Nguyễn Ngọc Tâm
(VNTB) – Nằm nép mình trên một con phố nhỏ giữa lòng Sài Gòn có một Thái Y Viện và nhà thuốc Bắc thế kỷ XIX khiến người ta ngỡ đang lạc về trăm năm cũ…
Theo tài liệu Hội Đông y quận 5, từ đầu thế kỉ XVII, người Việt đã có mặt và sinh sống tại đất Sài Gòn và Nam bộ. Năm 1679, chúa Nguyễn cho phép một người Hoa tên Trần Thượng Xuyên đi thuyền vào đất Đồng Nai và dựng nên Cù Lao Phố mang theo nhiều thầy thuốc và dược liệu.
Sau đó những người này chuyển về khu vực Chợ Lớn lập nên làng Minh Hương (năm 1777) từ đó việc buôn bán thuốc Bắc phát triển. Theo dòng lịch sử đó, một “Nhà thuốc Lục Hòa Đường (Chợ Lớn) khoảng thế kỷ XIX”, được tái hiện chi tiết theo mô hình “tiệm thuốc bắc” ở Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam đặt tại quận 10, Sài Gòn (ảnh 1)
Ở đây có bức tranh chạm gỗ mang tên Việt Nam Bách Gia Y – Một cây đại thụ trên đó được gắn tên tuổi của 100 danh y – tác giả y học cổ truyền Việt Nam (ảnh 2).
Trong tủ kính ở căn phòng này là một số cuốn sách tiêu biểu về các khoa của y học cổ truyền: dược học, châm cứu học, phụ khoa, nhi khoa, nhãn khoa, dưỡng sinh (ảnh 3).
Đến phòng trưng bày hũ rượu thuốc, người ta hiểu biết thêm về chuyện ngâm rượu thuốc – một phương pháp bào chế thuốc đã có từ rất lâu đời. Từ ngàn xưa lưu truyền lại rằng cách ngâm rượu để đạt chất lượng cao nhất là ngâm hạ thổ, nghĩa là chôn bình ngâm xuống đất với cơ man mẫu mã những loại bình khác nhau (ảnh 4).
Người xưa cho rằng rượu bổ có công hiệu hoạt huyết, điều chỉnh âm dương khí huyết. Loại rượu dùng để ngâm thường là rượu trắng được cất từ gạo, ngô, khoai…Theo Đông y, rượu thuốc có tác dụng dưỡng, bổ huyết, thông kinh lạc (ảnh 5).
Nội thất của phòng 16 được trang trí theo phong cách cung đình, vì vậy tên gọi của phòng này là phòng “Thái Y Viện”. Đây là nơi chăm sóc sức khỏe cho vua chúa và hoàng tộc (ảnh 6).
Dưới triều Nguyễn, Thái Y viện trong hậu cung là một Nha môn chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng thân quốc thích, cung tần, mỹ nữ cùng quan lại trong triều đình. Thái Y viện được thành lập vào năm Gia Long thứ nhất (1802); đến năm 1804, cơ bản được hoàn thành (ảnh 7).
Ban đầu, Thái Y viện được xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong Kinh thành; năm Minh Mạng dời về phía đông Duyệt Thị đường, trong Tử Cấm Thành. Năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), nhà Dục Đức được chọn là cơ sở làm việc mới của Thái Y viện vì viện cũ sau khi xảy ra loạn lạc đã bị đốt phá (ảnh 8).
Một số hình ảnh ở nơi đây gợi lại hình ảnh của sau năm 1975, giai đoạn đầu có hơn một nửa cửa hàng dược liệu ở Chợ Lớn bị bỏ ngỏ do các chủ tiệm di tản sang nước ngoài, tình hình buôn bán thuốc có phần chựng lại (ảnh 9).
Đến năm 1985, phong trào tìm hiểu y dược cổ truyền được phát triển mạnh đã làm cho việc buôn bán dược liệu được phát triển mạnh trở lại, khu vực buôn bán dược liệu Chợ Lớn rầm rộ như xưa.