có bạn gái, rồi công ăn việc làm, rồi tiền lương, rồi vợ con…. Nào là mày đi đâu đó, sao không báo cáo? Nào là mày đi gặp ai, sao không kể? Nào là đi làm có tiền bao nhiêu, giữ chi nhiều, đưa đây mẹ giữ cho. Nào là tại sao mày mua đồ mày xài được, không mua cho ba mẹ? Nào là tại sao người ta đi làm giờ hành chánh, còn mày tới 9h mới đi làm? Nói thật là có những lúc thật sự rất khó chịu và muốn điên cái đầu với sự kiểm soát mà núp bóng dưới ngọn cờ quan tâm ấy”, Nguyễn Minh chia sẻ tiếp.

Mỗi bậc phụ huynh sẽ có quan niệm về cách dạy dỗ và chăm sóc con cái khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc sự quan tâm, che chở và kiểm soát quá mức lại vô tình khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí là trầm cảm.

“Kiểm soát trong phạm vi gia đình, đã là khó chịu. Còn với mình, nó vượt ra khỏi gia đình, thành cái gọi là kiểm soát họ hàng. Nào là mày làm gì, lương mày bao nhiêu, mấy anh, chị em của mẹ phải biết. Với cái lý do rất sang là minh bạch, có thông tin gì phải thông báo trong nhóm của gia đình, dù họ có thông tin gì thì họ lại nhắn vào một cái nhóm kín, thế hệ trẻ chẳng ai biết gì. Nào là phải tri ơn ông này, bà kia, dù chẳng biết tri ơn vì cái lý do gì, mọi thứ là do sự cố gắng, nỗ lực của mình. Nếu bạn thành công thì bị họ hàng ghét, soi mói, vạch lá tìm sâu. Còn nếu bạn thất bại thì đem bạn ra làm trò cười, đề tài bàn tán mỗi khi gặp nhau. Có người nghĩ tích cực thì vượt qua được. Có người nghĩ tiêu cực thì trầm cảm”, An Nguyễn, năm nay cũng đã gần 30, lắc đầu ngao ngán trước việc kiểm soát quá mức của ba mẹ.

Với chia sẻ của An Nguyễn hay Nguyễn Minh, liệu rằng, đó có phải thật sự là quan tâm? Hay chăng, đó là một sự kiểm soát con cái chặt chẽ quá mức? Và cái quyền kiểm soát đó, không chỉ đến từ người thân trong gia đình mà còn lan rộng sang bà con, họ hàng dưới sự cho phép vô hình của ba mẹ.

“Sự quan tâm có thể kéo gần con cái đến với ba mẹ nhưng sự kiểm soát quá mức, vô hình trung, sẽ đẩy con cái càng ngày càng xa cách với chính ba mẹ của mình”.


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Thương sao màu áo tiếp sức!

Bùi Ngọc Dân

Dân biểu Mỹ kêu gọi trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

Phan Thanh Hung

VNTB – Ghiền sử dụng điện thoại

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.