Việt Nam Thời Báo

Chuyên gia và doanh nhân nói gì về việc phá giá tiền đồng

Báo chí Việt Nam có vẻ đã được vận dụng tốt vào vấn đề phá giá đồng tiền quốc gia ngay từ khi có những dấu hiệu nóng trên thị trường chợ đen. Ngày 6/5 báo Người Lao Động Online có bài với tựa đặc biệt gây chú ý “Đã đến lúc phá giá tiền đồng” thì ngày hôm sau Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ra thông báo hạ giá đồng nội tệ 1% so với đồng đô la Mỹ. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 21.458 đồng/đô la Mỹ tăng lên 21.673 đồng. Các ngân hàng thương mại đã lập tức niêm yết giá mới 21.700-21.715 đồng/đô la Mỹ; trên thực tế các ngân hàng có thể áp dụng biên độ giao dịch +/-1%, tức là mức được phép mua vào bán ra cao hơn hoặc thấp hơn không quá 1%. Như vậy giá chính thức tối đa có thể lên tới 21.890 đồng/ đô la Mỹ sau quyết định phá giá tiền đồng.


Ảnh minh họa nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đang đếm tiền

Hai lần phá giá

Trước áp lực tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ tăng nóng trên thị trường chính thức cũng như chợ đen, ngày 7/5/2015 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định phá giá đồng nội tệ 1%. Như vậy trong vòng 5 tháng Việt Nam đã hai lần hạ giá tiền đồng tổng cộng 2% so với USD.

Báo chí Việt Nam có vẻ đã được vận dụng tốt vào vấn đề phá giá đồng tiền quốc gia ngay từ khi có những dấu hiệu nóng trên thị trường chợ đen. Ngày 6/5 báo Người Lao Động Online có bài với tựa đặc biệt gây chú ý “Đã đến lúc phá giá tiền đồng” thì ngày hôm sau Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ra thông báo hạ giá đồng nội tệ 1% so với đồng đô la Mỹ. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 21.458 đồng/đô la Mỹ tăng lên 21.673 đồng. Các ngân hàng thương mại đã lập tức niêm yết giá mới 21.700-21.715 đồng/đô la Mỹ; trên thực tế các ngân hàng có thể áp dụng biên độ giao dịch +/-1%, tức là mức được phép mua vào bán ra cao hơn hoặc thấp hơn không quá 1%. Như vậy giá chính thức tối đa có thể lên tới 21.890 đồng/ đô la Mỹ sau quyết định phá giá tiền đồng.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này người ta cho là phá giá 2% là chưa hợp lý, thậm chí có những quan điểm cho rằng phải phá giá 4% chứ không phải là 3,1% đâu.
-PGS Ngô Trí Long

Báo chí đã tiếp tục câu chuyện phá giá với câu hỏi: liệu đã phá giá thêm 1% trong vòng chưa được nửa năm, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ còn tiếp tục phá giá đồng nội tệ thêm nữa trong thời gian còn lại của năm 2015 hay không. Người Lao Động Online và Thời báo kinh tế Saigon Online cùng ghi nhận những ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này. Theo đó mức phá giá tiền đồng trọn năm 2015 sẽ vào khoảng 3,1% thay vì 2% như dự báo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“Hiện nay trong bối cảnh đồng đô la Mỹ lên còn một số đồng tiền khác mất giá mà trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam thực trạng vẫn còn ảm đạm chưa thật sự sáng sủa, sản xuất còn nhiều vấn đề khó khăn. Với mức phá giá chỉ 2% theo tôi nghĩ chưa thật hợp lý phải nói thẳng như vậy. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho rằng tỷ giá là một trong những chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên người ta cố giữ ở biện độ thấp như thế để chứng minh nền kinh tế vĩ mô ổn định. Nhưng thực chất nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này người ta cho là phá giá 2% là chưa hợp lý, thậm chí có những quan điểm cho rằng phải phá giá 4% chứ không phải là 3,1% đâu.”

Tiền đồng Việt Nam và tiền đô la Mỹ. AFP PHOTO.

Sau quyết định phá giá tiền đồng ngày 7/5/2015 Saigon Times Online ghi nhận quan điểm của Ngân hàng quốc tế Australia New Zeland ANZ, theo đó sự điều chỉnh tiền đồng lần này sẽ giúp cân bằng hơn cho các tài khoản thương mại và bảo vệ tiền đồng trong sự tương quan với các đồng tiền khác trên thị trường. Tuy vậy ANZ vẫn tiên đoán là Việt Nam sẽ hạ giá tiền thêm nữa trong những tháng tới và đến cuối năm 2015 thì mức điều chỉnh chung cho cả năm sẽ vào khoảng 3.1%, cụ thể 1 đô la Mỹ lúc đó sẽ đổi được 22.050 đồng.

Trong khi đó tờ báo trích nhận định của khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC cho rằng, động thái phá giá tiền đồng 1% đã diễn ra sớm hơn dự báo vì chưa có một sự suy giảm nền tảng đáng kể nào buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giảm giá tiền đồng trong ngày 7/5/2015. HSBC mô tả quyết định hạ giá tiền đồng so với đô la Mỹ là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại, hiện đã lên 3,3 tỷ đô la Mỹ từ đầu năm đến nay, con số lớn chưa thấy kể từ năm 2011, đồng thời kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam. Vẫn theo HSBC Ngân hàng Nhà nước đã mất một phần dự trữ ngoại tệ gần đây để đáp ứng nhu cầu đô la Mỹ tăng cao trong nước do nhập khẩu hàng hóa tăng cao, và sự chảy vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Hạ giá để giảm nhập siêu?

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, việc hạ giá tiền đồng để giảm thâm hụt thương mại tức nhập siêu không hoàn toàn được các chuyên gia đồng ý. Lý do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nhập siêu với Trung Quốc trong khi xuất siêu qua thị trường Hoa Kỳ và nhiều nơi khác.

Một đại diện của giới doanh nhân nhập khẩu, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam phản ứng mạnh về việc phá giá tiền đồng lần thứ hai kể từ đầu năm, giữa khi hàng năm Việt Nam nhập khẩu 4-5 tỷ đô la Mỹ các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ông nói:

Khi tăng giá đồng đô la lên thì đối với người xuất khẩu là có lợi, nhưng đối với những người nhập khẩu như ngành thức ăn chăn nuôi của chúng tôi thì không lợi.
-Ông Lê Bá Lịch

“Khi tăng giá đồng đô la lên thì đối với người xuất khẩu là có lợi, nhưng đối với những người nhập khẩu như ngành thức ăn chăn nuôi của chúng tôi thì không lợi. Nó ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi, bởi vì khi nhập khẩu nguyên liệu phải mua bằng đô la, khi đồng đô la lên giá, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về nước giá sẽ cao hơn và như thế ảnh hưởng tới giá thành thịt, trứng, sữa ở Việt Nam.”

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu Lạc Bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đánh giá quyết định sớm phá giá tiền đồng so với đô la là tích cực, vì nó có ích lợi cho nhà xuất khẩu cũng như nông dân. Ông nói:

“Thực ra các nhà xuất khẩu đang rất trông chờ quyết định đó dù mức 1% không phải là lớn. Nhưng ít nhất nó cũng có một kích thích nhất định, do những nước khác xuất khẩu cùng mặt hàng như mình thì người ta phá giá đồng nội tệ rất là lớn, cho nên mình bị cạnh tranh về giá bán hàng. Khó khăn đó từ đầu năm đến giờ làm sản lượng xuất khẩu cơ bản của nông sản Việt Nam bị giảm vì chúng ta không cạnh tranh nổi giá của các nước khác. Dù sao 1% cũng giúp ích một phần, thứ hai là đối với người nông dân họ thấy 1% này thì họ có thể nâng giá lên một chút. Nếu các nhà xuất khẩu vẫn đảm bảo quyền lợi của họ thì phần chênh lệch đó người nông dân sẽ đòi và chắc chắn phải nhường phần tiền đó cho người nông dân. Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tích cực và trong chừng mực đó sẽ khuyến khích xuất xuất khẩu tăng lên.”

Báo chí do nhà nước quản lý từng tán dương việc Ngân hàng Nhà nước cố gắng duy trì tỷ giá ổn định lâu dài, và mức độ hạ giá 1-2% không ảnh hưởng gì mấy tới gánh nợ công. PGS Ngô Trí Long nhận định:

“Có quan điểm cho rằng phá giá đồng tiền 2 % từ đầu năm đến giờ không tác động đến nợ công, đó là các cán bộ ngành ngân hàng nói như vậy. Nhưng theo quan điểm của tôi thì việc đó là không đúng, bởi vì khi đồng tiền Việt Nam mất giá bao nhiều thì nợ công tăng lên bấy nhiêu. Trong bối cảnh hiện nay nợ công đã sát đến trần, tình hình như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nợ công.”

Giới ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp chú mục theo dõi vấn đề điều chỉnh tỷ giá. Tuy vậy chính những người dân bình thường, những người ít quan tâm đến vấn đề này nhất, lại là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:

“Thực chất giá cả trong nước biểu hiện ở sức mua đối nội và sức mua đối ngoại. Sức mua đối ngoại chính là cái tỷ giá còn sức mua đối nội là là giá cả biểu hiện trong nước. Thực chất hai vấn đề này quan hệ với nhau rất chặt chẽ, nói một cách cụ thể khi đồng tiền Việt Nam mất giá thì chắc chắn ảnh hưởng lạm phát mà Việt Nam thường xuyên nhập siêu, nguyên vật liệu giá đầu vào tăng thì làm chi phí tăng, làm giá cả trong nước tăng. Khi giá cả tăng mà thu nhập tiền lương của người lao động không tăng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.”

Có lẽ các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm sau những thời kỳ lạm phát cao. Nếu cộng gộp mức độ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong những năm trước đây thì tiền đồng Việt Nam thực tế cao hơn giá trị thực của nó ít nhất 20%-30% so với đồng đô la. Do vậy Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lựa chọn phương cách hạ giá từ từ trong mức độ có thể chấp nhận được.

Nhưng để duy trì ổn định tỷ giá bằng mệnh lệnh hành chính cũng có thể làm méo mó thị trường tiền tệ, ảnh hưởng xuất khẩu và phải sử dụng dự trữ ngoại hối để kềm tỷ giá. Các kinh tế gia từng nói, trong một tình hình kinh tế đầy khó khăn, không có một giải pháp nào có thể làm vừa lòng tất cả mọi phía.

Theo Nam Nguyên (RFA)

Tin bài liên quan:

Mất trắng ở OceanBank: Cần làm rõ sai phạm của PVN

Phan Thanh Hung

VNTB – “Công an hóa”… thị trường vàng ở Việt Nam?

Bùi Ngọc Dân

Ngân hàng Nhà nước ôm nợ xấu, người phát ngôn Chính phủ trấn an

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo