Chánh Thành
(VNTB) – Băn khoăn của dân chỉ là cái cớ; thật ra Tô Lâm sợ các quan huyện, quan thị xã, quan thành phố trực thuộc tỉnh bất mãn, tạo phản!
Ngày 28/4, trả lời báo VietNamNet, Bộ Nội vụ CSVN tiết lộ lý do không giữ lại 87 thành phố trực thuộc tỉnh là vì “Bộ Chính trị sợ dân băn khoăn”. Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Phan Trung Tuấn, kể lại rằng ban đầu Bộ Nội vụ đề xuất sẽ phân ra hai cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở; với cấp cơ sở gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã.
Bộ Chính trị quyết định, rồi đổ cho dân
Đề xuất trên của Bộ Nội vụ đã không đúng ý Bộ Chính trị. Ông Tuấn cho biết Bộ Chính trị đã có 3 lần xem xét và đánh giá rằng “đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện”. (1)
Từ đó, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng CSVN thống nhất tổ chức chính quyền địa phương còn 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, không có “vương vấn” gì đối với đơn bị hành chính cấp huyện nữa. Tức, chỉ giữ cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo). Như vậy, Bộ Chính trị, mà nói thẳng ra là Tô Lâm, ngay từ đầu đã có ý định bỏ cấp huyện và các thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố, biến hải đảo thành đặc khu.
Trên thực tế, rõ ràng, Tô Lâm và Bộ Chính trị đã tự tiện quyết định, không hề hỏi ý kiến của dân, tới khi chốt hết rồi mới thông báo cho dân. Rồi cuối cùng lại lấy dân ra làm lý do “sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân, sợ họ sẽ băn khoăn”.
Bởi vậy, đây chỉ là cái cớ mà Bộ Chính trị nói cho đảng viên nghe để những nhân sự bị loại bỏ không thể phản ứng thôi! Chứ họ có sợ gì dân. Người dân nào băn khoăn thì mời lên đồn công an: tra tấn tâm lý, đe doạ, xử phạt; hoặc cho dư luận viên bôi nhọ, chụp mũ là “phản động”, “bất mãn”, “không tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước”.
Còn mà nói tới “ý dân”, thì ngay câu hỏi trong bài báo của VietNamNet cũng đã có nói tới ý dân: “Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và người dân ủng hộ chủ trương này nhưng cho rằng nên giữ lại (các thành phố trực thuộc tỉnh), bằng cách xem các thành phố như một loại hình trong đơn vị hành chính cấp cơ sở”. Đó mới là ý dân và chuyên gia! (1)
Tại sao phải đổ lỗi cho dân?
Quay lại chuyện bỏ huyện, bỏ thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Đây một vấn đề rất lớn. Nhưng, như đã nói, dân thì không dám ý kiến. Mà chỉ có các quan chức trong huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đó mới là những người bị thiệt hại nặng, do mất ghế, giảm quyền lực, mất tiền chạy chức chạy quyền, mất những khoản tham nhũng, hối lộ khủng lồ…
Cần nhớ, bộ máy hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh rất lớn. Không chỉ là Uỷ ban Nhân dân, mà còn viện kiểm sát, tòa án, công an huyện, quân đội, phòng giáo dục và đào tào, phòng y tế, phòng nông nghiệp, tài nguyên… Cho nên con số quan huyện, quan thị xã, quan thành phố thuộc tỉnh bị ảnh hưởng là rất lớn.
Chưa kể là để “xin” nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh thì các quan chức địa phương cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để lo lót. Rồi xin ngân sách xây dựng trụ sở hành chính cấp huyện, thành phố đó nữa, có những trụ sở tốn tới mấy trăm tỷ đồng chứ đâu có ít. Địa phương nào đang xin tiền mà bỗng dưng bị giải tán thì lại “tâm tư”.
Nhắc lại một chút, ngay từ tháng hồi đầu tháng 11 năm ngoái, Tô Lâm đã có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”. Trong đó có đoạn: “Cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo các cấp, cũng là con người nên việc họ “có tâm tư” khi lợi ích bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu. Không ai vui khi đơn vị của mình bị giải thể, sáp nhập, hợp nhất, bản thân không giữ được vị trí chủ chốt như trước, thậm chí phải chuyển sang làm chuyên viên hay ra khỏi biên chế…” (2)
Từ đó có thể chốt lại rằng cái Tô Lâm sợ nhất là “tâm tư” của quan chức cộng sản, sợ bất mãn nội bộ, chứ không sợ dân. Cho nên tổng bí thư mới đề ra chủ trương “đền bù tiền nghỉ hưu non” lên tới cả tỷ đồng cho mỗi quan chức bị mất việc. Đền tiền thấy chưa ổn thì bây giờ lại phải lấy dân ra làm cái cớ để nội bộ bịt miệng nội bộ.
Trên đây chỉ là nói về lý do mà Tô Lâm đưa ra để xoá sổ 87 thành phố. Còn những vấn đề khác thì chưa bàn tới!
—————–
Nguồn:
(1)https://vietnamnet.vn/bo-noi-vu-ly-giai-vi-sao-khong-giu-lai-87-thanh-pho-2395953.html
(2)https://moha.gov.vn/chuyen-doi-so/tin-tong-hop/tinh-gon-bo-may-co-tam-tu-nhung-khong-ban-lui-d611-t56728.html