Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tinh gọn lộn xộn: chuyển tới chuyển lui mà bản chất không thay đổi

Cảnh Chân

 

(VNTB) – CSVN chính là vấn đề, muốn giải quyết vấn đề thì phải giải tán làm lại từ đầu chứ không thì vẫn mãi cái điệp khúc ông trước thì tách ra, ông sau thì gộp lại, rồi ông khác lại tách ra…

 

Chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính có lẽ là một điểm nhấn mà Tô Lâm muốn tạo ra để xây dựng hình ảnh tổng bí thư trong mắt người dân. Nhưng chỉ dựa vào một vài tuyên bố của người cộng sản thì khó tin được. Đường dài mới biết ngựa hay, dần dần việc tinh gọn đang làm lộ ra nhiều khúc mắc mà chế độ độc tài đã từng gặp phải.

Như việc sáp nhập các đơn vị hành chính, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành. 20 năm trước, những tỉnh lớn như Đắk Lắk bị tách thành Đắk Lắk và Đắk Nông, Lai Châu bị tách thành Lai Châu và Điện Biên, Cần Thơ thì chia thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Nay lại có chủ trương nhập lại, vì diện tích nhỏ, dân số ít… Gián tiếp thừa nhận việc chia tách 20 năm nay đã thất bại, hoặc là bây giờ ráp lại để chia lãnh địa cho các lãnh đạo.

Việc sắp xếp lại các bộ ngành cũng vậy. Năm 2002, bộ Tài Nguyên Môi Trường (TN-MT) được lập ra từ việc hợp nhất một số Tổng cục thuộc bộ Khoa học – Công nghệ – Môi trường với bộ Công nghiệp cùng bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT). Nay lại định hợp nhất Bộ TN-MT và bộ NN&PTNT thành bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường.

Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) vốn là bộ Khoa học – Công nghệ – Môi trường. Còn bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vốn là bộ Văn Hoá sáp nhập với bộ Thông tin thành bộ Văn Hoá – Thông Tin – Thể Thao và Du Lịch (1990), rồi năm 1991 đổi thành bộ Văn Hoá – Thông Tin và Thể Thao, tới 1992 thì là bộ Văn Hoá – Thông Tin. Bây giờ lại chuẩn bị hợp nhất bộ KH-CN với bộ TT&TT.

Có thể nói là dù thay đổi tên gọi, sáp nhập, rồi tách ra, rồi hợp nhất… thì về mặt bản chất vẫn không thay đổi. Vẫn là bộ máy rườm rà, ỳ ạch, chồng chéo. Hợp nhất các bộ thì chỉ bớt đi một cái tên, nhưng lại phình ra nhiều thứ khác để “bôi trơn” cho cả hệ thống. Chẳng những vậy, sẽ là những thay đổi về các thủ tục hành chính, địa chỉ, văn bản giấy tờ… Mà chưa chắc là năm nay hợp nhất rồi vài năm sau lại có tách ra hay không?

Lấy ví dụ ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, được thành lập năm 2018 dựa trên việc chuyển giao, sáp nhập quản lý vốn tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các bộ và cơ quan chính phủ. Thời điểm lập ra siêu uỷ ban này, các quan chức CSVN cũng tuyên bố hùng hồn rằng sẽ giúp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chống quan liêu, thoát khỏi lối mòn cũ…

Thậm chí mới năm ngoái, tại lễ Chào mừng 5 năm thành lập (29/9/2018-29/9/2023), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định rằng việc lập Siêu uỷ ban quản lý vốn này là chủ trương đúng đắn của đảng và nhà nước. Ông Hà phát biểu: “5 năm là chặng đường không dài, nhưng Ủy ban đã vượt qua được chặng đường quan trọng, hết sức khó khăn. Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương mới. Đến nay đã được chứng minh là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng”.

Ông Hà còn cho rằng: “Ủy ban vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước, thực hiện hiệu quả chủ trương mới là tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. (1)

Bây giờ ông Hà vẫn là Phó Thủ tướng Chính phủ, nhưng Chính phủ lại quyết định kết thúc hoạt động của siêu uỷ ban này và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về lại cho các bộ quản lý để tinh gọn bộ máy. Vậy hoá ra năm trước ông Hà nói láo, hay là dùng chiêu tinh gọn bộ máy để phân chia lại địa bàn cho các quan chức ăn chia với nhau?

Cần nhớ rằng tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và 10% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ. (2)

19 công ty này có nguồn nhân lực lên tới hàng trăm ngàn người, ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Nhưng trong 6 năm mà lúc thì tách ra khỏi bộ để tinh gọn và hiệu quả, rồi lại nhập trở về bộ cũng để tinh gọn và hiệu quả. Vậy thì chuyện tinh gọn, nhập/ xuất của CSVN đang có vấn đề. Mà nói đúng hơn, CSVN chính là vấn đề, muốn giải quyết vấn đề thì phải giải tán làm lại từ đầu chứ không thì vẫn mãi cái điệp khúc ông trước thì tách ra, ông sau thì gộp lại, rồi ông khác lại tách ra…

 

__________________

Tham khảo:

(1) https://baotintuc.vn/thoi-su/thanh-lap-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-la-chu-truong-dung-dan-20230929203403671.htm

(2) https://tuoitre.vn/sieu-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-sap-khong-con-chu-tich-noi-ve-dieu-ban-khoan-nhat-20241207113905157.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Giai cấp mới” tại Việt Nam

Phan Thanh Hung

RFA – Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cần cụ thể hơn về quyền tự do biểu đạt chính kiến

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Anonymous 11.12.2024 2:42 at 02:42

nên ủng hộ sáp nhập là rút gọn kỳ 1 sau Q1 ổn định tới định hướng kỹ nguyên đổi mới vươn mình vì hiện tại quá lộn xộn CNTT

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo