Micheal J. Totten
Người dịch: Phương Thảo
(VNTB) – Tôi có thể sai, nhưng tôi có cảm giác khá chắc là Việt Nam sẽ khá giống Tusinia khi họ khai phát súng đầu tiên. Việt Nam hiện giờ phồn thịnh và tự do hơn bao giờ hết trong suốt chiều dài lịch sử. Mọi thứ đã trở nên tốt hơn, và đó là những điều kiện cần và đủ để thúc đẩy sự chuyển giao dân chủ thành công.
Chính quyền Việt nam vẫn tự cho họ là Đảng Cộng sản, nhưng tôi thấy ở Việt nam có tính thị trường tư bản hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, kể cả ở Mỹ nơi mà nền kinh tế đưc quy định rất chặt chẽ. Điều này thật là khó hiểu.
“ Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái từ cộng sản có ý nghĩa khác?”, tôi hỏi một người Việt sống ở Hà nội tên Huy. Ông ta tự gọi mình là Jason khi ông ta nói chuyện với người Mỹ vì dễ phát âm hơn, vì vậy từ đây trở đi tôi sẽ gọi ông ta là Jason.
“Chủ nghĩa cộng sản ngày nay có nghĩa là chúng tôi bị cai trị bởi chính quyền độc đảng.”, Jason nói, “ Một số người than phiền về điều này nhưng mà đó không phải là vấn đề lớn đối với tôi khi mà chính phủ vẫn tạo ra được môi trường kinh doanh và điều kiện sống tốt. Tôi không cần các đảng phái khác tranh giành lẫn nhau và gây ra khủng hoảng như ở Thái lan.”
Quân đội Thái đã lật đổ chính phủ tháng năm 2014.
“ Nếu như anh không hài lòng với chính phủ, anh có bày tỏ chính kiến công khai hay không?” Tôi hỏi.
“Không sao cả! Chúng tôi làm như vậy hoài. Chúng ta vẫn đang ở nơi công cộng và tôi đâu có phải hạ giọng đâu. Anh có thể chỉ trích chính quyền bất cứ điều gì bằng lời mà không phải bằng hành động. Chính quyền không cho phép biểu tình nhưng mà gần đây chúng tôi có khá nhiều cuộc biểu tình chống Trung quốc. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có các cuộc biểu tình chống chính phủ ở ngay tại Hà nội này. Chuyện này xảy ra thường xuyên ở Hà nội hơn là ở Sài gòn. Người miền Nam họ không quan tâm tới chuyện này như là người miền Bắc. Nhưng những cuộc biểu tình cũng thường bị giải tán rất nhanh chóng. ”
“ Những người biểu tình có bị gì không? Họ có bị bắt không?”, tôi hỏi.
“Không, cơ quan chức năng chỉ cải huấn họ thôi.”
Một thuật ngữ thật thú vị, “cải huấn ”. Ở Mỹ trại cải huấn là vô tù.
“Cải huấn nghĩa là gì?”, tôi hỏi.
“ Họ nói biểu tình là xấu.”, Jason nói, “ Rằng không được phép biểu tình và nếu vi phạm nữa thì sẽ bị tù. Người ta nghe thấy vậy thì sợ và bỏ không biểu tình nữa. Vậy thôi. Một số những người cực kỳ cực đoan sau khi bị cảnh cáo sẽ bị ghi tên vô sổ đen và nếu tái phạm họ sẽ gặp rắc rối. Nhưng nếu họ đi về nhà và không tái phạm thì họ sẽ an toàn. Không ai bị gì cả. Việt Nam đâu có phải Bắc Triều tiên.”
Đương nhiên là không, Việt Nam không phải Bắc Triều tiên. Việt nam cũng không phải Syria dưới quyền Bashar al-Assad hay Iraq trong thời Saddam Hussein. Việt Nam cũng không phải hà khắc như Trung Quốc. Việt Nam ít hà khắc hơn Miến Điện gần đây và chính quyền Miến Điện đã bắt đầu công cuộc cải tổ của họ. Quá trình cải tổ của họ chưa hoàn thiện và có thể sẽ bị giật lùi nhưng dù sao thì nó cũng đang diễn ra.
“ Việt Nam thay đổi ra sao trong suốt cuộc đời anh?”, tôi hỏi Jason.
“ Việt Nam thay đổi rất nhanh, đặc biệt là Sài gòn. Miền Nam phát triển nhanh hơn miền Bắc”.
“ Tại sao lại như thế?”
“ Bởi vì miền bắc là thủ đô. Mọi thứ ở đây đều bị giới hạn và kiểm tra chặt chẽ nhưng ở miền Nam thì cởi mở hơn. Chính quyền cho phép miền Nam mở cửa để nền kinh tế phát triển, và như thế dòng tiền tệ sẽ lưu thông từ miền Nam ra miền Bắc.”
Tôi thật sự ngạc nhiên khi được biết rằng Hà nội lại chặt chẽ và bảo thủ hơn Sài gòn. Bề ngoài thấy Hà nội không có vẻ bị giới hạn và kiểm soát chặt. Tầm nhìn có thể bị giới hạn là điều dĩ nhiên. Sự cản trở cũng không phải luôn thể hiện rõ. Tôi vốn giỏi đánh hơi các rào cản chính trị nhạy cảm, và tôi có thể nói thật lòng rằng tôi không cảm thấy gì cả. Một trong những lý do khiến tôi nhận biết sự ngăn trở vì người Việt sẵn lòng nói cho tôi nghe ở nơi công cộng. Việt Nam không có khái niệm về sự sợ hãi như nhà bất đồng chính kiến Soviet Natan Sharansky nêu ra, đó là “xã hội sợ hãi” nơi mà người dân sẽ không nói những gì họ thật sự nghĩ nếu họ sợ có ai đó nghe được.
“ Vậy chính quyền kiểm tra cái gì ở đây?”, tôi hỏi Jason, “ Khi tôi quan sát quanh đây tôi không thấy có sự kiểm soát nào cả. Hay đó không phải là cái tôi nhìn thấy?”
“ Quán rượu bị bắt buộc đóng cửa sớm ở Hà nội. Sau nửa đêm sẽ không có dịch vụ giải trí nào được mở cửa. Ở Sài gòn thì họ mở cửa ngày đêm. Ở đây chúng tôi phải đi về nhà và ngủ. Chúng tôi có thể ở ngoài đường sau nửa đêm nhưng chúng tôi không thể tụ tập vì công an sẽ đến và yêu cầu chúng tôi giải tán.”
“ Chỉ có vậy thôi sao?” Tôi hỏi.
“ Chúng tôi gọi đó là luật thủ đô. Chỉ có ở Hà nội thôi. Chúng tôi phải giải tán sau nửa đêm.”
Rõ ràng đồng nghiệp Việt nam của tôi trong giới truyền thông không thể viết về bất cứ điều gì họ muốn.
Tôi hỏi một nhà báo địa phương về hệ thống kiểm duyệt và dường như cô ta đã trả lời cho tôi thật lòng. Tôi sẽ không nêu tên cô ra vì tôi không muốn cô gặp rắc rối. Việt Nam không phải là Bắc Triều tiên nhưng Việt Nam cũng chưa phải là Canada.
“ Chính quyền sở hữa tất cả nhưng không kiểm soát mọi thứ một cách trực tiếp. Tôi thật sự không biết tôi có bao nhiêu quyền tự do báo chí và tôi cũng không biết bao nhiêu lần tôi phải tự kiểm duyệt vì tôi đã quá quen với nó.”
Nhà báo không có đất dụng võ ở đây!
“ Không ai nói với tôi là tôi có thể viết và không thể viết về cái gì. Tôi chỉ nhận biết theo trực giác những gì tôi không nên nói vì tôi lớn lên ở đây. Luật bất thành văn nhưng mà luật lệ có thay đổi. Trong quá khứ chúng tôi không được in chữ dân chủ trong bất kỳ bài nào, nhưng giờ đây chúng tôi được phép. Chỉ trích Trung Quốc cũng từng bị giới hạn nhưng giờ đây cũng được đề cập đến.”
“ Nếu cô phạm luật thì sao?”
“ Thì biên tập viên sẽ không duyệt bài của tôi.”, cô nói. Dĩ nhiên là sẽ không lọt lưới biên tập được. Biên tập viên phải họp với Ban Tuyên huấn một tuần một lần để nhận chỉ thỉ họ được và không được phép đề cập vấn đề gì. “ Nếu lọt lưới biên tập viên bằng cách nào đó thì chính quyền sẽ gọi điện yêu cầu gỡ bỏ bài báo.”
“Chúng tôi được phép đụng tới tham nhũng nhưng chỉ có những người có chức vụ thấp bị nêu danh mà không bao giờ là một vị bộ trưởng hay người có cấp bậc cao hơn”, cô nói, “ Nếu báo chí đề cập tới tham nhũng ở cấp cao thì cả bộ máy chính quyền bị khiển trách tập thể mà không phải một cá nhân riêng biệt nào trong đó.”
Các trang mạng xã hội không còn bị cấm đoán nhưng bị theo dõi. Nếu anh than phiền về chính phủ trên Facebook với mức độ vừa phải thì “được phép”, nhưng anh sẽ bị theo dõi. Nếu anh than phiền theo nhóm thì anh sẽ bị phiền phức. Và nếu anh lập nhóm trên Facebook, than phiền rồi mang xuống đường thì anh sẽ biết anh gặp phải chuyện gì.
Bỏ qua hết những điều này thì Việt nam ít rào cản hơn bất cứ quốc gia độc đảng nào mà tôi đã viếng thăm. Việt nam ít hà khắc hơn nước Cuba cộng sản anh em. Chế độ độc tài Castro siết chặt tất cả mọi thứ trong khi chính quyền Việt Nam chỉ siết chặt những gì cần thiết để duy trì quyền lực và điều này dẫn đến một nghịch lý khác là họ ít kiểm soát đời sống thường nhật của dân chúng hơn.
Tunisia cũng giống như Việt Nam khi Ben Ali còn nắm quyền ngay trước khi mùa xuân Ả Rập xảy ra, khi Christopher Hitchens chỉ ra một cách tính quái rằng “ hệ thống của chính quyền phần nào đó đã kém thông minh hơn và chịu mạo hiểm hơn đại đa số dân chúng.” Bên cạnh chế độ độc tài, mọi việc đã diễn ra khá suôn sẻ ở đó năm 2004 khi tôi đến Tunisia. Chính phủ phải hứng chịu khó khăn nhưng bản thân xã hội lại cởi mở, khoáng đạt, phồn thịnh và phức hợp. Đối với tôi không có gì ngạc nhiên khi Tunisia chuyển từ thống trị độc trị sang chế độ dân chủ một cách trơn tru và không sa vào nội chiến hay phản ứng độc trị ngược như ở Syria, Lybia hay Ai cập.
Tôi có thể sai, nhưng tôi có cảm giác khá chắc là Việt Nam sẽ khá giống Tusinia khi họ khai phát súng đầu tiên. Việt Nam hiện giờ phồn thịnh và tự do hơn bao giờ hết trong suốt chiều dài lịch sử. Mọi thứ đã trở nên tốt hơn, và đó là những điều kiện cần và đủ để thúc đẩy sự chuyển giao dân chủ thành công.
Khi một bộ phận dân chúng với xuất thân nghèo khổ được gia nhập vào tầng lớp trung lưu trong thời gian này thì họ có xu huớng đề cao thành quả lao động họ đã gặt hái và sống hài lòng với những gì họ có được mà không đòi hỏi gì hơn. Nhưng với thế hệ trẻ được sinh ra sau thời kỳ gian khổ thì việc thiếu tự do về chính trị là không thể chấp nhận được. Thậm chí những công dân thuộc tầng lớp trung lưu đứng tuổi cũng bắt đầu cảm thấy họ có đủ tự tin để đòi hỏi nhiều hơn.
Cho dù sau này có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì những gì đang diễn ra ở Việt Nam rất rõ ràng. Công dân Việt Nam và chính quyền đã đạt được một thỏa thuận ngầm tạm thời: nếu anh không làm phiền tôi thì tôi sẽ để cho anh yên. Sự thỏa thuận này là một kết cục đáng buồn cho bất cứ ai có quan tâm tới chính trị và đặc biệt đối với tôi là người chuyên viết về mảng chính trị; nhưng với hầu hết người Việt Nam thì họ thờ ơ phần nào với chính trị. Tôi nghĩ rằng họ phải làm như vậy nhưng cũng có một phần vì nền văn hóa của họ chỉ ưu tiên chú trọng tới phát triển kinh thương.
Tranh luận về chính trị là một trò tiêu khiển ở hầu hết các quốc gia Trung Đông mặc dù chỉ có vài nước có sự thoải mái về chính trị. Công dân của họ không thể bàn luận mãi về chính phủ trung ương nhưng họ được phép và có bàn luận về chính quyền địa phương. Ở Trung Đông tôi luôn cảm thấy tôi ở giữa dòng lịch sử đang được phơi bày ra. Ở Việt Nam tôi không có được cảm giác này nhiều. Hiện tại của Việt Nam chắc chắn có sự chuyển mình, nhưng thiếu sự lôi cuốn và hiếm chuyện diễn ra công khai. Ở Việt nam đó không có chiến tranh, không có cách mạng và không có khủng bố.
Nhưng bánh xe lịch sử không bao giờ ngừng quay ở Đông Nam Á. Trung Quốc lấn chiếm các nước lân cận. Quân đội Thái Lan lật đổ chính quyền. Miến Điện cuối cùng cũng vượt qua chế độ độc tài tàn khốc. Còn bao lâu nữa thì những việc tương tự như vây sẽ xảy ra ở Việt Nam? Thật ngạc nhiên khi Miến Điện đã vượt lên trên trước với một xuất phát điểm thấp hơn rất nhiều, nhưng nếu nó đã xảy ra ở Miến điện thì nó cũng sẽ có khả năng bám rễ ở Hà Nội hay Sài Gòn.
Sự thiếu vắng của một sự bùng nổ làm đòn bẩy cho Việt nam đã làm cho công việc của tôi khó khăn hơn trên cương vị của một nhà báo, nhưng trên cương vị một người dân thường thì tôi lại thấy đó là một làn gió mới. Trung Đông cũng đã có một khoảng lặng trong lịch sử như Việt Nam giờ đây. Nhưng mà khoảng lặng thì cũng phải có lúc kết thúc và lúc đó chắc hẳn mọi chuyện sẽ xảy ra.
(còn tiếp)