Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những kiến thức lịch sử cách mạng cần xem lại trong bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hiền Vương

(VNTB) – Đó là bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

 

Có thể xem toàn văn bài viết trên báo điện tử VGP News  – http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-Dai-hoi-XIII-cua-Dang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-mot-giai-doan-phat-trien-moi/405735.vgp

Bài viết có đoạn:

“Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Đoạn văn tự khen ở trên, nếu mang đặt cạnh đoạn trích sau đây trong bản Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945, sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn về câu chuyện cơ đồ:

“Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

“Cơ đồ – tiềm lực – vị thế và uy tín quốc tế” của ngày tháng năm 1945 ấy mới thực sự đáng để tôn vinh và ghi vào sách sử. Các so sánh sau đó trong cùng đảng chính trị như lời của ông Nguyễn Phú Trọng, là khiên cưỡng, và ít nhiều xúc phạm tiền nhân.

Tác giả bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, có đoạn, “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Câu hỏi đặt ra thuần về lịch sử: ‘Nước’ có kỷ niệm 100 năm thành lập ấy là nước nào vậy?

“Vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, trên cơ sở phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nhà nước đầu tiên đã ra đời đó là nhà nước Văn Lang, với kinh đô Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay).

Đến khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, nhà nước Văn Lang dần suy yếu, Thục Phán An Dương Vương đã thống nhất cư dân Âu Việt và Lạc Việt lập ra quốc gia Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội ngày nay). Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang – Âu Lạc được phản ánh qua truyện truyền thuyết, thư tịch cổ Việt Nam, thư tịch cổ Trung Quốc… và qua hàng loạt các di tích, lễ hội ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (đậm đặc nhất ở Phú Thọ); cùng với đó là những phát hiện khảo cổ về văn hóa Đông Sơn như: sưu tập trống đồng, công cụ lao động, vũ khí, mộ táng… đã minh chứng cho sự tồn tại của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc thời kỳ đầu dựng nước, thời kỳ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước Việt Nam”.

Đoạn tóm lược ở trên trích từ “Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc”, trang web Bảo tàng lịch sử quốc gia – http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/4043/nha-nuoc-van-lang-au-lac

Có lẽ tác giả Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến “kỷ niệm 100 năm thành lập Nước”, tính từ cột mốc ngày 2-9-1945, “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” – trích Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945.

Sách giáo khoa môn lịch sử, viết rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. Hiến pháp thông qua ngày 9 tháng 11. Trong giai đoạn đầu khi thành lập chính quyền toàn quốc, Việt Minh mà Đảng Cộng sản làm nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo. Trong thời gian ngắn, chính quyền bao gồm nhiều tổ chức, đảng phái chính trị tham gia ở cấp trung ương và địa phương (Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Trốtxkit, Cao Đài, Hòa Hảo,…).

Sau vài năm hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản ra hoạt động bán công khai trong tổ chức Việt Minh và Liên Việt, và từ năm 1951, hoạt động công khai, chính thức giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước. Tham gia chính quyền sau năm 1954 còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Lao động lãnh đạo…

Như vậy, phải chăng ý ông Nguyễn Phú Trọng là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng sẽ lựa chọn đa đảng không đối lập như giai đoạn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa? Bởi chỉ khi có sự tiếp nối và giao thoa giữa hai thể chế thì mới mang ý nghĩa của “kỷ niệm 100 năm thành lập Nước” vào năm 2045.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hoàng Trung Hải về điếu đóm cho Tổng Chủ?!

Phan Thanh Hung

VNTB – Có thật là ông Nguyễn Phú Trọng ‘nói đi đôi với làm’?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Bình luận vài ý trong bài báo của Tổng bí thư (kỳ3)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo